Cần những điều thiết thực hơn nữa cho nhân viên y tế

Bác sĩ Quan Thế Dân

Bác sĩ Quan Thế Dân

26-10-2021 16:58 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Vụ đại dịch thế kỷ đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường đang dần quay về, nhưng ký ức về nó thì không bao giờ phai mờ.

Nhớ khi bắt đầu có thông tin về con virus Sars-CoV-2, vào khoảng tháng 2/2020, chúng ta đã lo sợ đến viễn cảnh nó xâm nhập vào Việt Nam.

Và rồi chúng ta đã vượt qua được cả năm 2020 khá yên ả. Việt Nam được nêu thành tấm gương chống dịch của thế giới.

Bước sang năm 2021, dịch lại bùng phát ở Ấn Độ, Indonexia, do chủng mới delta lây lan rất mạnh. Thảm họa đã xảy ra, hệ thống y tế ở đó sụp đổ.

Người dân Việt Nam lo lắng và dù đã rất cố gắng nhưng đại dịch đã xảy ra ở Việt Nam. Tuy nhiên hệ thống y tế VN vẫn đứng vững. Tuy có những lúng túng ban đầu nhưng càng về sau hệ thống y tế hoạt động ngày càng nhịp nhàng. Và sau 2 tháng bùng phát cao điểm chúng ta đã khống chế được dịch.

Thành công đó là sự đóng góp của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Từ sự chỉ huy quyết đoán, linh hoạt của lãnh đạo, đến sự ra quân của các cấp chính quyền, của công an, quân đội, các đoàn thể.

Nhưng sớm nhất và lâu dài nhất, sâu rộng nhất chính là lực lượng y tế. Ngay từ đầu khi có những thông tin ít ỏi vể bệnh dịch, với kinh nghiệm chống virus SARS năm xưa, ngành y đã có những ý kiến tham mưa cho chính quyền khóa chặt biên giới ngăn bệnh.

Tiếp đến nghành y đã nhanh chóng tìm hiểu về bệnh, tham khảo y tế thế giới để đưa ra các quyết sách chống dịch như xét nghiệm truy vết khoanh vùng dịch đến các phác đồ điều trị ngày các phù hợp. Nhân viên y tế là những người gần nhất, trực tiếp tiếp xúc với con virus chết người, bền bỉ kiên cường từ những ngày đầu tiên đến tận những ngày hôm nay.

Hàng chục nghìn nhân viên y tế tự nguyện xung phong đi vào vùng dịch. Đợt cao điểm từ tháng 7 – tháng 9 năm 2021 đã có hơn 30.000 nhân viên y tế cả nước đi vào tăng cường cho các tỉnh phía Nam chống dịch.

Hàng chục bệnh viện dã chiến được xây dựng thần tốc. Các nhân viên y tế làm việc liên tục trong các bộ quần áo bảo hộ nóng bức ngạt thở, với các ca trực, những buổi làm việc kéo dài đến 12 giờ và hơn thế cho mỗi ngày làm việc. Ngoài thực địa hàng ngàn hàng ngàn nhân viên y tế không quản ngày đêm, không quản nắng mưa đi lấy mẫu xét nghiệm, truy vết dịch, tiêm vaccine. Cường độ làm việc quá nặng cùng sự căng thẳng đã làm nhiều nhân viên y tế kiệt sức. Nhiều người đã bị lây nhiễm, cũng đã có người hi sinh. 

Nhưng trên tất cả là sự khủng khiếp của dịch bệnh đã có tác động rất lớn đến tinh thần người trong cuộc. Một cô bác sĩ là học trò của tôi tâm sự: "Em tham gia mạng lưới bác sĩ đồng hành, giúp đỡ bệnh nhân COVID -19 từ xa. Chưa bao giờ em thấy có dịch bệnh nào khủng khiếp như vậy. Có bệnh nhân hôm trước còn bình thường, hôm sau gọi điện lại thấy đã mất rồi. Người nhà khóc lóc thương cảm than trách. Em cũng stress nặng, bỏ nguyên một ngày không dám gọi điện cho ai nữa, hoang mang quá. Thế nhưng ngày hôm sau em lại tiếp tục đồng hành cùng bệnh nhân vì còn rất nhiều bệnh nhân cần đến tư vấn của bác sĩ".

