Cần mạnh tay xử lý vi phạm an ninh hàng không

30-11-2018 08:01 | Xã hội
google news

SKĐS - Clip 3 thanh niên ngang nhiên hành hung nữ nhân viên hàng không, tấn công nhân viên an ninh, gây rối trật tự công cộng ở sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa vào chiều 23/11 gây làn sóng bất bình trong dư luận. Vụ việc một lần nữa làm dấy lên lo ngại về văn minh, văn hóa hàng không có dấu hiệu suy giảm. Cách nào để ngăn chặn những hành vi tương tự?

Lý do để nhóm người này nổi giận vô cùng lãng xẹt, chỉ vì bị nữ nhân viên hàng không từ chối chụp ảnh cùng. Đáng chú ý, một trong những đối tượng tham gia đánh nữ nhân viên hàng không là con trai nguyên Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, địa phương có sân bay đóng trên địa bàn.

Sự việc khiến người ta liên tưởng tới vụ việc tương tự xảy ra cách đây gần 2 năm tại sân bay Nội Bài. Nạn nhân bị 2 nam hành khách hành hung ở Nội Bài hôm ấy (18/10/2016) là nữ nhân viên Trung tâm khai thác Nội Bài của Vietnam Airlines (VNA). Một trong 2 người hành hung nhân viên VNA là cán bộ Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (sau đó bị sở này chấm dứt hợp đồng lao động). Còn nhớ, vụ này từ Bí thư Thành ủy Hà Nội đến Thủ tướng đều lên tiếng yêu cầu xử lý nghiêm.

Ông Tô Tử Hùng - Trưởng phòng An ninh hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, nhiều vụ việc đánh nhau, gây rối xuất phát từ những lý do rất cỏn con, không đáng có. “Ở Nội Bài từng xảy ra một vụ việc nữ hành khách khi làm thủ tục để vali trôi ra phía sau, chưa kịp nói lời xin lỗi, một nam hành khách đi phía sau đã rút dép đánh vào mặt nữ hành khách. Hay như chuyện ngồi nhầm chỗ trên máy bay thôi cũng khiến hành khách nổi khùng, động chân động tay”, ông Hùng dẫn ví dụ.

Cần mạnh tay xử lý vi phạm an ninh hàng không3 đối tượng gây rối tại sân bay Thọ Xuân, Thanh Hoá vào chiều 23/11.

Cũng tại sân bay Nội Bài xảy ra vụ việc khi nhân viên hãng hàng không phát hiện khách V.T.T.T. (làm thủ tục chuyến bay BL813 từ Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh) mang 2 kiện hành lý xách tay có trọng lượng lên đến 18kg, trong khi theo quy định, mỗi hành khách chỉ được mang 7kg hành lý xách tay nên đề nghị bà này mua thêm cước hành lý. Tuy nhiên, hành khách không hợp tác, to tiếng và có lời nói lăng mạ nhân viên.

Mới đây nhất, an ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đã khống chế một hành khách vì định hành hung nhân viên một hãng hàng không. Cụ thể, hành khách H.T.L đi chuyến bay VJ316 đến trễ so với giờ ra máy bay quy định trên vé. Khách ra cửa khởi hành lúc 19h7p trong khi vé ghi giờ khởi hành lúc 18h30. Khi đại diện hãng này giải thích và yêu cầu khách đổi chuyến, lập tức vị khách này văng tục chửi bới gây rối mất trật tự. Sau đó, vị khách này cầm chiếc cặp lên định đánh nhân viên. Lập tức lực lượng an ninh hàng không đã khống chế kịp thời, bàn giao Đồn Công an Tân Sơn Nhất xử lý.

Nhìn lại các vụ việc nêu trên, đều thấy có một điểm chung: Những kẻ dám ngang nhiên hành hung người khác ngay giữa sân bay, nơi trật tự an ninh được siết chặt nhất, giữa tứ bề là một rừng camera giám sát tới từng cm, không con ông cháu cha thì cũng thanh tra hay khách VIP. Tóm lại, họ không phải là dân thường và do đó họ tự cho mình cái quyền coi thường pháp luật, coi thường người khác. Người dân thường thấp cổ bé họng, ai dám ngông nghênh như thế?

Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngoại trừ các trường hợp hành khách có ý thức kém, ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng, công bằng mà nói, nhiều trường hợp do hành khách chưa tìm hiểu, chưa rõ các quy định về an ninh, an toàn vốn rất chặt chẽ của ngành hàng không và cho rằng, nhân viên hàng không làm khó mình. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, các hành vi gây rối, chửi bới, đánh nhau tại sân bay, trên tàu bay là sai, ảnh hưởng đến nhiều người khác, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các hãng hàng không.

Cho rằng các vụ việc hành hung nhân viên hàng không mang tính chất rất nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân viên, trong đó có nhân viên kiểm soát an ninh hàng không đang làm nhiệm vụ, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, uy hiếp an ninh hàng không tại Cảng hàng không Thọ Xuân, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, có biện pháp thích đáng đối với những đối tượng có hành vi côn đồ trong vụ việc.

Các hành vi gây rối liên quan đến khách đi tàu bay không riêng ở Việt Nam mà là thực trạng chung ở nhiều nước. Phía Cục Hàng không VN cho biết, Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) rất quan ngại về sự gia tăng các trường hợp khách đi máy bay cố tình gây rối. Đang rất cần có những quy định nghiêm minh, đủ sức răn đe hơn để có thể giảm bớt tình trạng trên.

Các lần hành hung trước, mức phạt nặng nhất cũng chỉ là cấm bay 6 tháng đến 1 năm. Có lẽ đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc đánh người giữa sân bay  vẫn tiếp tục xảy ra.

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, trong nhiều trường hợp, nguyên nhân khiến các vụ việc thêm căng thẳng do nhân viên hàng không xử lý chưa thật khéo léo, chuẩn mực cho dù bản chất lỗi là ở phía hành khách. Về chế tài xử phạt, nhà chức trách hàng không đã và đang xử phạt rất nghiêm đối với các hành vi gây rối. Hình thức cấm bay vốn được cho là nặng nhất trong lĩnh vực hàng không cũng đã được áp dụng. Thậm chí, có thể đề nghị xử lý hình sự với các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

Cấm bay thôi chưa đủ, chỉ có thượng tôn pháp luật mới giải quyết được thói hành hung nhân viên hàng không, mà toàn nam đánh nữ, không những rất phản cảm mà còn “uy hiếp an toàn bay” - một điều cấm kỵ trong ngành hàng không.

Bởi vậy, lần này dư luận hoan nghênh việc kiên quyết xử lý, thượng tôn pháp luật của các cơ quan chức năng. Không chỉ là quyết định cấm bay như mọi lần, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra làm rõ, nghiêm trị trước pháp luật.

Được biết, Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không cũng đang được các cơ quan chức năng sửa đổi theo hướng bổ sung hành vi, điều chỉnh mức độ, đảm bảo đủ sức răn đe với các vi phạm.


MINH HOÀNG
Ý kiến của bạn