Hà Nội

Cần phát hiện sớm phình mạch não

18-12-2019 07:09 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Phình mạch não là sự phình ra hay phồng lên của một phần thành mạch máu não tại điểm thành mạch máu bị yếu.

Tại nơi túi phình hình thành thì thành mạch máu trở nên mỏng hơn và yếu hơn. Vì thành mạch quá mỏng nên dễ vỡ, máu tràn vào khoang ở xung quanh não gọi là khoang dưới màng nhện gây nên xuất huyết khoang dưới nhện. Trong các trường hợp nghiêm trọng, tình trạng xuất huyết có thể gây tổn thương não, liệt, hôn mê, thậm chí tử vong.

Đối tượng dễ bị bệnh

Tỷ lệ phình mạch não trung bình khoảng 5% dân số. Phình mạch não không xuất hiện ở trẻ sơ sinh, hầu hết gặp sau 40 tuổi. Bệnh do một điểm thành mạch máu não yếu bởi không có đầy đủ các lớp giải phẫu dẫn tới phình ra hình túi hoặc hình thoi. Phình mạch não thường gặp tại các điểm phân nhánh của hệ mạch, phát triển lớn lên từ từ. Thành túi phình ngày càng yếu và nguy cơ vỡ tỷ lệ thuận với kích thước túi phình. Phình mạch cũng có thể kết hợp với một số bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp do bất thường gene tổ chức liên kết (trong hội chứng Ehlers Danlos). Khi đó, bệnh có tính chất gia đình. Một số yếu tố nguy cơ phình mạch não như tăng huyết áp, thuốc lá, nghiện rượu, sử dụng ma túy, nhiễm khuẩn huyết, chấn thương hoặc tổn thương mạch máu, xơ vữa mạch máu làm suy thành mạch.

Phình mạch não thường gặp tại các điểm phân nhánh của hệ mạch, phát triển lớn lên từ từ.

Phình mạch não thường gặp tại các điểm phân nhánh của hệ mạch, phát triển lớn lên từ từ.

Dấu hiệu nhận biết

Một số người bị túi phình mạch não không có bất kỳ triệu chứng gì trước khi bị vỡ. Những túi phình nhỏ thường không gây triệu chứng nhưng với những túi phình lớn có thể gây đau đầu kéo dài hoặc đau khu trú tại vùng có túi phình. Nếu túi phình nằm cạnh những cấu trúc thần kinh quan trọng có thể gây các triệu chứng như mờ mắt, liệt hoặc yếu nửa người, giảm trí nhớ hoặc khả năng nói, hiếm gặp có thể gây động kinh.

Chúng ta không biết được chính xác khi nào túi phình mạch não vỡ. Tuy nhiên, một số yếu tố sau có thể gây tăng nguy cơ vỡ của túi phình: tăng huyết áp, các động tác nâng vác vật nặng gây tăng huyết áp đột ngột. Các xúc cảm mạnh gây tăng huyết áp.

Khi túi phình vỡ, máu chảy vào khoang dưới nhện quanh nhu mô não gây ra các triệu chứng đột ngột như: đau đầu dữ dội; nôn, buồn nôn, yếu liệt, suy giảm ý thức hoặc hôn mê. Người bệnh khó nói, co giật... Điều trị cấp cứu sớm nhất rất cần thiết để cứu tính mạng bệnh nhân cũng như giảm thiểu các di chứng.

Hậu quả của phình mạch não vỡ?

Khoảng 30 - 40% số người bị vỡ túi phình mạch tử vong (cả được điều trị và không). Khoảng 20 - 35% để lại di chứng trong số những người được điều trị thành công.

Khoảng 15 - 20% số người có co thắt mạch não dẫn tới thiếu máu não. Tim và phổi có thể hoạt động không bình thường dẫn tới rối loạn chung của toàn cơ thể.

Phương pháp điều trị

Với những túi phình nhỏ, chưa vỡ, chưa có triệu chứng, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ. Nếu túi phình tăng kích thước, gây triệu chứng hoặc vỡ đột ngột, cần điều trị ngay. Các bệnh lý toàn thân khác, đặc biệt là tăng huyết áp cũng cần theo dõi và điều trị vì đây là những yếu tố nguy cơ đối với phình mạch. Cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ mạch máu não là 2 phương pháp được sử dụng vì không xâm lấn.

Có 2 phương pháp điều trị: mổ kẹp cổ túi phình hoặc điều trị túi phình qua đường nội mạch bằng vòng xoắn kim loại hoặc stent. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ chỉ định cụ thể. Đối với phẫu thuật,  bệnh nhân được gây mê, bác sĩ phẫu thuật thần kinh tiến hành mở hộp sọ bệnh nhân, sau đó tìm và kẹp cổ túi phình bằng clip kim loại.

Đối với điều trị túi phình qua đường nội mạch: Dựa vào sự hướng dẫn của máy chụp mạch số hóa, bác sĩ can thiệp chẩn đoán hình ảnh sẽ tiến hành đưa các dụng cụ siêu nhỏ qua động mạch đùi lên động mạch não vào túi phình và gây tắc. Dụng cụ đó có thể là các vòng xoắn kim loại hoặc stent (hợp kim titan).

Vòng xoắn kim loại khi được thả vào trong lòng sẽ gây tắc túi phình, lỗ rách sẽ dần được tự sửa chữa theo thời gian bởi lớp nội mạc mạch máu.Stent kim loại là loại dụng cụ đặc biệt tương tự như đường ống lót bên trong lòng mạch, ngăn cản dòng máu đi vào túi phình, thường được chỉ định với những trường hợp phình cổ rộng, hình thoi, khổng lồ hoặc ở vị trí khó.

Ưu điểm của phương pháp này là không phải phẫu thuật, thời gian nằm viện ngắn (từ 2 - 5 ngày), có thể tiến hành với những trường hợp khó. Tuy nhiên, chi phí thường cao hơn so với phẫu thuật.

Lời khuyên của thầy thuốc

Phình mạch não là một căn bệnh nguy hiểm, phát triển thầm lặng, có thể giết chết bệnh nhân bất cứ lúc nào khi phình mạch vỡ. Tuy nhiên, nhờ khoa học kỹ thuật hiện đại, ngày nay, chúng ta có thể phát hiện và loại trừ phình mạch trước khi vỡ gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của bản thân. Chính vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết. Những đối tượng có nguy cơ cao cần phải chụp kiểm tra như: những người trong gia đình có bệnh nhân phình mạch; gan thận đa nang; những người có các yếu tố nguy cơ: tuổi cao, hút thuốc, uống nhiều rượu, vữa xơ mạch máu, nghiện ma túy, có tiền sử hay đau đầu... Nếu có điều kiện, mọi người nên sàng lọc thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Mỗi năm, có khoảng 50.000 người Mỹ bị đột quỵ do vỡ phình mạch não, 2/3 trong số đó chết hoặc để lại di chứng hết sức nặng nề. Ngoài ra, khoảng 1/50 dân số Mỹ tồn tại phình mạch não đang phát triển và có thể vỡ bất cứ lúc nào, vậy nên nó được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ phình động mạch trong dân số, tuy nhiên, tại các bệnh viện hàng ngày tiếp nhận các bệnh nhân chảy máu dưới nhện do vỡ phình động mạch não ngày một tăng.


ThS.BS. Nguyễn Thái
Ý kiến của bạn