Nhiều loài cây dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao và giá trị chữa bệnh
Theo Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), nước ta được đánh giá có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu với hơn 5.000 loài dược liệu, trong đó có nhiều loại dược liệu quý, hiếm và vốn tri thức y học truyền thống dân tộc với nhiều bài thuốc có giá trị, là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm từ dược liệu bao gồm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, sản phẩm chăm sóc bảo vệ sức khỏe từ dược liệu, hóa mỹ phẩm từ dược liệu…
Nhiều loài cây dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao sinh sống trong rừng tự nhiên, như: Sâm Ngọc Linh, sâm Vũ Diệp (tam thất hoang), bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ, lan kim tuyến...
Điển hình như tỉnh Điện Biên có hơn 400 nghìn ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ rừng của toàn tỉnh đạt khoảng 40%. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang khai thác hiệu quả diện tích dưới tán rừng để trồng cây dược liệu. Đây cũng là giải pháp quan trọng để bảo vệ rừng theo Tiểu dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Hay như Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp và dược liệu Yên Bái chế biến sâu cà gai leo thành cao, trà và bột mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, hợp tác xã liên kết với 60 hộ dân trồng cà gai leo tại bốn xã của huyện Văn Yên và huyện Yên Bình với diện tích hơn 10 ha, mỗi năm cho sản lượng khoảng 80 tấn, doanh thu khoảng 3,8 tỷ đồng…
Tuy nhiên theo các chuyên gia dù đạt hiệu quả kinh tế bước đầu, xong việc phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóa còn những hạn chế do thiếu giống tốt có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu, bệnh gây hại; nguồn tài nguyên dược liệu ngoài tự nhiên bị suy giảm do khai thác không bền vững trong thời gian dài và do chất lượng rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng sản xuất suy giảm tại một số vùng.
Việc trồng dược liệu diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ, rải rác ở cấp hộ gia đình. Nguồn cung cấp hạt giống cây dược liệu rất hạn chế. Hạt giống hay cây con thường được thương lái mua với giá cao nhưng chất lượng và nguồn gốc không rõ ràng.
Bên cạnh đó, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào trồng, chế biến dược liệu. Phần lớn cây dược liệu dưới tán rừng được tiêu thụ dưới dạng nguyên liệu bán cho thương lái.
Cùng đó việc áp dụng các công nghệ hiện đại vào chế biến, sản xuất dược liệu còn khá khiêm tốn. Do đó, lượng dược liệu đầu ra dùng để chế biến dược phẩm khá hạn chế. Thay vào đó, phần lớn sản lượng được sử dụng cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân, đặc biệt là đồ uống và thực phẩm bổ sung.
Trong phân khúc truyền thống, dược liệu được sử dụng bởi các phòng khám cổ truyền và thầy thuốc dân gian. Chế biến dược liệu qua phân khúc này chủ yếu theo kỹ thuật truyền thống, đôi khi mang tính đặc thù của gia đình.
Ngoài ra, đối với dược liệu, việc cung cấp cho bệnh viện đòi hỏi quy trình mua sắm phức tạp và phải đạt chứng nhận GACP-WHO. Do đó, chỉ có một số công ty dược phẩm có thể cung cấp qua kênh này.
Giải pháp để phát huy lợi thế của tiềm năng dược liệu
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình) là giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Trong Chương trình có Nội dung 2: Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tiểu Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đây là dự án đầu tiên về phát triển dược liệu trong nước được Chính phủ quan tâm đầu tư nhằm phát triển tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025, sẽ tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện, của 21 tỉnh với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.
Cụ thể, các huyện triển khai thực hiện dự án phải có xã đặc biệt khó khăn; Là huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi có ít nhất 50% tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số; Có tiềm năng phát triển các loại dược liệu quý có giá trị y tế và kinh tế cao. Đối với các dự án có đề xuất triển khai trồng, phát triển Sâm Việt Nam cần có độ cao từ 1.000 mét trở lên so với mực nước biển.