Cân nhắc trước thông tin chữa trị ung thư ở nước ngoài

25-07-2014 08:00 | Thời sự

SKĐS - Hiện nay có một thực tế là nhiều bệnh nhân Việt Nam bị ung thư nếu có điều kiện kinh tế tốt thì sẽ đi điều trị bệnh ở nước ngoài

Hiện nay có một thực tế là nhiều bệnh nhân Việt Nam bị ung thư nếu có điều kiện kinh tế tốt thì sẽ đi điều trị bệnh ở nước ngoài, phổ biến nhất là Singapore hay Trung Quốc. Chi phí cho một cuộc điều trị như vậy rất tốn kém, đến vài tỉ đồng. Nhưng thực sự hiệu quả điều trị có tương xứng với chi phí bỏ ra hay không thì tôi cũng rất mong muốn mọi người cùng suy nghĩ, cân nhắc kỹ trước khi quyết định.

Câu chuyện mà tôi chia sẻ là có thật 100%, khi tôi được chứng kiến và cùng một chị bạn nghe tư vấn tại một văn phòng đại diện cho một bệnh viện của Singapore ở Hà Nội.

Điều trị cho bệnh nhân ung thư bằng máy hiện đại ở Việt Nam. Ảnh: Trần Minh

Điều trị cho bệnh nhân ung thư bằng máy hiện đại ở Việt Nam. Ảnh: Trần Minh

Chị bạn của tôi năm nay 50 tuổi, được chẩn đoán xác định là ung thư buồng trứng, đã được mổ cắt khối u và nạo vét các hạch liên quan tại một bệnh viện đầu ngành về ung thư của Hà Nội. Sau phẫu thuật, chị được điều trị tiếp tục 8 liệu trình hóa chất. Tuy nhiên, sau 4 tháng điều trị thì chỉ số ung thư của chị tăng cao. Chị rất lo lắng và đi tư vấn bác sĩ Singapore. Vị bác sĩ này cho biết:

Nếu là chị ấy thì vị bác sĩ sẽ có lựa chọn khác, nghĩa là làm theo cách điều trị của vị bác sĩ này (điều trị hóa chất 4 liệu trình, sau đó mổ, rồi lại tiếp tục điều trị hóa chất 4 liệu trình, cuối cùng là bơm hóa chất trực tiếp vào ổ bụng).

Chị bạn tôi chắc chắn bị tái phát do cuộc mổ trước đó chưa được làm tốt.

Vị này còn cho biết tình trạng của chị bạn tôi là ung thư giai đoạn III, khả năng chữa khỏi là 25 - 30%, còn lại là không thể khỏi. Nếu vị bác sĩ này mà điều trị thì sẽ cố gắng mọi cách để chị bạn tôi có cơ hội trong nhóm 25 - 30% kia.

Theo cách nói của vị bác sĩ này thì chị bạn tôi có những băn khoăn:

Chị ấy rất tiếc là chưa được điều trị một cách tối ưu ở Việt Nam, chị ấy đã bị mất 25 - 30% cơ hội khỏi cho lần điều trị đầu tiên, “biết thế đi điều trị ở Singapore thì kết quả sẽ tốt hơn”.

Chị ấy vẫn còn 25 - 30% cơ hội để khỏi cho đợt này, vậy thì chị và gia đình sẽ phải cố gắng dồn tiền để đi điều trị. Bởi lẽ người Việt Nam vẫn quan niệm rằng “còn nước còn tát”, “có bệnh thì vái tứ phương”, “còn người còn của”... đặc biệt với căn bệnh ung thư!

Vị bác sĩ này đã đưa chị ấy từ chỗ “thất vọng” đến niềm “hi vọng”!

Nhưng, thực - hư của vấn đề là như thế nào, dưới góc nhìn của một bác sĩ, tôi đã đọc nhiều nghiên cứu về điều trị ung thư trên thế giới, quan sát nhiều bệnh nhân ung thư do đồng nghiệp của tôi điều trị, tôi xin đưa ra quan điểm của mình để mọi người cùng suy nghĩ:

Một khái niệm được áp dụng đặc trưng cho hiệu quả điều trị ung thư là tỉ lệ sống sót (survival rate) - nghĩa là tỉ lệ bệnh nhân sống được sau điều trị tính theo tháng hoặc năm, mà chưa có nghiên cứu nào nói đến tỉ lệ khỏi hoàn toàn của ung thư. Tham khảo trên các trang web uy tín của thế giới như Hiệp hội Ung thư Mỹ (American Cancer Society) cho thấy, tỉ lệ sống sau 5 năm của ung thư buồng trứng (ovarian cancer survival rate) giai đoạn 3 như chị bạn tôi là 34%. Nghĩa là nghiên cứu đã chỉ ra rằng trung bình 100 bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn 3 được điều trị đúng mực thì có 34 bệnh nhân sẽ sống được sau 5 năm, tức là có thể 5,5 năm, hay 6 năm, hay 7 năm... mà không phải tất cả 34 bệnh nhân này là được điều trị khỏi! Vậy không có khó khăn gì để đưa ra phán xét về tính đúng đắn của thông tin chữa khỏi 25 - 30% của vị bác sĩ kia. Chính thông tin này đã làm cho người bệnh có niềm hi vọng, mà thực tế không phải là như vậy. Hãy cảnh giác!

Chi phí cho một đợt điều trị là quá tốn kém. Nếu như theo đuổi một liệu trình điều trị như của chị bạn tôi gồm 8 đợt truyền hóa chất, 1 cuộc phẫu thuật và 1 đợt bơm hóa chất vào ổ bụng thì hết khoảng 130 - 150 ngàn đô Singapore, tương đương với 2 - 2,5 tỉ đồng Việt Nam, chưa tính các chi phí khác như làm các xét nghiệm (chụp phim, xét nghiệm máu...), chỗ ở, người đi chăm sóc, vé máy bay... Như vậy, để có một liệu trình đầy đủ thì có thể tốn 3 - 4 tỉ đồng. Trong khi chi phí điều trị trong nước có thể chỉ bằng 1 - 10% số tiền trên.

Qua câu chuyện phân tích ở trên, tôi hi vọng và mong muốn mọi người, đặc biệt là người bệnh ung thư và gia đình, cân nhắc cẩn thận trong việc tiếp nhận thông tin tư vấn của các bác sĩ nước ngoài cũng như chi phí điều trị quá đắt đỏ mà hiệu quả lại không phải như mong đợi.

ThS.BS. Thu Thảo

 


Ý kiến của bạn