Chiều 23/8, theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực cổng một số BV như BV Phổi TW, BV Việt Đức, BV Phụ sản TW, BV Mắt TW..., nhìn chung ý thức người dân trong việc giãn cách, đeo khẩu trang đa phần đều tuân thủ.
Tuy nhiên, tình trạng bán hàng rong vẫn diễn ra khá tràn lan. Hàng rong chủ yếu là các gánh, sạp lưu động bán quần áo, hoa quả, đồ thiết yếu, đồ ăn... tụ tập, lởn vởn quanh khu vực các cổng bệnh viện. Có chăng chỉ khác trước là do có sự tăng cường của lực lượng chức năng nên các hàng rong không án ngữ hay tập trung dày đặc thường xuyên ngay khu vực sát cổng BV mà tản ra gần đó...
Lộn xộn hàng rong và tập trung đông người tại cổng BV Việt Đức.
Một số nơi, hàng rong tập trung thành một khu vực đứng bán chỉ cách cổng BV khoảng 100-200m và tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để mưu sinh vẫn ngang nhiên diễn ra.
Thực tế, lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân để xử lý, song khi vắng bóng lực lượng chức năng, mọi chuyện lại trở về như cũ. Tại khu vực cổng một số BV lớn, các hoạt động mua bán, ăn uống, “chèo kéo” mời gọi khách của cánh xe ôm vẫn diễn ra khá nhộn nhịp như khi chưa có dịch...
Và đáng nói hơn, một số cá nhân thiếu ý thức, tụ tập túm năm tụm ba nhưng không đeo khẩu trang hoặc có đeo nhưng không đúng quy cách vẫn vô tư tám chuyện...
Theo ghi nhận của nhóm PV, từ 10h-12h hằng ngày luôn diễn ra ùn tắc cục bộ tại cổng BV Hữu nghị Việt Đức. Các taxi đủ loại từ công nghệ đến truyền thống với khoảng 30 chiếc đỗ la liệt 2 bên đường vào bệnh viện, thậm chí chắn giữa trước cổng để bắt khách. Khu nhà B3 (phẫu thuật chỉnh hình; nhà nghỉ trọ cho bệnh nhân) và khu vực thanh toán viện phí (điểm thanh toán số 3) của BV Hữu nghị Việt Đức là nơi tập trung “cò” xe nhiều nhất.
Hằng ngày, tại khu vực này luôn có từ 10-15 “cò” xe hoạt động. Mỗi khi thấy người thăm nuôi hoặc bệnh nhân đi từ các phòng bệnh bước xuống sảnh cầu thang tầng 1, các đối tượng lao tới chèo kéo.
Sau khi bắt khách xong, các “cò” xe này sẽ “bán” khách cho xe cứu thương hoặc taxi đỗ phía ngoài đường để ăn hoa hồng. Mỗi cuốc như vậy, “cò” sẽ được hưởng 15% số tiền. Điều này khiến các “cò” xe không ngần ngại chặt chém khi đã bắt được kèo. Nhiều “cò” xe còn len lỏi lên tận các phòng, khoa để bắt khách.
Nhiều người không đeo khẩu trang tụ tập đông tại cổng BV Phụ sản TW.
Lực lượng bảo vệ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, vấn nạn “cò” xe diễn ra nhiều năm nay. Bệnh viện đã nhiều lần phối hợp với Công an phường Hàng Bông, Công an quận Hoàn Kiếm nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
“Khi nào phía bệnh viện báo công an phường và quận, họ cho người vào kiểm tra và gọi các đối tượng “cò” lên làm việc thì tình hình tạm vãn bớt. Tuy nhiên, lúc nào không có công an, tình trạng trên lại tái diễn”, lực lượng bảo vệ của BV cho biết.
Việc các “cò” xe lộng hành trong bệnh viện khiến không ít vụ bệnh nhân đi xe bị “chặt chém”, uất ức nhưng không dám phản ánh. Nhiều bảo vệ còn bị các “cò” xe đe dọa chém giết khi họ đuổi các đối tượng này ra ngoài.
Được biết, mới đây (ngày 22/8), Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội đã họp khẩn với 80 bệnh viện công lập, ngoài công lập của cả Trung ương và Hà Nội nhằm phòng chống dịch hiệu quả, an toàn.
Tại cuộc họp này, đại diện một số bệnh viện ở Hà Nội bức xúc về tình trạng cò mồi, xe ôm, hàng quán... vẫn vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19, qua đó kiến nghị UBND TP. Hà Nội xử lý mạnh tay các vi phạm này. Mong rằng tình trạng trên sẽ được xử lý dứt điểm trong thời gian tới.