Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, năm 2023 tỉnh sẽ trồng mới 890 ha cây dược liệu.
Theo đó, diện tích dược liệu trồng mới được thực hiện tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa. Hiện nay, các địa phương đang tập trung đôn đốc, hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại, bảo đảm thời vụ và kế hoạch tỉnh giao.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Lào Cai là 1 trong 8 vùng trồng dược liệu có thế mạnh của Việt Nam. Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định đưa cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp địa phương.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh chú trọng phát triển sản xuất dược liệu gắn với hoạt động du lịch sinh thái, phát huy các thế mạnh của địa phương, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; xây dựng thương hiệu và cấp mã cho các vùng trồng cây dược liệu gắn với thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo ra sản phẩm làm quà cho du khách mang nét đặc trưng riêng của Lào Cai. Đồng thời, xây dựng mới các mô hình theo hướng bảo tồn và phát triển cây dược liệu bền vững; tiếp tục chuyển giao công nghệ, khuyến nông đào tạo tập huấn cho nông dân về sản xuất dược liệu an toàn, chất lượng để đáp ứng yêu cầu thu mua của doanh nghiệp.
Trên thực tế, tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của Lào Cai là rất lớn. Nguồn dược liệu của cộng đồng các dân tộc Lào Cai ngày càng được mở rộng không chỉ cho thấy, vai trò quan trọng của loại cây trồng này trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp mà còn chứng tỏ nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm dược liệu của Lào Cai ngày càng tăng cao.
Xem thêm video được quan tâm:
Nghệ chữa đau dạ dày thế nào mới đúng?