Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và cộng đồng người chuyển giới lại có xu hướng tăng lên. Song song với các can thiệp truyền thống như sử dụng bao cao su, chất bôi trơn, thì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (còn gọi là PrEP) được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo can thiệp có hiệu quả cho các nhóm đối tượng này.
Lợi ích của PrEP
Các nghiên cứu của tổ chức quốc tế đã chứng minh: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao, có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống 1 viên thuốc mỗi ngày.
PrEP là viên kết hợp hai loại thuốc kháng virut, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể chúng ta bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzym) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virut mới. Nếu dùng hàng ngày theo kê đơn, có thể giảm nguy cơ nhiễm HIV từ 92-99 % ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Phương pháp này tuy không thay thế được vắc-xin HIV hay những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV khác nhưng nó cũng là một cách đơn giản có khả năng làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM qua các thử nghiệm lâm sàng và qua các can thiệp thực tế trên thế giới. Trước đó, theo một nghiên cứu do PATH thực hiện năm 2016, phần lớn trong số 799 nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ đều tự đánh giá bản thân có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng và chi trả cho PrEP khi dịch vụ này sẵn có tại Việt Nam.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP có khả năng giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm trong nhóm MSM.
Điều trị PrEP như thế nào thì hiệu quả?
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo dùng PrEP có chứa tenofovir-TDF hoặc viên kết hợp tenofovir/TDF 300mg emtricitabine/FTC 200mg) bằng đường uống với liều dùng hàng ngày (1viên/ngày).
Sau khi uống liên tục 7 ngày thì thuốc có hiệu lực tối đa dự phòng lây nhiễm qua quan hệ tình dục đường hậu môn và sau khi uống liên tục 21 ngày thì thuốc mới có hiệu lực tối đa dự phòng lây nhiễm qua quan hệ tình dục đường âm đạo hoặc đường máu.
Việc tuân thủ uống thuốc hàng ngày là rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả dự phòng HIV tối đa (giảm nguy cơ lây nhiễm lên tới >90%). Tuy nhiên nếu dùng thuốc đủ 4 ngày thì cũng đã có hiệu lực bảo vệ đối với dự phòng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đường hậu môn. Kết quả nghiên cứu ban đầu cũng cho biết nếu dùng đủ 7 ngày thì cũng có hiệu lực bảo vệ đối với dự phòng lây nhiễm qua quan hệ tình dục đường âm đạo.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, PrEP không được chỉ định dùng đối với người có viêm gan B vì trong thành phần của thuốc PrEP có TDF (Tenofovir disoproxil fumarate) là thuốc điều trị hiệu quả và đã được phê duyệt đối với viêm gan B. Nếu sử dụng PrEP một thời gian, sau đó ngừng lại thì có nguy cơ khiến viêm gan B trở nên trầm trọng. Vì thế trước khi được chỉ định dùng PrEP cần xét nghiệm máu để biết có nhiễm virut viêm gan B hay không. Nếu có thì cần khám chuyên khoa để xác định xem bạn có chỉ định điều trị viêm gan B không. Nếu không có chỉ định điều trị viêm gan B, thì có thể sử dụng PrEP theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Từ những lợi ích mà PrEP mang lại, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm - PrEP sẽ được triển khai mở rộng ở nước ta trong thời gian tới.
Được biết Bộ Y tế vừa phê duyệt kế hoạch hoạt động triển khai các hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc triển khai mở rộng Prep tại Việt Nam.