Cần quy định rõ trách nhiệm của công chứng viên trong việc bảo mật thông tin

01-04-2024 15:51 | Thời sự

SKĐS - Sáng 1/4, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Phải liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia

Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Đa số ý kiến bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật của Bộ Tư pháp, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Các đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Đóng góp ý kiến vào dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nội dung của dự thảo luật đã cơ bản phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng.

Cần quy định rõ trách nhiệm của công chứng viên trong việc bảo mật thông tin- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp.

Về nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời cũng là loại hình dịch vụ sự nghiệp công mang tính chất thiết yếu, cơ bản. Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước, các địa phương cũng thực hiện trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường cho rằng, cần xem xét kỹ quy định về nguyên tắc hành nghề công chứng ở Điều 4, và khoản 5, Điều 2 phần giải thích từ ngữ.

Cần quy định rõ trách nhiệm của công chứng viên trong việc bảo mật thông tin- Ảnh 2.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường phát biểu.

Về quyền lợi, nghĩa vụ của công chứng viên liên quan đến công chứng điện tử, ông Bùi Văn Cường đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã dành một mục riêng về công chứng điện tử, bao gồm nguyên tắc, điều kiện, quy trình, thủ tục. Việc triển khai công chứng điện tử đòi hỏi phải liên thông giữa các cơ sở dữ liệu của quốc gia đã và đang triển khai.

Để thực hiện tốt, triển khai thuận lợi công chứng điện tử, đòi hỏi công chứng viên có quyền khai thác, truy xuất thông tin từ các cơ sở dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ tương ứng của công chứng viên trong việc bảo vệ tài khoản, bảo mật thông tin truy cập trong quá trình công chứng điện tử, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người

Đối với dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, quá trình triển khai Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai thi hành luật đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người.

Đồng thời, việc sửa đổi luật cũng giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.

Cần quy định rõ trách nhiệm của công chứng viên trong việc bảo mật thông tin- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình.

Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, mục đích xây dựng luật nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới. Nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, dự án luật được xây dựng trên quan điểm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, việc xây dựng dự án luật cũng bám sát các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được cấp có thẩm quyền thông qua. Kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới. Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người của một số quốc gia trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

UBTVQH xem xét vị trí việc làm với 7 nhóm cán bộ, làm căn cứ xây dựng bảng lươngUBTVQH xem xét vị trí việc làm với 7 nhóm cán bộ, làm căn cứ xây dựng bảng lương

SKĐS - Sáng 1/4, UBTVQH khai mạc phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và dự thảo nghị quyết về vị trí việc làm.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn