Con cái chăm ngoan, vợ chồng đồng thuận
Lâu nay, vợ chồng chị Đỗ Thị Xuân (xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng) luôn tự hào về hai cô con gái chăm ngoan. Vợ chồng chị Xuân luôn quan niệm "con cái là món quà của cha mẹ", không quan trọng là trai hay là gái.
Gia đình làm nông nghiệp, mặc dù kinh tế không dư dả như các gia đình khác nhưng vợ chồng chị luôn cố gắng cho các con ăn học đầy đủ, nuôi dạy các con khôn lớn, tự lập. Đền đáp lại tâm sức của bố mẹ, hai con gái của anh chị năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.
"Ngay khi sinh các con, gia đình tôi cũng xác định là dừng lại ở con số 2 để tập trung nuôi dạy cho tốt, dù là con gái thì cũng chẳng sao. Vì nếu không lo cho con học hành đến nơi đến chốn thì càng khổ mình, khổ con. Vợ chồng tôi thật sự rất vui khi các con lớn lên khỏe mạnh, có trí thức, hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Chỉ cần thế là đủ rồi", chị Xuân nói.
Còn vợ chồng anh Vũ Đình Quyết (phường Xuân La, quận Tây Hồ) cũng có hai con gái nhưng vẫn không có ý định sinh thêm con trai mà hài lòng với những gì mình đang có. Thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của vợ, anh Quyết cho biết bản thân luôn cảm ơn vợ vì đã sinh cho mình hai đứa con ngoan ngoãn, khỏe mạnh.
"Tôi vẫn hay nói với vợ là thôi không cố sinh con trai làm gì cả. Chỉ làm sao tập trung để nuôi dạy con cho tốt. Con cái học giỏi, chăm ngoan, vợ chồng đồng thuận thì đây là niềm hạnh phúc lớn nhất của mình rồi", anh Quyết tâm sự.
Hạnh phúc bền vững nhất chính là niềm vui và tiếng cười trong mỗi thành viên trong gia đình. Từ những câu chuyện của những gia đình sinh con "một bề" như chị Xuân, anh Quyết, có thể thấy rằng, điều quan trọng không phải là việc sinh con trai hay con gái, mà đơn giản họ nghĩ rằng điều tốt hơn cả chính là việc giáo dục con cái trở thành người hữu ích mới là quan trọng.
Thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân về chính sách dân số
Hiện đã có rất nhiều gia đình ngày càng có suy nghĩ tiến bộ về chuyện lựa chọn "con trai, con gái". Tuy nhiên, có một thực tế rằng không phải hộ gia đình sinh con một bề nào cũng bằng lòng với cuộc sống hiện tại, vẫn có nhiều người muốn sinh con thêm để kiếm con trai.
Trước vấn đề đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, cùng với Chi hội phụ nữ nên huy động thêm sự vào cuộc của các đoàn thể như Hội Người cao tuổi là những bác có uy tín, kinh nghiệm để tiếp cận, gặp gỡ các gia đình có ý định sinh nhiều con, vận động họ thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Sự tư vấn, tuyên truyền tích cực, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số sẽ giúp nhận thức của người dân về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đã được nâng lên. Tuy nhiên việc thay đổi nhận thức của người dân không phải là việc làm trong một sớm một chiều. Các địa phương cần duy trì xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến tận gia đình sinh con một bề, qua đó nhằm ổn định dân số, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục DS-KHHGĐ Hà Nội, mất cân bằng giới tính đang là mối quan ngại ngày càng lớn tại các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh năm 2010 là 117 trẻ trai/100 trẻ gái, đến năm 2019 là 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh toàn Thành phố là 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái.
Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn Thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Với thực trạng này, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, nước ta sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn. Hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn sẽ khiến phá vỡ cấu trúc gia đình, ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai. Từ đó, dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị.
Phụ nữ mang thai sớm tiếp cận vaccine phòng COVID-19