Hà Nội

Cần quản chặt hoạt động môi giới bất động sản

25-01-2020 15:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Bộ Xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản hiện hành đã có khung pháp lý khá hoàn chỉnh và đầy đủ để điều chỉnh, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, trong đó có dịch vụ môi giới bất động sản.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đất” thổi giá đất lên cao gây bất ổn thị trường tại một số địa phương. Đây là hoạt động không theo quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà môi giới chuyên nghiệp. Các cơ quan chức năng của địa phương cũng chưa có các giải pháp kịp thời để quản lý chặt chẽ các hoạt động môi giới.

Thực tế, nghề môi giới bất động sản ra đời lâu nhưng thiếu hành lang pháp lý nên nảy sinh nhiều bất cập. Cơ quan quản lý thì lúng túng vì chế tài xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe với hành vi môi giới lệch chuẩn tạo cơn “sốt ảo” gây hoang mang thị trường bất động sản. “Cò đất” có thể thổi giá, thổi phồng thông tin về hạ tầng, về các tiện ích là bởi vì thông tin quy hoạch, thông tin giá nhà đất lâu nay rất ít được công khai, người dân khó lòng tiếp cận.

Hoạt động của nghề môi giới bất động sản hiện nay vẫn còn những tồn tại, bất cập. Cụ thể, pháp luật về môi giới bất động sản quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản. Điều này đã tạo ra xu hướng các cá nhân không thực sự học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về môi giới bất động sản mà chỉ tham gia một số khóa học ngắn hạn do các trung tâm không uy tín đào tạo để học lướt qua các kiến thức nhằm đối phó với kỳ thi sát hạch. Thậm chí, có hiện tượng còn bỏ tiền “mua” chứng chỉ, không có hiểu biết về nghề môi giới.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lực lượng tham gia hành nghề môi giới bất động sản của Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người, trong đó chỉ 27.000 người có chứng chỉ hành nghề theo luật cũ; 8.000 người đã có chứng chỉ hành nghề theo luật mới. Số còn lại khoảng 265.000 chưa có chứng chỉ hành nghề.

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, hiện nay, mức xử phạt đối với các hành vi cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không chính xác hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới còn khá nhẹ, chỉ từ 10 - 50 triệu đồng. Giá trị 1 thương vụ môi giới bất động sản tầm 5 - 10 tỷ đồng, nếu so với chế tài xử phạt được quy định tại Nghị định 139 là 10 - 50 triệu đồng rõ ràng chưa bảo đảm tính răn đe.

Hơn nữa, chưa có một trường hợp môi giới nào bị xử lý về vi phạm đạo đức, ứng xử nghề nghiệp và khó có thể xác định chính xác ai là người tung tin, thổi giá, đẩy giá. Chuyên gia cũng cho rằng, cái gốc để giải quyết vấn đề này là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nếu quản lý tốt, công khai, minh bạch quy hoạch... thì thị trường bất động sản mới hy vọng phát triển ổn định, nếu chỉ dừng lại ở việc “đôn đốc” thì thời gian tới vẫn có thể tiếp diễn tình trạng này.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, vấn đề nóng cần xử lý hiện nay là đạo đức của người làm môi giới bất động sản. Môi giới bất động sản lệch chuẩn đạo đức là nguyên nhân chính tạo nên các cơn sốt đất, giá ảo và bong bóng bất động sản. Lực lượng này cũng sẽ khiến thị trường không minh bạch, mang đến nhiều rủi ro cho khách hàng.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi “đổ lỗi” cho cò đất, đầu nậu làm loạn giá nhà đất, cơ quan quản lý liên quan cần xem lại gốc vấn đề, xem lại trách nhiệm của chính mình.

Cò đất có thể thổi giá, thổi phồng thông tin về hạ tầng, về các tiện ích là bởi vì thông tin quy hoạch, thông tin giá nhà đất lâu nay rất ít được công khai, người dân khó lòng tiếp cận. Do vậy, thay vì tìm cách xử lý cò đất, giải pháp để ổn định thị trường bất động sản hiện nay là các địa phương, các quận, huyện phải công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin về quy hoạch sử dụng đất...Cái gốc là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nếu quản lý tốt, công khai, minh bạch quy hoạch... thì thị trường bất động sản mới hy vọng phát triển ổn định. Khi đó cò đất, đầu nậu tự nhiên sẽ hết đất làm ăn bất chính.

Để khắc phục vấn đề nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương cần tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản đôn đốc các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản nói chung, hoạt động môi giới bất động sản nói riêng để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động môi giới bất động sản để có các đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thị trường bất động sản nói chung và quản lý hoạt động môi giới bất động sản nói riêng.


Mạnh Thắng
Ý kiến của bạn