Cân nhắc trả tiền công cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam

03-06-2022 15:55 | Thời sự

SKĐS - Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng cần thống nhất việc chi trả công lao động cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam cũng như rà soát thêm các quy định đối với phạm nhân là phụ nữ.

Cải tạo tốt để con đường trở về nhà của phạm nhân ngắn lại

Thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam ngày 3/6, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng đây là việc làm không chỉ cần thiết đối với việc cải tạo phạm nhân mà còn rất cần cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này.

Thống kê cho thấy, trong số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù có tới 67% mới chỉ học hết cấp 1, cấp 2, cá biệt có 4,7% không biết chữ, 54% trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do.

"Do đó, nếu không tổ chức tốt việc lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn", bà Thủy nói.

Bên cạnh đó, thời gian qua, phương án thu hút các doanh nghiệp để tạo việc làm cho phạm nhân ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp đã được đặt ra nhưng chỉ thực hiện được ở một số trại, còn các trại ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không thực hiện được.

Cân nhắc trả tiền công cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Về một số ý kiến e ngại là việc tổ chức cho phạm nhân lao động học tập, học nghề ngoài trại giam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, không vì e ngại mà bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân được cải tạo thông qua lao động.

"Việc cho phép thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là giải pháp quan trọng cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, cải tạo tốt để con đường trở về nhà của phạm nhân ngắn lại, để họ sớm làm lại cuộc đời", bà Thủy nhấn mạnh.

Xem xét trả công cho phạm nhân lao động ngoài trại giam ở mức độ nào?

Phát biểu tranh luận về nội dung liên quan đến trả tiền công cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam, Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, cách tiếp cận của các đại biểu về vấn đề này đang có nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết đã quy định rõ: Phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Cân nhắc trả tiền công cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam - Ảnh 2.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai).

Trong Báo cáo giải trình của Chính phủ cũng cũng nêu rõ về quy định kết quả lao động học nghề phạm nhân ngoài trại giam được sử dụng như đối với kết quả lao động học nghề của phạm nhân trong trại giam. Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu Trịnh Xuân An cần thiết thống nhất việc chi trả công lao động cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam, tuy nhiên cần xem xét trả ở mức độ nào?. Quy định trả một phần như dự thảo Nghị quyết đã hợp lý hay chưa và việc chi trả một phần này được hiểu như thế nào cũng cần phải làm rõ.

Đồng quan điểm, Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, đây là một Nghị quyết quan trọng, sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động hướng nghiệp, học nghề và tăng khả năng thích ứng tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, tạo cơ chế thuận lợi để thu hút, huy động các nguồn lực xã hội để tham gia công tác này.

Cân nhắc trả tiền công cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam - Ảnh 3.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân bày tỏ quan tâm tới nội dung dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng hợp tác với trại giam để tổ chức hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là các tổ chức và cá nhân tổ chức hoạt động lao động.

Tuy nhiên, tại Điểm d, Khoản 2, Điều 1 của dự thảo Nghị quyết chỉ quy định tổ chức hợp tác với trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Vậy, còn trường hợp các cá nhân có đủ điều kiện để hợp tác với trại giam để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thì được hưởng chính sách ưu đãi như thế nào?. Do vậy Đại biểu Quân cho rằng, vấn đề này cần phải được thể hiện rõ trong dự thảo Nghị quyết.

Rà soát thêm các quy định đối với phạm nhân là phụ nữ

Trong khi đó, Đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) đề xuất rà soát thêm các quy định đối với phạm nhân là phụ nữ.

Bà Luyến cho biết, tại địa bàn tỉnh Điện Biên có một đơn vị trại giam thuộc Bộ Công an, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã tiến hành khảo sát tại đơn vị để có thêm những thông tin phục vụ cho việc tham gia ý kiến về nội dung này.

Cân nhắc trả tiền công cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam - Ảnh 4.

Đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên).

Quan tâm đến thời gian thực hiện quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đại biểu đề nghị chỉ nên quy định thời gian thực hiện thí điểm 3 năm. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ đảm bảo thống nhất với Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và đảm bảo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác này trong thời gian vừa qua; đảm bảo tính nhân văn.

Về quy định nhóm phạm nhân thuộc diện đưa ra lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam, đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo. Đại biểu đề nghị quy định thêm quy trình lựa chọn đối với phạm nhân là phụ nữ, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, đang mang thai ra lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam. Theo đó, quy trình lựa chọn theo hướng mở, nếu đủ điều kiện và tự nguyện thì được tham gia học nghề, lao động, nhưng nếu chưa sẵn sàng thì không phải tham gia, nhằm tạo điều kiện cho họ có sự lựa chọn trên tinh thần tự nguyện, tạo điều kiện chăm sóc con, chăm sóc sức khỏe khi đang mang thai.

Theo bà Luyến, quy định như vậy thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người, là sự cụ thể hóa tiếp theo trong tổ chức thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước ta được quy định trong Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự đối với người thi hành án phạt tù là phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Phạm nhân ngoài trại giam sắp được dạy nghề, tăng cơ hội tìm việc khi tái hòa nhập cộng đồngPhạm nhân ngoài trại giam sắp được dạy nghề, tăng cơ hội tìm việc khi tái hòa nhập cộng đồng

SKĐS - Sáng 3/6, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Lê Bảo - Cao Tuân
Ý kiến của bạn