Cần mở rộng đối tượng người tham gia hiến máu

06-04-2016 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhu cầu máu cho cung cấp điều trị luôn là vấn đề mang tính thời sự và được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm.

Nhu cầu máu cho cung cấp điều trị luôn là vấn đề mang tính thời sự và được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 13/2000/QĐ-TTg, lấy 7/4 hàng năm là “Ngày toàn dân Hiến máu tình nguyện”. Nhân dịp này, phóng viên (PV) báo Sức khỏe & Đời sống có cuộc trao đổi với GS.AHLĐ. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, xoay quanh vấn đề máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân trong thời gian qua, đặc biệt là hiện tượng mất cân đối nhóm máu A và O đang được cộng đồng và người bệnh hết sức quan tâm.

GS. AHLĐ. Nguyễn Anh Trí.

PV: Thưa GS, thực trạng nhu cầu máu phục vụ cho cấp cứu hiện nay như thế nào?

GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Trước hết chúng ta hãy nhìn nhận một cách khách quan và công bằng rằng, trong những năm qua, phong trào hiến máu nhân đạo của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã có những bước phát triển nổi bật, được cộng đồng công nhận và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Cụ thể, trong 22 năm qua, kể từ ngày 24/1/1994 - Ngày hiến máu tình nguyện đầu tiên ở Việt Nam được phát động, đến nay phong trào hiến máu tình nguyện nước ta không ngừng phát triển; số lượng máu vận động và tiếp nhận được ngày càng tăng. Năm 1994, cả nước mới tiếp nhận được hơn 138.000 đơn vị máu, đến năm 2015, đã vận động và tiếp nhận hơn 1.156.600 đơn vị máu (tương đương hơn 1.340.000 đơn vị máu quy đổi); tăng gấp 8,4 lần so với năm 1994 và tăng gần 10% so với năm 2014. Trong đó, gần 97% là hiến máu tình nguyện, tương đương 1,3% dân số hiến máu. Lượng máu tiếp nhận được đã góp phần cứu chữa cho hàng triệu người bệnh cần truyền máu trên cả nước. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra và báo cáo trên phạm vi toàn quốc, tôi khẳng định máu vẫn còn thiếu cho điều trị.

PV: Như vậy, thiếu máu trong điều trị vẫn đang là câu chuyện nan giải, GS có thể nói rõ hơn vấn đề này?

GS.TS. Nguyễn Anh Trí:

Thứ nhất: Nói về góc độ số lượng, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới thì an toàn truyền máu của một quốc gia chỉ đạt được khi lượng máu tiếp nhận được hàng năm tối thiểu phải bằng 2% dân số. Trong khi đó, ở Việt Nam mới chỉ đạt được 1,4% (theo quy đổi) đáp ứng được khoảng hơn 60% nhu cầu, như vậy trên thực tế chúng ta còn thiếu gần 40%; mà 40% trong 2 triệu đơn vị máu đó có nghĩa là còn hàng vạn bệnh nhân vẫn còn bị thiếu máu để điều trị.

Thứ hai: Điểm nổi bật ở việc thiếu máu hiện nay ở Việt Nam chính là hiện tượng mất cân đối nhóm máu, mà hiện tượng mất cân đối nhóm máu này lại thường diễn ra ở  hai nhóm máu là nhóm A và nhóm O. Nếu trước đây nói tới việc thiếu máu là thiếu chung của tất cả các nhóm thì bây giờ vấn đề thiếu máu có sự khác biệt, đó là thiếu máu theo nhóm, xuất hiện hiện tượng mất cân đối nhóm máu tại các trung tâm truyền máu trong cả nước. Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, lượng máu tiếp nhận được từ 1,1% dân số đến 2% dân số thì sẽ biểu hiện rõ tình trạng này. Chỉ khi nào lượng máu tiếp nhận được đạt trên 2% dân số tham gia hiến máu thì lúc đó sẽ giải quyết được tình trạng mất cân đối nhóm máu, trong khi Việt Nam mới chỉ đạt được 1,4% dân số hiến máu.

