Cần phát huy chất liệu cổ trong nhạc Việt

23-03-2018 07:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, bên cạnh những sáng tạo âm nhạc nghiêm túc, đầy tâm huyết thì không ít những sáng tác mang tính lai căng, tây hóa… Thực trạng này tạo ra một số rối loạn trong biểu diễn và thưởng thức âm nhạc của công chúng. Nếu không có những định hướng thẩm mỹ thì sự lan tỏa của nó sẽ trở thành thảm họa, nhạc Việt sẽ mất dần bản sắc.

Tận dụng và khai thác chất liệu cổ

Có lẽ khán giả trẻ không còn lạ lẫm với chàng kiến trúc sư trẻ Nguyễn Thanh Minh. Anh từng bước ra từ cuộc thi Sing my song và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả cũng như giới chuyên môn. Là cái tên còn khá mới trong làng nhạc Việt nhưng Nguyễn Thanh Minh lại đủ sức gây bất ngờ, thú vị cho người yêu nhạc với những sáng tác có ca từ đẹp, giai điệu trong trẻo. Album Cổ tích - một dự án âm nhạc mới được anh công bố lấy cảm hứng từ chất liệu cổ tích.

Đúng như tên gọi, toàn bộ 10 ca khúc trong album đều lấy chất liệu là những câu chuyện cổ tích Việt Nam làm đề tài sáng tác như: Mẹ Gióng, Ông ba bị, Cóc kiện trời, Thuỷ thần... Sau cuộc thi Sing my song 2017, cuối năm 2017, ca khúc Ông ba bị của tác giả trẻ này được lựa chọn tham gia cuộc thi Ban nhạc Việt được hội đồng giám khảo dự đoán sẽ trở thành bản hit mới. Những ghi nhận bước đầu thôi thúc Minh thực hiện dự định ấp ủ bấy lâu và dự án âm nhạc mang tên Cổ tích ra đời.

Thanh Minh tâm sự: “Vốn là người yêu văn hóa truyền thống, tôi luôn trân trọng những câu chuyện cổ tích đã nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người Việt. Ðó là nơi thấm đẫm những bài học nhân văn về tình người, lòng dũng cảm, đức hy sinh, tình yêu quê hương đất nước... Tiếc rằng dường như truyện cổ tích đang dần lạc nhịp trong guồng quay gấp gáp của cuộc sống hiện đại. Vì thế, tôi mong muốn dùng âm nhạc để làm cầu nối đưa những giá trị cội nguồn đến gần hơn với các bạn trẻ”.

Cần phát huy chất liệu cổ trong nhạc ViệtNguyễn Thanh Minh với album Cổ tích được công chúng đón nhận và đánh giá cao  thời gian qua.

Thưởng thức từng ca khúc trong album Cổ tích mới thấy, rõ ràng chất liệu cổ tích chỉ là cái cớ để từ đó tác giả khai thác nhiều câu chuyện của cuộc sống hiện tại. Chẳng hạn mượn truyện Sự tích cây vú sữa, Thanh Minh muốn nhắc nhở tới hiện tượng khá phổ biến của ngày hôm nay: đó là nhịp sống hối hả nhiều khi đã cuốn mất thời gian, sự quan tâm của những người con đi làm ăn xa đối với quê hương. Hay mượn Sự tích Thánh Gióng, nhưng qua ca khúc Mẹ Gióng, tác giả lại muốn nói về nỗi lòng của bậc sinh thành và sự hy sinh to lớn của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Bởi thế, Cổ tích quen đấy mà vẫn lạ.

Có thể nói album Cổ tích góp phần mở đường cho việc sản xuất và phát hành âm nhạc của những nghệ sĩ trẻ chưa có nhiều năng lực tài chính dựa trên nền tảng kêu gọi vốn cộng đồng. Điểm đặc biệt, đây sẽ không phải loại album in vật lí bình thường như những album vẫn thấy tại các cửa hàng. Cổ tích sẽ được đưa vào dạng một chiếc USB được mã hóa nhằm bảo vệ bản quyền tác phẩm. Đây là công nghệ mã hóa mà hiện tại chỉ có một studio trên thế giới có thể sản xuất được. Với công nghệ này, nhạc chơi trên album USB bản quyền có chất lượng âm thanh cao gấp 3 lần so với khi bạn nghe từ các đĩa nhạc CD thông thường.

Tại các cuộc hội thảo về âm nhạc gần đây, các ý kiến cho rằng, hiện nay, rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ khi sáng tác tác phẩm, ca khúc đã bỏ quên vốn chất liệu rất quan trọng, đó là chất liệu truyền thống. Thực tế đã minh chứng, người sáng tạo biết cách khéo léo đưa những điều tưởng như quá đỗi thân quen vào các tác phẩm mới sẽ luôn tạo cho người nghe thiện cảm vô hình. Cổ tích là một minh chứng điển hình.

Phát huy bản sắc truyền thống trong âm nhạc

Trong một cuộc bàn tròn về gìn giữ bản sắc nhạc Việt, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ: “Điều quan trọng của một tác phẩm chính là giai điệu âm nhạc và ca từ. Ca từ phải mang thông điệp nhẹ nhàng, ngắn gọn, súc tích, dễ thương, rõ lời, sẽ giúp người nghe hiểu nội dung tác phẩm, giúp tác phẩm tồn tại lâu dài trong lòng khán giả. Khi viết trên tiết tấu nước ngoài thì ca từ cũng phải dễ hiểu, ra nét Việt Nam”. Nhạc sĩ Phan Long cũng khẳng định: “Sáng tác là phải có cá tính, không thể lẫn với ai, đồng thời phải có sự phổ cập để người nghe thích. Hiện nay, thị trường nhạc Việt có nhiều ca khúc quá nhí nhố, nhiều ca khúc nghe như của Hàn Quốc, Mỹ... Trong sáng tác, nhất thiết người viết phải biết tìm kiếm và bám chắc những chất liệu âm nhạc dân gian dân tộc để sáng tạo theo phong cách riêng của mình”.

Nhạc sĩ Khánh Vinh - người có nhiều tác phẩm âm nhạc, ca khúc mang âm hưởng dân ca chia sẻ: “Trong quá trình viết, bài nào tôi vận dụng được ít nhiều chất liệu dân ca thì bài đó thường được nhiều người yêu thích. Chính vốn quý của ông bà đã giúp cho các sáng tác có sức nặng, chất lượng và được đón nhận nhiều hơn. Ngoài ra, tôi cũng tự học và tích lũy thêm kinh nghiệm từ các bậc tiền bối như nghệ sĩ Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Tý, Lư Nhất Vũ… trong việc vận dụng chất liệu dân gian, dân tộc vào tác phẩm. Tôi cũng lấy các điệu thức để đưa vào sáng tác mới”.


Nam Phương
Ý kiến của bạn