Hà Nội

Cần nghiêm trị kẻ “khủng bố” bằng chất bẩn

23-08-2019 15:09 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước tính chất phức tạp về hoạt động của tội phạm dùng “bom bẩn” đe dọa người khác, các lực lượng công an cần chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ điều tra nhanh, làm rõ và xử lý nghiêm những hành vi liên quan.

Khi kẻ xấu nhắm vào người thân các con nợ... để khủng bố

Gần đây, Công an quận 3, TP.HCM đã tiếp nhận đơn trình báo của ông P.T.L. (51 tuổi, ngụ quận 3) - chủ quán phở Hòa trên đường Pasteur, phường 8 - về việc quán của ông liên tục bị người lạ tạt sơn, mắm tôm, lòng thối đến 8 lần. Đỉnh điểm là sáng 31/7, lúc thực khách đang ăn trong quán thì có một nhóm người đi xe máy đến ném sơn đỏ, mắm tôm, lòng heo thối vào quán. Chất bẩn văng tứ tung, dính vào các thực khách người nước ngoài và nhiều thực khách khác đang ăn... Việc nhiều lần bị khủng bố bằng hình thức đê hèn như vậy không chỉ khiến quán phở Hòa - quán phở nổi tiếng có thâm niên hơn 50 năm ở TP.HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh mà gia đình ông L không ai dám bước ra ngoài đường và luôn phải sống trong tâm trạng hoang mang, lo sợ.

Hay một vụ việc khác ở huyện Hải Hậu (Nam Định), gia đình ông N.C.K cũng bị một “tập đoàn” cho vay nặng lãi đến nhà khủng bố để đòi khoản nợ mà bản thân ông không phải là người vay. Cụ thể, gia đình ông K có người con rể là anh T.V.D (31 tuổi) hiện nay đã ly hôn với con gái ông. Trước đó, D đã vay của một người tên H.T trú tại khu 1, thị trấ̀n Yên Định số tiền 350 triệu đồng trong thời hạn 1 tháng (từ 2/9 - 2/10/2018), lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày. Việc vay tiền của D không liên quan gì đến gia đình ông K. Tuy nhiên, khi D “mất tăm” thì từ đầu năm 2019, một nhóm thanh niên tự xưng là đàn em của H.T liên tục đến nhà ông K để đòi ông trả nợ thay D. Khi không đòi nợ được, nhóm của H.T đã mang cả xe tải, xe con đến trước cửa gia đình ông K, dùng loa công suất lớn để rêu rao, đòi nợ gây ầm ĩ cả xóm làng. Chưa dừng lại ở đó, nhóm này còn nhiều lần sử dụng chất bẩn như bom xăng, trứng thối, dầu máy pha mắm tôm... để ném vào nhà ông K gây hỏa hoạn và thiệt hại về tài sản...

Cần nghiêm trị kẻ “khủng bố” bằng chất bẩnQuán phở Hòa bị tạt sơn, mắm tôm...

Thủ đoạn khủng bố người thân của con nợ để siết nợ như các trường hợp trên không phải là hiếm gặp. Thực tế đã có không ít gia đình bị tan cửa nát nhà do không chịu nổi sức ép của thủ đoạn “mất nhân tính” này gây ra như có trường hợp người cha phải tự tử hay có người cha phải viết giấy từ con, vợ phải bỏ chồng... để tránh bị khủng bố nợ. Đây không chỉ là nỗi đau đối với các gia đình bị siết nợ mà còn gây nên bức xúc, bất an trong xã hội.

Lỗ hổng trong xử lý hành vi khủng bố đòi nợ thuê

Trung tá Trần Quốc Trung - Phòng CSHS, Công an Hà Nội cho biết: Đa số các vụ án đổ chất bẩn vào nhà người khác để đe dọa, khủng bố tinh thần đều xuất phát từ việc nợ nần. Quá trình điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động phạm tội này luôn gặp khó khăn bởi người bị hại không dám trình báo công an và đối tượng gây án thường lợi dụng trời tối, thời điểm ít người qua lại để thực hiện hành vi phạm tội. Mặc dù vậy, lực lượng công an vẫn quyết tâm làm rõ các vụ án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Việc ném chất bẩn vào nhà người khác để khủng bố siết nợ là hành vi trái pháp luật. Theo luật sư Đoàn Thạch Thảo, với hành vi này, nếu gây thiệt hại trên 2 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tội hủy hoại tài sản của người khác, mức phạt cải tạo không giam giữ từ 3 năm đến phạt tù 20 năm. Trong trường hợp thiệt hại dưới 2 triệu đồng sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 - 5 triệu đồng.

Luật đã quy định là rõ ràng như vậy nhưng tại sao trong thời gian gần đây vẫn liên tiếp xảy ra các vụ việc dùng “bom bẩn” để khủng bố siết nợ? Nói về vấn đề này, cũng theo luật sư Thảo: các đối tượng phạm tội cũng biết mức để chịu trách nhiệm hình sự. Nếu không bị truy cứu hình sự thì khi bị bắt chỉ bị phạt hành chính. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra hành vi trên diễn ra tương đối nhiều trong thời gian qua.

Cần nghiêm trị kẻ “khủng bố” bằng chất bẩnBăng nhóm liên quan vụ “khủng bố” phở Hòa khi bị công an bắt giữ.

Theo số liệu thống kê của Phòng CSHS - CATP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.247 cơ sở cầm đồ, 669 cơ sở kinh doanh tài chính, cùng với đó là gần 600 cá nhân hoạt động cho vay được đưa vào danh sách quản lý. Hầu như tất các các cơ sở, cá nhân nêu trên đều cung cấp dịch vụ cho vay tài chính. Đặc biệt, đối với các cơ sở cầm đồ “kinh doanh tài chính” không phép, có biểu hiện hoạt động phức tạp đều được công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo lực lượng CSHS các đồn, đội, trạm mở hồ sơ quản lý và áp dụng các biện pháp đấu tranh, xử lý phù hợp.

Theo đánh giá của chỉ huy Đội Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm, Phòng CSHS - CATP Hà Nội, cho vay nặng lãi về bản chất là hoạt động vay mượn giữa các cá nhân với nhau, không thông qua các tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép hoạt động. Vì thủ tục vay mượn đơn giản, không bị ràng buộc về pháp luật dễ dẫn đến các vụ phạm pháp hình sự như cưỡng đoạt, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, đổ chất bẩn đe dọa, khủng bố tinh thần...

Luật sư Trịnh Anh Dũng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc đe dọa, khủng bố tinh thần người khác bằng chất bẩn là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phải xử lý nghiêm. Tình trạng dùng “bom bẩn” đe dọa người khác đáng báo động nhưng công tác phát hiện, xử lý vụ việc vẫn chưa nghiêm và chưa thực sự quyết liệt ở các lực lượng chức năng cấp cơ sở. Nhiều nơi chưa đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề, cộng với sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế của người dân cả phía chủ nợ và “con nợ” đã làm cho tình hình nghiêm trọng hơn.


Việt Anh
Ý kiến của bạn