Thứ ba: Thêm một lý do nữa, đó là việc thiếu máu xảy ra ở những thời điểm nhất định trong năm, như vào mùa hè, học sinh, sinh viên nghỉ học hoặc trước và sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài cũng ảnh hưởng lớn tới việc hiến máu. Đó là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc thiếu nguồn người hiến máu hiện nay. Những năm gần đây, nhờ có Lễ hội Xuân hồng và Hành trình Đỏ, nên việc thiếu máu vào khoảng thời gian này hoặc đã được chấm dứt, hoặc đã rút ngắn hơn trước nhiều.

Bên cạnh đó còn có hiện tượng thiếu máu về mặt không gian, địa điểm, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Thực tế cho thấy, tổ chức dịch vụ truyền máu ở những nơi đó là một vấn đề hoàn toàn khác, nên việc thiếu máu ở đây chủ yếu là do chưa tổ chức tốt và phù hợp được dịch vụ truyền máu. Mặc dù tình trạng thiếu máu tưởng chừng không gay gắt, nhưng trên thực tế lại rất nguy hiểm, vì mang tính cấp cứu cao.

Như vậy tình hình thiếu máu hiện nay có những điểm khác biệt hơn so với hiện tượng thiếu máu ở những thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

GS. AHLĐ. Nguyễn Anh Trí trong đoàn Hành trình Đỏ 2015.

PV: Được biết, GS là một trong những người “thắp lửa” cho phong trào hiến máu tình nguyện và từng lăn lộn với phong trào hiến máu lâu năm, theo GS chúng ta cần có giải pháp nào để khắc phục?

GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Tôi nhận ra rằng việc đầu tiên chúng ta phải làm là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động hiến máu, phải xem đây là việc then chốt, hàng đầu, cần làm liên tục và kéo dài. Vì đây là một “cuộc cách mạng về mặt nhận thức” nên cần phải có thời gian để thay đổi.

Các nhà lãnh đạo, quản lý cần phải vào cuộc mạnh mẽ; phong trào hiến máu nhân đạo ở một địa phương, một đơn vị chỉ mạnh được, tốt được khi các cấp bộ Đảng và chính quyền quan tâm, vào cuộc.

Các bạn trẻ tham gia hiến máu. Ảnh: TM

Phải mở rộng đối tượng những người tham gia hiến máu. Qua thực tiễn và nghiên cứu của các nước trên thế giới thì lứa tuổi từ 18 đến 60 tuổi nếu tham gia hiến máu không quá 9ml/kg cân nặng là hoàn toàn không có hại cho sức khỏe.

Phải có những người gương mẫu, những tập thể, đơn vị gương mẫu. Đặc biệt ngành y tế phải gương mẫu vào cuộc. Không có ai hiểu được vấn đề sinh máu, vấn đề tuần hoàn máu và nhu cầu máu nhiều hơn cán bộ y tế. Trên thực tế, cán bộ y tế nhiều nơi đã làm rất tốt việc hiến máu nhân đạo, đã có những tấm gương cán bộ y tế hiến máu cứu sống bệnh nhân ngay trên giường mổ, tuy nhiên một số nơi vẫn còn thờ ơ.

Mặt khác, cần làm tốt hơn nữa công tác thi đua khen thưởng phù hợp với từng địa phương cụ thể, đồng thời phải được quan tâm, nâng cao. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng khẳng định: “Những người hiến máu là những người anh hùng”. Chính vì vậy đã đến lúc cần phải xem lại việc tôn vinh khen thưởng cho những người làm công tác tuyên truyền vận động hiến máu, những cá nhân hiến máu nhiều lần phải được nhận những danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước.

Một vấn đề rất quan trọng nữa là, muốn thúc đẩy phong trào hiến máu nhân đạo thì phải tiếp tục đầu tư kinh phí cho công tác tuyên truyền vận động hiến máu. Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo nhiều lần là: “Tuyên truyền vận động để có hiến máu tình nguyện không lấy tiền là một việc cần rất nhiều kinh phí”.

Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp các cơ sở truyền máu trong cả nước để có thể đáp ứng được việc tiếp nhận, xử lý và sử dụng một cách hiệu quả.

Thế giới đã có những bài học rất sâu sắc về sự thăng trầm của phong trào hiến máu nhân đạo, ngay như các nước có hoạt động hiến máu phát triển rồi, nhưng nếu không tiếp tục quan tâm, không tiếp tục đầu tư là có thể đi xuống ngay.

PV: Trân trọng cảm ơn GS!


Vương Tuấn (thực hiện)
Ý kiến của bạn