Hà Nội

Cần nâng cao an toàn nghề nghiệp trong thực hành nha khoa

15-10-2019 14:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Theo Business Insider, nghề nha khoa là ngành nghề nhóm đầu gây hại nhất cho sức khỏe, bao gồm cả nha sĩ thông thường, chuyên gia vệ sinh răng miệng, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm nha khoa, trợ lý nha sĩ và chuyên gia khôi phục, thay thế răng…

Nghề y là một nghề cực nhọc và các y bác sĩ, trợ thủ, nhân viên y tế phải đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm, các bệnh nghề nghiệp nguy hiểm nhưng kiến thức nâng cao an toàn nghề nghiệp vẫn chưa được chú trọng” đó là lý do hội thảo “An toàn nghề nghiệp trong thực hành Nha khoa” do Trung tâm giải pháp y khoa MESI phối hợp cùng TS.BS. Trần Ngọc Quảng Phi thực hiện vào ngày 13/10 vừa qua tại Hà Nội.

Ts.Bs Trần Ngọc Quảng Phi chia sẻ kiến thức an toàn nghề nghiệp trong thực hành nha khoa

Nguy cơ lây nhiễm 2 chiều cao khi thực hành nha khoa

Có thể nhiều bác sĩ nha khoa vẫn cho rằng công việc cạo vôi răng, nhổ răng, hay chữa tủy răng… ít làm lây nhiễm và bị vướng vào các bệnh truyền nhiễm bởi vì thấy ít chảy máu. Nhưng thực tế, nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm như viêm gan siêu vi B, cúm, lao, HIV... từ bệnh nhân và ngược lại rất cao. Đặc biệt là khi điều kiện phòng khám nha và thực hành nha khoa không đảm bảo vô trùng.

Ts.Bs Trần Ngọc Quảng Phi cho biết: “Mức độ phổ biến thông tin về nguy cơ lây nhiễm trong thực hành nha khoa, kiến thức về nguy cơ các bệnh này cũng như các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ở các phòng nha và bác sĩ vẫn còn rất thấp. Chưa kể đến là, phòng nha có thể từ chối chỉnh nha cho bệnh nhân lao nhưng không có quyền từ chối người bệnh HIV, Viêm gan siêu vi B…

Kiến thức đào tạo mức độ an toàn của các phương tiện và vật liệu sử dụng tại phòng nha khoa và lad, các phòng tránh rủi ro và tác hại khi sử dụng các phương tiện và vật liệu nha khoa cũng như làm sao để biết các biện pháp bạn đang thực hiện là đúng, đủ an toàn hay chưa… cũng chưa được phổ biến tại nước ta hiện nay.”

Đại diện Mesi – bà Tạ Giang cùng TS Quảng Phi chụp ảnh cùng các nhà tài trợ

Cũng tại hội thảo, TS Quảng Phi cảnh báo đến các đồng nghiệp: nhân viên nha khoa có nguy cơ lây nhiễm chéo với bệnh nhân, bệnh nhân khác, người nhà, môi trường… rất cao bởi nhiều mầm bệnh nguy hiểm hiện diện trong dịch tiết miệng như vi khuẩn lao, virus viêm gan siêu vi A-B-C, HIV, cúm, sởi…. nên tỷ lệ bệnh ở nhân viên nha khoa sẽ cao hơn cộng đồng khi không thực hành tốt an toàn nghề nghiệp:

- Không hiểu nguy cơ nhiễm bệnh do nước bọt và máu.

- Lơ là các biện pháp phòng ngừa: rửa tay, găng tay, khẩu trang, kính bảo vệ mắt, quần áo blouse, vệ sinh thiết bị phòng khám và kiểm soát tiêu chuẩn môi trường vô trùng…

- Thiếu hiểu biết về bệnh: cách nhận biết dấu hiệu các bệnh lý, biểu hiện bệnh lý tại khoang miệng, cách vệ sinh đường hô hấp, thực hành tiêm chích an toàn…

Lây nhiễm trong nha khoa là một vấn đề lớn và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của cả cộng đồng. Bạn không chết vì một cái răng đau nhưng bạn có thể sẽ chết vì viêm gan siêu vi B, một trong những bệnh dễ dàng lây nhiễm qua đường máu trong những thủ thuật như nhổ răng, chữa tủy răng không vô trùng. Việc lây nhiễm trong quá trình cung cấp các dịch vụ nha khoa càng được lưu ý hơn trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm đang ngày càng tỏ ra khó lường như hiện nay.

