Mới đây, một tờ báo ở ta đăng thông tin về phản ứng có hại của một loại thuốc. Đây là việc làm cần thiết, nhưng có thể khiến người dùng thuốc đi đến cực đoan là chối bỏ việc dùng thuốc, dù thuốc ấy đang được bác sĩ chỉ định cho dùng.
Từ trường hợp dompéridone
Tờ báo ấy dẫn lại đăng tải báo cáo về dược chất dompéridone trên tạp chí chuyên san dược Prescrire của Pháp như sau: “Ước tính trong năm 2012, tại Pháp có 25 – 120 trường hợp đột tử do tác dụng phụ của dompéridone. Hoạt chất này có thể tăng nguy cơ làm rối loạn nhịp tim. Nhiều nghiên cứu từ năm 2005 của Hà Lan và Canada cho thấy người dùng dompéridone có nguy cơ đột tử vì bệnh tim cao hơn 1,6 – 3,7 lần”. Do đó, Prescrire khuyến cáo các cơ quan quản lý dược phẩm Pháp và châu Âu nhanh chóng cấm hoạt chất này.
Cũng theo thông tin của tờ báo, năm 2011, cơ quan Quản lý dược phẩm và sản phẩm y tế Pháp (ANSM) gửi văn bản cho các bác sĩ, dược sĩ ở Pháp, đặc biệt lưu ý: “Nhiều nghiên cứu cho thấy dompéridone làm tăng nguy cơ bị rối loạn tim mạch và đột tử. Nguy cơ này cao hơn ở những bệnh nhân trên 60 tuổi hoặc dùng với liều lượng hơn 30mg/ngày. Cần chỉ định dompéridone ở liều lượng thấp nhất có thể đối với cả người lớn lẫn trẻ em”. Hiện cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đang nghiên cứu lại về “cán cân” hiệu quả điều trị – tác dụng phụ của hoạt chất này. Nhiều khả năng EMA nếu không cấm cũng sẽ khuyến cáo các bác sĩ hạn chế chỉ định dompéridone.
Hai thông tin vừa nêu cho thấy dompéridone có nguy cơ gây rối loạn tim mạch và thực tế đã gây ra đột tử. Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định chính thức cấm lưu hành thuốc này mà người ta chỉ cảnh giác và khuyến cáo dùng thật hạn chế. Dompéridone là thuốc có tác dụng kháng dopamine, làm kích thích nhu động của ống tiêu hoá, làm điều hoà, tăng trương lực cơ thắt tâm vị và làm tăng biên độ mở rộng của cơ thắt môn vị của dạ dày sau bữa ăn. Vì vậy, thuốc dùng điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn cấp, đặc biệt là dùng khá phổ biến trị chứng khó tiêu đầy bụng. Chính vì thuốc dùng nhiều để trị rối loạn thường xảy ra là khó tiêu mà nhiều người rất lo lắng khi biết thông tin trên.
Đến ADR
Bất cứ thuốc nào, kể cả vitamin đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng nếu không được dùng đúng cách, đúng liều. Những bất lợi do dùng thuốc gây ra được gọi chung là “phản ứng có hại của thuốc” (ADR – viết tắt từ Adverse Drug Reactions). ADR còn được gọi bằng tên khác như “tác dụng phụ”, “tác dụng ngoại ý”, “tác dụng không mong muốn”…
Nên lưu ý, nhiều thuốc được lưu hành trên thị trường dược phẩm vẫn được các viện bào chế dược phẩm theo dõi ADR để nếu thuốc xuất hiện ADR quá nghiêm trọng sẽ tự ý ngưng lưu hành hoặc bị chính quyền cấm lưu hành.
Ngoại trừ một số ADR thuộc loại nhẹ chỉ gây khó chịu (như ADR gây buồn ngủ của thuốc kháng histamin trị dị ứng), đa số ADR – đặc biệt ADR gây rối loạn nghiêm trọng (như suy thận, suy gan cấp) – rất hiếm khi xảy ra và chỉ xảy ra khi dùng liều cao hoặc dùng lâu ngày. ADR thường gặp là loại phải cảnh giác nhiều hơn.
