Tình trạng các thương hiệu thời trang lập lờ nhãn mác để đánh lừa người tiêu dùng. Sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, sử dụng thương hiệu gần giống thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài, không giải thích rõ nguồn gốc sản phẩm cho khách hàng. Nhưng tất cả đều được bày bán tại các gian hàng sang trọng, tạo cho khách hàng cảm giác đang được mua những sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng, giá cả lại rất cao... Đó là thực trạng hiện nay tại thị trường hàng hóa trong đó có thị trường thời trang và điều này khiến người tiêu dùng là nạn nhân chịu nhiều thiệt thòi.
Dạo quanh các ki-ốt, cửa hàng ở nhiều nơi không khó để tìm được các mặt hàng nhái mà phải thực sự tinh ý, soi xét cẩn thận từng dấu hiệu mới phát hiện được. Và hiển nhiên không ai có thể nắm rõ từng thương hiệu sản phẩm và đặc điểm nhận biết trong hàng ngàn nhu yếu phẩm đang được bày bán trên thị trường. Không những vậy, hiện nay còn có hình thức bán hàng trên thị trường mới - đó là “chợ trên mạng xã hội”. Đây được coi là một trong những kênh bán hàng được ưa chuộng bởi lượng tiếp cận khách hàng khá lớn. Tuy nhiên, điều đáng nói là bên cạnh những mặt hàng có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì rất nhiều mặt hàng được làm giả, làm nhái và bán ra với giá rất rẻ.
Thực tế là nhiều người dân khi mua hàng có nhãn hiệu nhưng thực chất là hàng được mua từ Trung Quốc, hàng gia công nhưng vẫn phải bỏ ra một số tiền lớn để sử dụng vì tưởng là hàng của các nhãn hiệu nổi tiếng.
Làm thế nào để nhận diện được những doanh nghiệp cố tình lập lờ nhãn mác đánh lừa người tiêu dùng? Những mánh khóe của các doanh nghiệp này là gì? Nhận diện vấn nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, mập mờ nhãn mác, xuất xứ ngày càng diễn biến phức tạp, phá hoại nền sản xuất kinh doanh trong nước, gây bức xúc trong dư luận, ngày 24/1/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 334 phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ cao điểm từ nay đến năm 2020. Đây có thể coi là lời tuyên chiến của cơ quan chức năng đối với vấn nạn này.
Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, quản lý, trong đó có hải quan, quản lý thị trường… và điều quan trọng là khi người tiêu dùng còn có cái tâm lý sính ngoại thì đó là mảnh đất màu mỡ cho những người làm giả.