Cần nhìn nhận đúng

27-02-2013 22:32 | Thời sự
google news

Chính phủ vừa phê duyệt đề án miễn, giảm học phí cho một số chuyên ngành y khoa nhằm khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực, trong đó có chuyên ngành tâm thần.

Chính phủ vừa phê duyệt đề án miễn, giảm học phí cho một số chuyên ngành y khoa nhằm khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực, trong đó có chuyên ngành tâm thần. Đây là lĩnh vực luôn trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực, một phần cũng do sự nhìn nhận chưa đúng của xã hội. Có lẽ không phải bất cứ ai cũng có đủ dũng cảm và sự kiên trì để có thể làm việc tại một môi trường đặc biệt như thế này…

ThS.BS. Nguyễn Quang Thắng - phụ trách Khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, khi anh vào công tác tại bệnh viện, ban đầu có rất nhiều người, bố mẹ, người thân không thích lắm, vì trước đây thi ĐH điểm cũng cao, lại học ở một trường nổi tiếng, bây giờ làm việc ở Bệnh viện Tâm thần, nghe nói mà nhiều người đã cười… nhưng sau thời gian 1 - 2 năm làm việc ở đây, tôi đã tìm được nhiều thứ lôi cuốn mình vì hiện nay, sức khỏe tâm thần được xem là vấn đề của cả cộng đồng. BS. Lý Trần Tình - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội chia sẻ: Có một điều mà chúng tôi rất băn khoăn hiện nay - đó là sự mặc cảm, kỳ thị đối với người mắc bệnh tâm thần, thậm chí với cả những người chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Chính vì những kỳ thị như vậy nên bệnh nhân tâm thần được đưa đi chữa trị rất muộn. Cùng với những khó khăn trong quá trình làm việc thì sự mặc cảm là một trong những lý do chính khiến cho ngành tâm thần luôn là một trong những ngành khó thu hút nhân lực. Bên cạnh đó, mức lương và trợ cấp của ngành cũng không đủ để đảm bảo cuộc sống cho bác sĩ và điều dưỡng làm việc trong lĩnh vực này. Khó khăn là vậy nhưng tập thể bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội vẫn luôn giữ vững tinh thần y đức, chăm lo cho bệnh nhân từ việc vệ sinh cơ thể, ăn uống, đến phục hồi chức năng với một niềm hạnh phúc rất giản dị… Đối với các y bác sĩ đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc và điều trị sức khỏe tâm thần, mỗi khi có bệnh nhân ổn định, khỏi bệnh, ra viện, tái hòa nhập cộng đồng, trở lại cơ quan làm việc, về với gia đình, đó chính là một niềm động viên, khích lệ to lớn với họ.

Theo thống kê, hiện nay, có trên 20% dân số có vấn đề về sức khỏe tâm thần và 15% dân số mắc một trong 10 bệnh tâm thần thường gặp. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức một cách đầy đủ và đúng đắn về bệnh lý tâm thần. Điều này gây tâm lý không ít đắn đo cho người học ngành y khi lựa chọn theo nghề này, cũng như mặc cảm cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khiến công tác chữa trị bệnh gặp không ít khó khăn… Đã đến lúc xã hội và cộng đồng cần có một cái nhìn thấu hiểu hơn với những khó khăn, vất vả cũng như những nỗ lực của các bác sĩ và cán bộ điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần. Cũng mong Nhà nước sẽ có những chính sách thích đáng hơn giúp họ có thêm nguồn động lực để yên tâm công tác và cống hiến cho xã hội.              

Phạm Lê


Ý kiến của bạn