Cần lưu ý, không phải các thuốc được báo cáo về ADR đều bị cấm lưu hành, mà có rất nhiều thuốc chỉ bị lưu ý, cảnh giác theo dõi trong sử dụng. Năm 2010, đã có trên 5 triệu ADR được báo cáo trong cơ sở dữ liệu của tổ chức Y tế thế giới (WHO database) nhưng chỉ có vài thuốc bị ngưng lưu hành. Hay cách đây không lâu, một công bố của cơ quan Quản lý dược phẩm Pháp (AFSSAPS) về danh mục 59 thuốc cần đặc biệt theo dõi đã làm nhiều bệnh nhân rất lo, đến độ tính chuyện bỏ dùng thuốc có trong danh sách đó. Cơ quan AFSSAPS cũng khuyến cáo, bệnh nhân không được ngưng sử dụng thuốc có trong danh mục nêu trên nếu không có ý kiến bác sĩ điều trị. Cách đây vài năm, có tin FDA Hoa Kỳ thông báo thuốc trị tâm thần phân liệt olanzapin (Zyprexa) là thuốc gây ADR nhiều nhất trong mười thuốc cần cảnh giác. Ở ta, một số bệnh nhân đang được điều trị rất tốt với thuốc này đã vội bỏ thuốc không dùng nữa và bị bệnh tái phát trầm trọng. Hiện nay, olanzapin vẫn được tiếp tục lưu hành mà chẳng việc gì.
Đối với dompéridone, ADR gây rối loạn tim mạch, đột tử có thể chỉ mới là loại hiếm gặp và được đánh giá chưa đến nỗi phải cấm lưu hành.
Cảnh giác cũng cần đúng liều
Khi biết một thuốc có ADR, ta sẽ cảnh giác, thận trọng dùng thuốc cho thật đúng liều, đúng cách, chứ không nên chối bỏ việc dùng thuốc. Đặc biệt nếu đã được bác sĩ khám bệnh và ghi đơn chỉ định thuốc, ta nên yên tâm sử dụng thuốc. Bởi vì, chắc chắn bác sĩ biết rõ về ADR của thuốc (điều này đòi hỏi bác sĩ phải luôn luôn cập nhật kiến thức chuyên môn) và đã cân nhắc trong chỉ định thuốc cho người bệnh.
Để phòng tránh ADR, người dùng thuốc nên lưu ý mấy điều sau: Chỉ thật cần thiết mới dùng thuốc. Hoàn toàn không nên lạm dụng dù chỉ là vitamin. Nếu được bác sĩ khám ghi đơn thuốc, phải dùng đúng, dùng đủ (không dư không thiếu) các thuốc ghi trong đơn và thực hiện tốt các chỉ dẫn. Đừng nghe lời mách bảo của người không thuộc giới chuyên môn mà dùng thuốc nào đó kéo dài từ tháng này sang tháng kia. Trước khi dùng một thuốc, cần đọc kỹ bản hướng dẫn hoặc hỏi dược sĩ tại nhà thuốc về những điều cần biết, trong đó có ADR, những thận trọng khi dùng thuốc, chống chỉ định. Khi đang dùng thuốc nếu bị phản ứng bất thường (có thể bị ADR) nên ngưng ngay thuốc và đi tái khám báo cho bác sĩ biết để bác sĩ cho hướng xử trí.
Cuối cùng, khi đọc trên báo chí thông tin về ADR của một loại thuốc, thì đó là thông tin để tham khảo và cảnh giác chứ người đang dùng thuốc đó hoàn toàn không nên quá lo lắng tìm cách ngưng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị chỉ định dùng.
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức,
giảng viên chính bộ môn dược lâm sàng, khoa dược, đại học Y dược TP.HCM.