Trong thời gian qua, người tiêu dùng tại Hà Nội đã rất hoang mang trước thông tin 98% mẫu thủy sản trên địa bàn Hà Nội bị nhiễm kim loại nặng như chì, thủy ngân, asenic, cadmium... trong đó đặc biệt là cua. Vậy thực hư của thông tin trên là thế nào? Để bạn đọc hiểu rõ hơn về thông tin này, chúng tôi đã trao đổi với đại diện một số cơ quan chức năng.
TS. Lê Đức Thọ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội: Thông tin cho rằng trên 98% mẫu thủy sản trên địa bàn Hà Nội nhiễm chì là không chính xác
Ngay sau khi có thông tin này, Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Chi cục ATVSTP kiểm tra ngẫu nhiên 13 mẫu thủy hải sản gồm: cá, tôm, ốc, trai, cua, hến tại 6 chợ của Hà Nội gửi đến Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia, nhằm xác minh thông tin về việc sản phẩm thủy sản trên địa bàn Hà Nội có nhiễm kim loại nặng và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Theo đó, kết quả cho thấy, các loại cá, cua và tôm được kiểm nghiệm 3 chỉ tiêu gồm: chì, cadimi và asen đều dưới ngưỡng cho phép. Với các mẫu gồm: hến, ốc, trai có 2 chỉ tiêu về cadimi và chì dưới ngưỡng, riêng chỉ tiêu asen vượt giới hạn cho phép trong khoảng 1,66 - 2,3 lần.
Từ kết quả kiểm nghiệm, tôi có thể khẳng định, thông tin cho rằng trên 98% mẫu thủy sản trên địa bàn Hà Nội nhiễm chì là không chính xác. Tuy nhiên, một kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị đại diện cho chính mẫu đó, không thể đại diện và cho rằng thủy sản ở Hà Nội không an toàn. Vì vậy, chúng ta cần lấy mẫu rộng hơn và đưa đến những nơi có labo chuẩn để làm xét nghiệm. Trên cơ sở đó mới đánh giá mức độ ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm nói chung và trong thủy sản nói riêng.
TS. Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, Bộ Y tế: Chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được phép công bố những thông tin liên quan đến ATTP
Thông tin 98% mẫu thủy sản nhiễm chì chỉ là kết quả từ đề tài nghiệm thu năm 2009 của Trường đại học Y Hà Nội. Thực tế đề này thực hiện khảo sát trên quy mô ao hồ nhỏ nhằm mục đích đánh giá tình trạng ô nhiễm ở một số hồ nội thành Hà Nội chứ không phải do cơ quan chức năng công bố. Theo đó, tất cả thông tin không do cơ quan công bố thì được xếp vào thông tin mang tính chất cảnh báo để mọi người có thể tham khảo.
Trong lĩnh vực ATVSTP, việc lấy mẫu kiểm tra, phân tích phải tuân theo quy định tại Thông tư 14/2011/TT-BYT ban hành ngày 1/4/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn chung về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng ATVSTP. Thông tư quy định rõ người lấy mẫu phải được đào tạo, có chứng chỉ về kỹ thuật lấy mẫu thực phẩm; khi lấy mẫu, phải tiến hành lập biên bản lấy mẫu, biên bản bàn giao mẫu và dán tem niêm phong mẫu theo quy định...
“Chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được phép công bố những thông tin liên quan đến ATTP và đây mới là nguồn thông tin chính thức để cảnh báo cho người dân và cơ quan chức năng. Việc công bố về sự cố ATTP cần được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm thống nhất về thông tin, chịu trách nhiệm về pháp lý. Nếu ai cũng xét nghiệm, công bố về sự cố ATTP có thể xảy ra tình huống kết quả đó không được thực hiện theo đúng nguyên tắc, không chính xác, gây hoang mang cho người tiêu dùng và thiệt hại với nhà sản xuất, kinh doanh” - TS. Lâm Quốc Hùng nhấn mạnh.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Hoàng Tiến Minh: Các hồ ở các quận nội thành phục vụ mục đích sinh thái, không có giá trị nhiều trong nuôi trồng thủy sản
Các quận nội thành Hà Nội có khoảng 3.526ha ao, hồ sử dụng để thả cá, với tổng sản lượng thu được hơn 5.000 tấn, chỉ chiếm 6,5% tổng sản lượng thủy sản của Hà Nội và đáp ứng 2,4% nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Do vậy, việc nghiên cứu của các nhà khoa học Trường đại học Y Hà Nội chỉ tập trung vào các hồ ở các quận nội thành phục vụ mục đích sinh thái, điều hòa không khí, không có giá trị nhiều trong nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, diện tích của những hồ này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội với gần 31.000ha. Nếu đưa ra thông tin chung chung như vậy, người dân dễ hoang mang, hiểu nhầm, cho rằng thủy sản nói chung của Hà Nội đều bị nhiễm kim loại. Do đó, để đánh giá chung thủy sản Hà Nội nhiễm kim loại nặng là chưa có căn cứ. Sở NN&PTNT Hà Nội đã làm việc với nhóm nghiên cứu của Trường đại học Y Hà Nội và nhóm nghiên cứu này cũng khẳng định: Chưa có cơ sở để kết luận “thủy sản Hà Nội bị nhiễm kim loại”.
Thái Bình - Trần Lâm (thực hiện)
Trước đó, các nhà khoa học ở Trường ĐH Y Hà Nội đã cho biết, trong tổng số 240 mẫu thủy sản gồm: cá chim, cá trôi, cá trắm, cá mè, trai, cua, ốc, cá rô phi lấy từ 16 hồ trên địa bàn Hà Nội thì hầu hết đều nhiễm chì, thủy ngân, asenic, nikel, chrome... Đặc biệt đối với chrome, không có mẫu nào đạt tiêu chuẩn cho phép. Còn nikel chỉ có 0,8% số mẫu đạt tiêu chuẩn cho phép. ThS.BS. Trịnh Bảo Ngọc, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Thủy sản ở tất cả các ao hồ được nghiên cứu đều nhiễm nikel, chrome vượt 10 - 15 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Vào mùa khô, mức ô nhiễm này còn cao gấp 2 - 3 lần mùa mưa”.
Trong đó nhiễm độc chì nặng nhất là ốc, cua, trai… do sống ở tầng đáy với nhiều lớp bùn đọng “ngấm” kim loại nặng, chỉ có 25% mẫu nghiên cứu đạt tiêu chuẩn. Còn lại cao gấp từ 150 - 250% tiêu chuẩn cho phép. Riêng cua thì 100% mẫu không đạt “chuẩn”.