Chúng tôi cũng thế, có những ngày liên tiếp chứng kiến bệnh nhân ra đi, không khỏi hoang mang, không biết mình làm sai ở đâu, không biết mình có thực sự giúp gì cho người bệnh được không. 

Thế nhưng cho dù kiệt sức, cho dù khủng hoảng tinh thần, cho dù nhân viên y tế người này người khác có những hòan cảnh riêng khó khăn, nhưng không ai bỏ cuộc. Ngành y tế vẫn đứng vững. Nhân dân trong lúc khó khăn nhất vẫn được chăm sóc.

Với những người đã trải qua những ngày nằm bệnh viện, chắc họ không bao giờ quên những lúc khó thở nhất, lúc tưởng chừng không thể qua khỏi, người quá mệt không thể nói được chỉ ra dấu hiệu cầu cứu, thì các nhân viên y tế trong bộ quần áo bảo hộ không nhìn rõ mặt, nhưng nghe rõ giọng nói khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đã ân cần bên họ, thuốc men, chăm sóc, điều chỉnh máy thở, cho ăn cho uống, thay bỉm, thay dra… dìu họ qua những ngày tháng khó khăn nhất, đưa họ về với cuộc sống. Các nhân viên y tế đã làm việc vì mệnh lệnh từ trái tim. Chúng ta không nên nói nhân viên y tế làm thế vì đấy là nghề của họ. Nếu làm việc vì nghề, thì khi khó khăn họ có quyền bỏ nghề.

Còn làm việc vì mệnh lệnh trái tim thì nơi nào khó khăn nguy hiểm cần có mặt là họ xông vào không nề hà, tính toán.

Lúc thời bình, nhiều khi xã hội gọi "y đức" của ngành y ra để trách móc những việc mà thật ra nhiều khi không phải lỗi ở họ. Thì nay, khi đại dịch, chỉ cần nghe ở đâu đó có người dương tính là chúng ta đã vội vàng tránh xa, họ lại dũng cảm lao vào, đến tận tâm dịch.

Lúc này đây, lửa thử vàng, y đức của nhân viên y tế là cái có thật, hiện hữa và đang ngời sáng.

Đại dịch này cũng bộc lộ ra những bất cập chưa quan tâm của xã hội với nghành y. Tuyến y tế cơ sở quá mỏng, ngành y tế dự phòng, hồi sức cấp cứu... chưa được quan tâm, chế độ đãi ngộ nhân viên y tế còn thấp chưa thỏa đáng. Nếu những bất cập này được nhìn nhận và khắc phục từ sớm thì chúng ta đã tránh được những mất mát không đáng có khi dịch bệnh bùng phát vừa rồi.

Đã đến lúc, ngoài việc ghi nhận công sức của nhân viên y tế, tôn vinh họ bằng những giá trị tinh thần, còn vô cùng cần thiết tôn vinh các nhân viên y tế bằng những điều thiết thực hơn nữa...

Xem thêm bài viết của cùng tác giả:

Thư gửi bác sĩ trẻThư gửi bác sĩ trẻ

SKĐS - Số bệnh nhân COVID nặng tại các tỉnh phía Nam vẫn gia tăng từng ngày, nhiều y bác sĩ đã tình nguyện lên đường chống dịch, tuy nhiên trong số họ cũng có những người chưa làm cấp cứu hồi sức. Tuy đã được tập huấn kỹ trước khi lên đường, nhưng khó lòng tránh khỏi bỡ ngỡ.


BS. Quan Thế Dân
Ý kiến của bạn