Cần lưu ý gì khi lựa chọn thuốc giảm đau?

19-02-2025 11:23 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Cho dù đó là đau đầu hay đau mạn tính do viêm khớp... thuốc giảm đau giúp chúng ta thoát khỏi cơn đau. Mặc dù mang lại sự giảm đau tạm thời nhưng thuốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cần phải dùng phù hợp và đúng cách.

1. Nguyên tắc giảm đau và phân loại đau

Cơ chế tác dụng của thuốc giảm đau thường liên quan đến sự can thiệp vào con đường truyền tín hiệu đau. Ví dụ, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) làm giảm viêm và đau bằng cách ức chế enzyme cyclooxygenase (COX). Opioid liên kết với các thụ thể opioid trong hệ thần kinh trung ương và kích hoạt hệ thống giảm đau nội sinh để giảm đau.

Thang đánh giá mức độ đau theo số (PRS) là một công cụ đánh giá cơn đau được áp dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng và có thể đánh giá chính xác hơn mức độ đau của bệnh nhân. Tiêu chuẩn chấm điểm chủ yếu được chia thành 0 đến 10 điểm: 0 điểm là không đau, 1- 3 điểm là đau nhẹ, 4 - 6 điểm là đau vừa phải cần can thiệp và 7 - 10 điểm là đau nặng cần can thiệp khẩn cấp.

Phương pháp tính điểm này là một công cụ đánh giá mức độ đau đơn giản, hiệu quả và có thể áp dụng phổ biến. Nó không chỉ giúp nhân viên y tế đánh giá chính xác mức độ đau của bệnh nhân mà còn cung cấp giá trị tham khảo quan trọng trong điều trị và tự quản lý của bệnh nhân.

Cần lưu ý gì khi lựa chọn thuốc giảm đau?- Ảnh 1.

Thuốc giảm đau giúp chúng ta tạm thời thoát khỏi các cơn đau.

2. Phân loại thuốc giảm đau

2.1 Thuốc giảm đau nhẹ và vừa

- Paracetamol là loại thuốc được sử dụng rộng rãi để giảm đau nhẹ đến vừa. Đây là thuốc giảm đau không cần kê đơn và thường được dùng cho các cơn đau như đau đầu, đau cơ... Liều thông thường là 500mg đến 1g mỗi 4-6 giờ, tối đa 4g/ngày. Các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen cũng là nhóm thuốc phổ biến được sử dụng để giảm đau nhẹ và vừa, đau do viêm và đau xương không kèm theo các trường hợp khẩn cấp về khối u.

Paracetamol có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng nếu sử dụng quá liều. Đối với các thuốc chống viêm không steroid nên uống với thức ăn hoặc sau bữa ăn. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để nắm được các thông tin về thuốc để dùng cho đúng cách.

- Các cơn đau vừa phải là các cơn đau có điểm NRS từ 4 đến 6 điểm như đau cơ xương khớp, đau bụng kinh, đau răng, đau sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa… có thể dùng codeine, tramadol, dextropropoxyphene... Ngoài ra các loại thuốc kết hợp giữa paracetamol và codeine cũng giúp giảm đau hiệu quả cho các cơn đau vừa.

Cần lưu ý gì khi lựa chọn thuốc giảm đau?- Ảnh 2.

Mặc dù mang lại sự giảm đau tạm thời nhưng thuốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cần phải dùng phù hợp và đúng cách.

2.2 Thuốc giảm đau nặng (opioid mạnh)

Các loại thuốc tiêu biểu bao gồm fentanyl, sufentanil, morphine... phù hợp cho những cơn đau dữ dội (điểm NRS từ 6 trở lên), giảm đau sau phẫu thuật, đau do ung thư và điều trị duy trì cơn đau mạn tính…

Mặc dù thuốc rất hiệu quả trong việc kiểm soát cơn đau, nhưng có thể gây ra nhiều phản ứng bất lợi và tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt nếu sử dụng không đúng cách hoặc quá liều. Ví dụ, fentanyl có thể ức chế hô hấp, gây khó thở, nhịp thở chậm hoặc ngừng thở. Đây là một tác dụng phụ nghiêm trọng có thể dẫn đến ngừng tim nếu không được xử lý kịp thời. Vì vậy, việc sử dụng thuốc cần phải có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ và phải tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng và hướng dẫn sử dụng để giảm thiểu nguy cơ các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tóm lại, khi sử dụng thuốc giảm đau cần cân nhắc những ưu và nhược điểm của thuốc. Việc sử dụng lâu dài hoặc quá mức có thể dẫn đến lệ thuộc, làm tăng nguy cơ lạm dụng và các vấn đề về sức khỏe, đồng thời có thể che giấu các vấn đề về sức khỏe và trì hoãn việc điều trị. Cần tìm hiểu nguyên nhân gây đau thay để điều trị thay vì chỉ dựa vào thuốc giảm đau.

Thuốc giảm đau nói chung an toàn khi sử dụng vừa phải để giảm đau nhẹ, nhưng đau lâu dài hoặc dữ dội nên tham khảo ý kiến bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc.
Vì sao thuốc giảm đau, chống viêm lại gây đau dạ dày?Vì sao thuốc giảm đau, chống viêm lại gây đau dạ dày?

SKĐS - Thuốc giảm đau, chống viêm là một thuốc thường được dùng để giảm đau. Tuy nhiên, thuốc có thể gây khó chịu cho dạ dày. Đâu là nguyên nhân?

Mời xem thêm video được quan tâm:

Cơn đau cổ vai gáy cảnh báo bệnh gì? | SKĐS


DS. Trần Phương Duy
Ý kiến của bạn