Hà Nội

Cần một chế tài đủ mạnh cho an toàn giao thông

16-06-2020 08:27 | Xã hội
google news

SKĐS - “Tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông và chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của nhiều người tham gia giao thông còn chưa cao, coi thường pháp luật; vi phạm TTATGT vẫn diễn ra phổ biến...” là đánh giá của Bộ Công an khi nhìn lại hơn 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ.

Qua hơn 10 năm thi hành, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cả về công tác bảo đảm TTATGT và phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ, đòi hỏi cần có một đạo luật đủ mạnh để điều chỉnh vấn đề bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi ra đường.

Thiệt hại lớn

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm (từ năm 2009 đến năm 2019), trên 56,3 triệu trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ đã bị xử lý, nộp Kho bạc nhà nước 25.801 tỷ đồng. Gần 3,7 triệu trường hợp bị tước giấy phép lái xe, trung bình 1 năm xử lý trên 5 triệu trường hợp vi phạm.

Vi phạm chủ yếu là do ý thức của người điều khiển phương tiện không chấp hành pháp luật như: Điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, xử lý của người thi hành công vụ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh vượt, chuyển hướng, lùi xe không đúng quy định; chở quá số người quy định, không có giấy phép lái xe, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; sử dụng giấy phép lái xe, đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định giả...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn giao thông ở Việt Nam gây thiệt hại 2,5% GDP/năm, tương đương mỗi ngày 300-500 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, TNGT cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó nhiều người trong độ tuổi lao động. Kết quả kiềm chế và làm giảm TNGT chưa vững chắc, số người chết và bị thương do TNGT vẫn rất cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng TNGT.

Nguyên nhân của những vụ tai nạn trên có một phần do pháp luật về đảm bảo TTATGT chưa đủ mạnh, ý thức của lái xe chưa cao và công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe còn lỏng lẻo.

Kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: TM

Kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: TM

Phương tiện tăng nhanh, hạ tầng quá tải

Đánh giá của ngành GTVT cho thấy, hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã được quan tâm đầu tư, xây dựng nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra, còn một số hạn chế, bất cập và chưa đồng bộ. Trong 10 năm qua, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị còn thấp hơn so với quy định; tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, mới chỉ đạt từ 5-12%, trong khi theo yêu cầu là từ 16%-26%. Việc phát triển hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ, đường địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ.

Với 96,2 triệu dân năm 2019, mật độ phương tiện giao thông ở Việt Nam là 726 phương tiện/1.000 người. Tỷ lệ ôtô cá nhân/1.000 người dân ở nước ta ở mức trung bình thấp so với các nước, nhưng đã bất cập với hạ tầng giao thông. Phương tiện giao thông tăng nhanh (so sánh năm 2019 với năm 2009: ôtô đăng ký mới tăng 110%; môtô đăng ký mới tăng 34%), bình quân tăng từ 10-15%/năm, chủ yếu là phương tiện cá nhân, tập trung tại các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Chế tài chưa đủ mạnh để xử lý

Thời gian qua, tình hình người tham gia giao thông coi thường pháp luật, không chấp hành, thậm chí chống lại người thi hành công vụ diễn ra tại nhiều địa phương, và ngày càng manh động, phức tạp. Trong các vụ chống người thi hành công vụ, có nguyên nhân do hành lang pháp lý về TTATGT chưa đủ mạnh; công tác quản lý Nhà nước về TTATGT còn nhiều bất cập, kém hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chủ yếu, căn bản dẫn đến tình trạng trên là do quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với tình hình giao thông hiện nay. Chính vì vậy, vừa qua Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ và đề xuất trình Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn