Hà Nội

Cân nhắc quy định Hà Nội được áp dụng kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới

14-03-2024 15:02 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại Phiên họp thứ 31 của UBTVQH sáng nay (14/3), các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền Bộ Y tế

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh hoan nghênh TP. Hà Nội đã có cam kết rất mạnh mẽ thực hiện phát triển y tế thủ đô về chăm sóc sức khỏe, các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội vượt trội so với các địa phương trên cả nước.

Cân nhắc quy định Hà Nội được áp dụng kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới- Ảnh 1.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 31 của UBTVQH.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Anh bày tỏ băn khoăn đối với Khoản 5 – Điều 26 trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về áp dụng các kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép áp dụng tại nước ngoài.

Theo bà Thúy Anh, đối chiếu với Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì thẩm quyền này của Bộ Y tế. Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng đã quy định rõ điều kiện được áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh và quy định việc thực hiện như thế nào.

Cân nhắc quy định Hà Nội được áp dụng kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thúy Anh băn khoăn đối với Khoản 5 – Điều 26 trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về áp dụng các kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, Bộ Y tế thẩm định, cho phép áp dụng thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới, trên cơ sở sau khi hoàn thành giai đoạn thí điểm. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ tổng hợp kết quả thí điểm, đề nghị Bộ Y tế tổ chức nghiệm thu. Trường hợp kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu, Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành văn bản cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, quy định này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh rất thận trọng. Tức là phải qua giai đoạn thử nghiệm, sau khi tổng hợp kết quả đánh giá thì mới cho phép áp dụng chứ không phải áp dụng ngay.

Tại Khoản 5 - Điều 26 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ:

Cơ quan chuyên môn về y tế của TP. Hà Nội thẩm định, cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố được áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép áp dụng tại nước ngoài.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến việc thẩm định, cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh, UBND TP. Hà Nội quy định trình tự, thủ tục thực hiện việc cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản này.

Do đó, bà Nguyễn Thúy Anh bày tỏ băn khoăn dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định thẩm quyền ở đây là Sở Y tế. Trong khi đó, thực tế ngoài cơ sở sở y tế của Hà Nội còn có nhiều cơ sở y tế Trung ương và cơ sở y tế chuyên sâu, đầu ngành, tuyến cuối hoặc cơ sở y tế đặc biệt. Muốn áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới của y tế thì phải qua các thủ tục khá phức tạp, trong khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định "có phần đơn giản". Hơn nữa, bà Thúy Anh cho rằng, vấn đề y tế còn liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu thêm vấn đề này và có ý kiến chính thức của Bộ Y tế về các nội dung này.

Nên mở rộng đối tượng được khám bệnh, sức khỏe miễn phí

Bên cạnh nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội còn cho ý kiến đối với quy định khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn nêu trong dự thảo luật. 

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, trong dự thảo không nói đến tất cả các đối tượng mà chỉ đề cập đến đối tượng "thường trú trên địa bàn". Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị làm rõ thêm bởi tại Hà Nội có đối tượng nhập cư, người từ các địa bàn khác đến rất đông.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội phân tích thêm: "Nếu bao phủ thêm cho các đối tượng này thì sẽ rất tốt để đảm bảo những người từ nơi khác đến Hà Nội tham gia vào lao động, sản xuất, góp phần làm giàu cho Hà Nội cũng được hưởng các chính sách như những người thường trú tại Hà Nội. Quy định như vậy sẽ toàn diện hơn, tốt hơn".

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Không mở rộng diện tích đất các bệnh viện trong nội đôDự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Không mở rộng diện tích đất các bệnh viện trong nội đô

SKĐS - Tại Điều 20 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định, trong khu vực nội đô lịch sử không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp…


Lê Bảo
Ý kiến của bạn