Cần lưu ý gì khi dùng thuốc cảm?

09-11-2024 06:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thuốc cảm chủ yếu được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của cảm lạnh, cảm cúm như sốt, nhức đầu, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, ho, mệt mỏi...

1. Thành phần, tác dụng của thuốc cảm

Thuốc cảm có thể có nhiều thành phần, bán sẵn trên thị trường. Các thành phần khác nhau nhắm đến các triệu chứng khác nhau. Người dùng có thể lựa chọn loại thuốc cảm phù hợp, dựa trên triệu chứng của mình.

Cần lưu ý gì khi dùng thuốc cảm?- Ảnh 1.

Cảm lạnh thường do virus gây ra.

Dưới đây là những thành phần thuốc cảm thông dụng và tác dụng của chúng:

- Thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol (acetaminophen): Giúp hạ sốt, giảm đau.

- Thuốc giảm ho: Dextromethorphan là thuốc giảm ho phổ biến có trong thuốc cảm. 

- Thuốc kháng histamine: Diphenhydramine, chlorpheniramine là những chất kháng histamin có trong các công thức thuốc cảm, làm giảm các triệu chứng dị ứng, như sổ mũi, hắt hơi, nhưng thường đi kèm với các tác dụng phụ bao gồm buồn ngủ hoặc khô miệng, rối loạn tiêu hóa. Các loại thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai, ít có tác dụng phụ gây buồn ngủ hơn.

- Thuốc thông mũi: Khi bị cảm, các mao mạch trong khoang mũi giãn nở và tắc nghẽn, gây sưng tấy bên trong khoang mũi, làm tắc nghẽn đường hô hấp, gây ra các triệu chứng nghẹt mũi. Thuốc thông mũi như pseudoephedrine hoặc phenylephrine chủ yếu được sử dụng để giảm viêm, giảm sản xuất chất nhầy ở niêm mạc mũi, làm cho đường hô hấp được thông thoáng, người bệnh dễ thở hơn.

Hầu hết các thành phần trong thuốc cảm đều an toàn, nhưng dùng quá nhiều bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ, trong đó có thuốc cảm.

Cần lưu ý gì khi dùng thuốc cảm?- Ảnh 2.

Thuốc cảm được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của cảm lạnh như sốt, đau đầu, hắt hơi, sổ mũi...

2. Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc cảm

Có rất nhiều điều cần lưu ý khi dùng thuốc cảm, bao gồm:

- Trẻ em dưới 6 tuổi nên dùng thuốc cảm theo chỉ định của bác sĩ và chọn dạng thuốc dùng phù hợp cho trẻ nhỏ. 

- Phụ nữ mang thai có thể dùng thuốc cảm nhưng tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

- Khi sử dụng thuốc cảm, cần đọc kỹ thành phần, tuân theo hướng dẫn về liều lượng trên bao bì để tránh những phản ứng bất lợi do sử dụng quá liều, gây nguy hiểm.

- Khi dùng chung với các thuốc khác (nên tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ để tránh tương tác và biến chứng nghiêm trọng).

- Thuốc cảm chỉ nên uống với nước và không nên uống với cà phê, rượu hoặc nước bưởi. Nước ép bưởi và bưởi có thể làm chậm quá trình phân hủy thuốc của cơ thể và thậm chí gây tổn thương gan.

- Những người mắc các bệnh mạn tính (như huyết áp cao, bệnh tim, đái tháo đường, hen suyễn, bệnh tăng nhãn áp hoặc béo phì) nên tránh các loại thuốc cảm tổng hợp có chứa thuốc kháng histamine.

- Nếu cần lái xe hoặc thực hiện công việc nguy hiểm, hãy tránh dùng các loại thuốc cảm có thành phần gây buồn ngủ, như thuốc thông mũi, thuốc kháng histamine.

Ngoài ra, nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau khi dùng thuốc cảm tổng hợp từ 5 đến 7 ngày, thậm chí trầm trọng hơn hoặc sốt kéo dài hơn 3 ngày, bạn nên ngừng dùng thuốc và đi khám càng sớm càng tốt.

Cảm lạnh thường do virus gây ra. Các triệu chứng điển hình bao gồm nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng, ho, sốt, nhức đầu, mệt mỏi... Chỉ cần bổ sung nước, nghỉ ngơi đầy đủ, cơ thể thường sẽ tự phục hồi nên không cần phải lo lắng quá nhiều. Nếu cảm thấy không khỏe, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi mua thuốc cảm để giảm triệu chứng.

Tại sao không nên sử dụng nhiều loại thuốc cảm cùng lúc?Tại sao không nên sử dụng nhiều loại thuốc cảm cùng lúc?

SKĐS - Nhiều người khi bị cảm đã đến hiệu thuốc để mua thuốc cảm, thậm chí họ còn uống nhiều loại thuốc cùng một lúc để mong nhanh khỏi bệnh. Nhưng thực tế, dùng nhiều loại thuốc cảm cùng lúc không rút ngắn được quá trình điều trị mà còn có thể gây quá liều, nguy hiểm cho sức khỏe.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Mách bạn 4 cách đơn giản phòng ngừa cảm lạnh, cảm cúm trong mùa đông | SKĐS

DS. Nguyễn Phương Thảo
Ý kiến của bạn