Hà Nội

Cần nghiêm trị những kẻ kích động gây rối

13-06-2018 06:12 | Xã hội
google news

SKĐS - Việc Quốc hội nhất trí lùi thời gian thông qua dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) đến Kỳ họp thứ 6 (cuối 2018) là việc làm đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, thể hiện tinh thần cầu thị, sự nghiêm túc và hết sức thẳng thắn.

Tuy nhiên, có những kẻ rắp tâm chống phá Nhà nước luôn tìm ra cách thức nham hiểm thông qua các sự kiện, nhằm kích động dư luận, chia rẽ các tầng lớp nhân dân.

Những kẻ “núp bóng”

Đối với dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) cũng như nhiều dự án luật khác đang được nghiên cứu xây dựng, việc có các ý kiến đa chiều của dư luận là chuyện bình thường, cần có sự tiếp thu, chỉnh lý và giải trình phù hợp để luật đi vào cuộc sống khi được ban hành.

Hai đối tượng rải truyền đơn kêu gọi người dân tham gia biểu tình đã bị Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ.

Hai đối tượng rải truyền đơn kêu gọi người dân tham gia biểu tình đã bị Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ.

Thế nhưng, những kẻ rắp tâm chống phá Nhà nước luôn tìm ra cách thức nham hiểm để lợi dụng các diễn biến thảo luận, tranh luận tại nghị trường, nhằm kích động dư luận, chia rẽ các tầng lớp nhân dân. Các đối tượng xấu bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng bài viết với nguồn trích dẫn thiếu chuẩn xác một số dự thảo, dự án luật đang được Quốc hội xem xét, thảo luận; đã cố tình chỉ trích, thổi phồng nội dung một số yếu tố trong dự thảo luật chưa phù hợp. Chúng đã bộc lộ âm mưu tác động, tuyên truyền hướng lái dư luận, chống phá xung quanh các dự án luật thông qua nhiều nội dung, hình thức cụ thể trước và trong khi diễn ra kỳ họp tại Quốc hội.

Hòa lẫn trên mạng xã hội với các trang có nội dung xấu, độc, một số đối tượng phản động trong nước và nước ngoài núp dưới chiêu trò phát tán các bài viết có nội dung xấu nhằm xuyên tạc, công kích, kêu gọi các cá nhân, tổ chức phản ứng về các dự án luật đang trong quá trình xây dựng hiện nay như Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu), Luật An ninh mạng…

Không dừng lại ở đó, một số kẻ có ý đồ xấu thông qua mạng xã hội nhanh chóng tạo cớ để ra sức kêu gọi chống đối dưới nhiều hình thức nhằm gây mất an ninh trật tự, xáo trộn cuộc sống bình yên. Nguy hiểm hơn nữa, các đối tượng xấu còn lén lút tìm cách rải tờ rơi nhằm kích động, xúi giục trực tiếp công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, nhà máy để lôi kéo người dân “xuống đường”. Tại một số đô thị lớn, lực lượng chức năng đã phát hiện một số kẻ tiếp cận những người dân đang đi khiếu kiện, thậm chí dùng tiền để gạ gẫm họ kéo đến những nơi đông người, cầm giấy có nội dung những biểu ngữ phản đối, hô hào và chụp ảnh để tung lên mạng.

Vào ngày 9/6/2018 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Bình Dương đã tạm giữ 2 đối tượng để điều tra, xử lý hành vi in ấn, kêu gọi người dân tham gia biểu tình trái pháp luật. Các đối tượng này đã tổ chức rải, phát hàng nghìn tờ rơi với nội dung kêu gọi người dân tham gia biểu tình, phản đối việc xem xét cho thuê đất làm đặc khu kinh tế.

Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng này đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình theo sự chỉ đạo của các tổ chức phản động bên ngoài, qua mạng xã hội, internet, đồng thời nhận thức được việc làm thiếu hiểu biết của mình.

Nghiêm trị kẻ kích động và tăng cường tuyên truyền cho người dân

Đỉnh điểm là vụ tụ tập gây rối với rất nhiều người tham gia ở Phan Thiết, Bình Thuận ngày 10/6 vừa qua. Chiều 10/6/2018, một nhóm người tuần hành qua các tuyến đường tại TP. Phan Thiết, sau đó tập trung về khu vực trước trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận để đập phá, la hét, phản đối dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt đang trình Quốc hội xem xét. Đáng chú ý, các đối tượng quá khích đã phá cổng, tràn vào trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và khu vực lân cận để phá hủy một số công trình, đốt ôtô, xe máy… Vụ gây rối làm hàng chục cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự bị thương; cùng nhiều ôtô, xe máy, một số công trình trong và ngoài khu vực Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư bị đập phá và đốt cháy. Đến 1 giờ ngày 11/6, lực lượng chức năng đã giải tán đám đông và tạm giữ 102 đối tượng quá khích cùng 78 phương tiện xe máy để điều tra, làm rõ.

Tang vật vụ án.

Tang vật vụ án.

Liên quan đến vụ tụ tập, gây rối tại khu vực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, chiều 11/6/2018, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Thuận để giải quyết tình hình.

Sau khi nghe báo cáo vụ việc, thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn yêu cầu phải tập trung điều tra, làm rõ và đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật đối với các đối tượng cầm đầu, quá khích đã lôi kéo, xúi giục, kích động hàng nghìn người tụ tập, đập phá, gây rối và chống đối lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và khu vực lân cận.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, cảnh báo âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và phần tử xấu để quần chúng nhân dân không bị kích động, xúi giục tham gia các hoạt động gây rối, vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Cũng trong sáng 11/6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐB Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc người dân quan tâm đến những vấn đề Quốc hội đang thảo luận, đặc biệt là những bộ luật có ảnh hưởng lớn tới những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới là thể hiện trách nhiệm của công dân, người dân với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cách thể hiện có thể qua rất nhiều kênh như qua các kênh phản ánh kiến nghị, qua tiếp xúc cử tri, qua các phương tiện thông tin đại chúng khác để có thể bày tỏ nguyện vọng của mình và Quốc hội là cơ quan dân cử. Qua sự việc này, cần đẩy mạnh hơn nữa việc lắng nghe ý kiến của người dân thật hiệu quả để có thể đáp ứng hết nguyện vọng, mong mỏi của cử tri, tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc.

Sự tỉnh táo về nhận thức của mỗi người dân vào lúc này là hết sức cần thiết, không để mắc mưu kẻ xấu. Cách thức tiếp cận vấn đề cũng cần sự đúng đắn, đầy đủ. Đặc biệt, người công dân có trách nhiệm và tỉnh táo lúc này cần phải hiểu và chia sẻ với những quyết tâm, chủ trương của Chính phủ, Quốc hội, từ đó đóng góp ý kiến xây dựng chân thành, nghiêm túc. Đó chính là cách để mỗi chúng ta chung tay, góp sức xây dựng đất nước vững mạnh, trường tồn và cũng không để những kẻ cơ hội, chống đối có “đất” lợi dụng.

Kỷ cương, phép nước chỉ có thể được bảo đảm trên cơ sở lực lượng chức năng thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật. Cùng với đó, mỗi công dân cần có sự nhận thức, chấp hành luật pháp. Những ý đồ xấu, vi phạm pháp luật cần phải bị xử lý nghiêm.


Bình An
Ý kiến của bạn