Tôi đi khám sức khỏe cho công nhân Công ty may Đà Lạt. Vì là nghề may nên công nhân chủ yếu là nữ. Cũng khá đông, theo kế hoạch thì phải khám 2 ngày mới xong. Có một cô công nhân, sau phần khám nội của tôi thì được kết luận là bình thường, nhưng vẫn còn ngập ngừng chưa về. Tôi hỏi: “Nào, còn việc gì muốn nói nữa?”. “Thưa bác sĩ, em hay đi tiểu ra máu”. Tôi hơi giật mình hỏi thêm:
- Thế, em bị tiểu ra máu đã lâu chưa?
- Dạ, lâu rồi ạ.
- Em có thấy đau lưng hay đau bụng không?
- Dạ không.
Tôi quan sát thì thấy cô ấy có vẻ hoàn toàn bình thường, tuy nhiên, nhìn kỹ thì thấy gương mặt không được tươi tỉnh cho lắm. Lạ nhỉ, tiểu ra máu đã lâu, không đau lưng đau bụng! Tôi hỏi thêm: “Thế em đã đi khám bệnh này ở đâu chưa?”, “Dạ chưa”. Tôi khuyên cô gái đi khám tiếp các khoa khác, hẹn đầu giờ chiều, có thời gian, tôi sẽ xem xét thêm. Buổi chiều, cô gái đến gặp tôi như lời hẹn.
- Thế, em thấy nước tiểu của mình thế nào mà nói rằng tiểu ra máu?
- Dạ, em thấy nó đỏ quạch.
- Có đỏ như máu không?
- Dạ, chỉ giông giống thôi.
- Thế, một ngày em uống khoảng bao nhiêu nước, nước lọc?
- Dạ ít lắm.
- Sao em uống nước ít thế?
- Vì mải làm nên em quên.
Tôi kết luận sơ bộ rằng do cô gái uống chưa đủ nước nên nước tiểu bị cô đặc và có màu vàng sậm. Tôi dặn cô gái ngay từ chiều nay sẽ uống đủ một ngày khoảng 2 - 2,5 lít nước lọc, uống rải rác, cuối buổi chiều mai gặp lại tôi.
Ngày hôm sau, y hẹn, cô gái gặp lại tôi. Nhìn vẻ mặt tươi tỉnh của cô gái, tôi đã biết nhận định của tôi là đúng. Cô gái cũng nói ngay: “Thưa bác sĩ, em hết tiểu ra máu rồi”. Tìm hiểu thêm, tôi được biết, vì làm việc theo dây chuyền nên công nhân ở đây có rất ít thời gian làm việc riêng. Tôi đề nghị với lãnh đạo công ty: Thứ nhất, nên có giải lao giữa giờ, để công nhân có thời gian thay đổi tư thế, đi lại hoặc vận động. Nếu có thể thì tổ chức tập thể dục tập thể trong giờ giải lao sẽ rất tốt cho sức khỏe với những người phải ngồi lâu; Thứ hai, nhắc nhở mọi người nhớ uống đủ từ 2 - 2,5 lít nước lọc, uống rải rác trong ngày.
Tôi có đi đến một số trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, thấy đã có đủ nước bình cho các em học sinh uống. Tuy nhiên, không đủ ly uống nước nên có khi các em phải uống chung ly. Việc này có thể giải quyết được bằng cách hoặc các em đem theo ly riêng của mình, hoặc các em đem theo chai nước nhỏ bằng nhựa để khi uống hết nước trong chai, các em có thể lấy nước từ bình ra uống thay cho chiếc ly. Tôi cho rằng việc sản xuất các chai nước khoáng nhỏ có giá trị giúp giải quyết một cách dễ dàng việc uống đủ nước cho những người đi công tác xa nhà, đi du lịch, đi chơi, đi học…
Trở lại với cô công nhân ở đầu câu chuyện. Tôi có giữ liên lạc với cô và được biết cô gái ấy đã uống nước theo lời dặn của tôi. Hiện nay, cô gái cảm thấy tinh thần sảng khoái hơn, không còn lo sợ đi tiểu ra máu nữa và đặc biệt (đây là thông tin mà tự cô đã thông báo với tôi): “Em đi cầu thấy dễ dàng hơn”.
Uống đủ nước rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Mỗi ngày, mỗi người cần uống từ 2 - 2,5 lít nước hoặc hơn nữa (tùy theo môi trường sống, điều kiện lao động mà mỗi người tự điều chỉnh lượng nước uống hằng ngày cho phù hợp với mình). Nên uống rải rác trong ngày để tránh một lúc uống quá nhiều sẽ thải quá nhiều chất điện giải cần thiết của cơ thể. Cần tập thói quen thỉnh thoảng lại uống nước, chứ không đợi đến lúc thấy khát mới uống. Vì khi thấy khát có nghĩa là cơ thể đã và đang thiếu nước. Hàng ngày, chúng ta phải tắm rửa bên ngoài cơ thể thì uống đủ nước, ngoài giá trị duy trì sự sống của chúng ta, uống đủ nước còn có giá trị như tắm rửa bên trong cơ thể vì nước giúp cơ thể thải trừ các chất độc hại qua đường tiết niệu, đường tiêu hóa và qua da (thoát mồ hôi). Tôi muốn nói thêm với các bạn gái rằng, nếu các bạn uống đủ nước, máu huyết của các bạn sẽ được lưu thông tốt, do vậy, da và tóc của các bạn sẽ được nuôi dưỡng tốt, vì thế, các bạn sẽ có làn da mịn màng và mái tóc óng mượt.
BS. Nguyễn Tất Ứng
Hãy uống nước kể cả khi bạn không cảm thấy khát.