Trong đó, “phương tiện và kỹ thuật kiểm soát lây nhiễm gồm phương tiện bảo vệ cá nhân, rửa tay, súc miệng sát trùng, khử trùng và tiệt trùng thì việc rửa tay và súc miệng sát trùng là quan trọng nhất với nhân viên nha khoa, không nên mang quần áo bảo hộ về nhà giặt để tránh lây nhiễm chéo. Cách khử trùng và tiệt trùng nhiệt đúng cách là phương pháp hiệu quả và đáng tin cậy nhất giúp kiểm soát lây nhiễm nhưng phòng nha cũng cần chú ý thất bại tiệt trùng (làm sạch không đủ, đóng gói không đúng, quá tải lò hấp, lỗi thao tác, sử dụng sai cách hoặc thiết bị kém chất lượng). Nên rửa tay đúng quy trình, trước - sau khi thực hành nha khoa, cả nhân viên nha khoa và bệnh nhân đều cần súc miệng. …”

Các bệnh lý thường gặp ở nhân viên nha khoa

Nhân viên nha khoa thường dễ mắc bệnh lý cơ xương cao là hội chứng ống cổ tay, co cơ, đau cổ vai gáy, đau thắt lưng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, viêm quanh khớp vai… đẩy nhanh thoái hóa xương, thiếu máu não  bởi:

- Tư thế làm việc bất lợi: thiếu huấn luyện về tư thế, không quen nhìn gián tiếp qua gương, thao tác thiết bị phức tạp, sắp xếp dụng cụ, thiếu trợ thủ chuyên nghiệp...

- Hoạt động cơ xương bàn tay gắng sức: dùng các dụng cụ ở tư thế không thuận lợi, dụng cụ không phù hợp, nôn nóng hoàn tất công việc...

- Các động tác lặp và khoảng thời gian làm việc kéo dài, nhất là: cạo vôi, chữa tủy, mài cùi, điều trị phức tạp, khi nhiều bệnh nhân...

- Áp lực tiếp xúc và sự rung lắc nhiều khi cầm nắm các dụng cụ, thiết bị siêu âm, găng tay chặt, tay siêu âm, tay khoan lệch trục…

Hội thảo nhận được sự quan tâm của gần 300 y bác sĩ nha khoa, các viện nghiên cứu và sinh viên răng hàm mặt khu vực phía Bắc

Ngồi đúng tư thế, hợp lý hóa lao động, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sự dẻo dai của cấu trúc cơ xương khớp là lời khuyên mà nhân viên nha khoa đều biết. TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi cũng hướng dẫn các bài tập dễ dàng thực hiện cho bàn tay, cổ vai, lưng giúp nhân viên nha khoa hạn chế và kiểm soát bệnh lý cơ xương khớp cho bản thân. “Nên chọn ghế ngồi đáp ứng đúng tiêu chuẩn độ cong cho cột sống. Góc cúi cổ, nghiêng cột sống, bàn tay, dang khuỷu tay không nên vượt quá 15 độ, góc vươn tay không vượt quá 30 độ, bàn tay nên giữ thăng bằng ngang … sẽ giúp kiểm soát tốt hơn. Ngoài ra, các nhân viên nha khoa cần chú ý kỹ về tư thế làm việc, vị trí ngồi khi thực hành nha khoa cho từng vị trí răng, vị trí nguồn sáng, thao tác cầm dụng cụ và tư thế cầm nắm, sắp xếp công việc hợp lý”.

Tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm Y khoa MESI - bà Tạ Giang chia sẻ: “Nghề nha là môi trường làm việc nhiều nguy cơ và những nguy cơ có thể kiểm soát được, người bác sĩ chính là người quyết định. Những chương trình đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, an toàn thực hành nghề, quản trị phòng nha, marketing phòng nha… được MESI thường xuyên tổ chức tại Hà Nội, Hồ Chí Minh. Những chương trình học tại MESI sẽ bao gồm 80% chuyên môn, 20% an toàn nghề nghiệp để đảm bảo yếu tố chuyên nghiệp, đảm bảo sức khỏe cho nhân viên nha khoa”.

Khách mời tham khảo các thông tin thêm về nha khoa ứng dụng

Sự kiện được sự quan tâm của gần 300 y bác sĩ nha khoa, viện nghiên cứu và nhiều sinh viên răng hàm mặt. Bộ sách “Nha khoa ứng dụng từ cơ sở đến lâm sàng” gồm Chỉnh nha lâm sàng từ nguyên lý đến kĩ thuật, Giải phẫu Miệng hàm mặt ứng dụng, Mô phôi miệng hàm mặt Ứng dụng, Giải phẫu răng ứng dụng, Cắn khớp lâm sàng và rối loạn hệ thống nhai, An toàn nghề nghiệp trong thực hành Nha khoa, Gãy phức hợp gò má - Từ phân loại tới điều trị do TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi và MESI phát hành độc quyền cũng được khách mời rất quan tâm và đặt mua.


Hân Hân
Ý kiến của bạn