Vậy tiêu chí lựa chọn địa bàn, lợi ích và những khó khăn của việc thí điểm này như thế nào, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS.
Phóng viên: Xin ông có thể cho biết tại sao lại chọn Điện Biên, Lai Châu và Hải Phòng là 3 tỉnh thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Tiêu chí để lựa chọn tỉnh tham gia thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày lần này là: Thứ nhất, các tỉnh/thành phố phải có sự ủng hộ và cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai điều trị Methadone thời gian qua; thứ hai, phải có văn bản đồng thuận tham gia của UBND tỉnh/TP; thứ ba, là tỉnh có địa bàn đặc thù như miền núi, người bệnh phải đi lại xa hoặc đi làm ăn/công tác nên gặp khó khăn khi phải đến cơ sở y tế uống hàng ngày; là tỉnh có đa dạng về địa bàn tức là vừa có địa bàn miền núi khó khăn và có địa bàn đồng bằng đô thị.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh Thu Hương.
Trên cơ sở đó, Điện Biên và Lai Châu được lựa chọn vì là hai tỉnh miền núi phía Bắc, địa bàn rộng và đi lại khó khăn, nhiều người bệnh phải đi hàng chục ki lô mét mới đến cơ sở điều trị để uống thuốc hàng ngày. Các điểm cấp phát thuốc Methadone đã được triển khai tại một số tại trạm y tế xã nhưng vẫn không đáp ứng được cho những người bệnh vì các làng, bản quá xa và đường đi đến cơ sở điều trị, cấp phát thuốc miền núi rất khó khăn. Đồng thời, đây cũng là 2 tỉnh rất tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt trong việc triển khai điều trị Methadone trong những năm qua.
Hải Phòng là một trong hai thành phố đầu tiên của Việt Nam triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và đã có sự cam kết, ủng hộ mạnh mẽ của Chính quyền các cấp trong thành phố. Hải Phòng cũng là thành phố có nhiều người nghiện sống ở các huyện đồng bằng và ven biển. Việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày thí điểm tại Hải Phòng sẽ giúp kinh nghiệm cho việc triển khai rộng ra các thành phố lớn, các tỉnh đồng bằng trong tương lai.
Phóng viên: Vậy những rủi ro có thể xảy ra khi triển khai đề án này là gì và sẽ có những ứng phó nào để giảm thiểu những điều không mong muốn này?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Dựa trên kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới, khi cho người bệnh mang thuốc Methadone về cũng có thể sẽ có những rủi ro và cần phải có ngay biện pháp để giảm thiểu. Ví dụ:
Trẻ em hoặc những người khác dùng nhầm thuốc: Đây là rủi ro nguy hiểm nhất đến sức khỏe và sự an toàn khi cho người bệnh mang Methadone về nhà. Để giảm thiểu rủi ro này các điều kiện để người bệnh được mang thuốc về cũng đã đưa ra những tiêu chuẩn lựa chọn cụ thể bao gồm: Người bệnh có nơi cư trú ổn định; không trong quá trình điều trị các rối loạn tâm thần; có nơi bảo quản thuốc an toàn như hòm, tủ đựng thuốc có khóa. Ngoài ra, việc tư vấn cho người bệnh hiểu sự nguy hiểm của việc người khác uống nhầm thuốc cũng như ghi các cảnh báo trên nhãn phụ lọ thuốc cùng các biện pháp giám sát và tập huấn cho cán bộ y tế về xử trí khi người khác uống nhầm sẽ giúp giảm thiểu rủi ro này.
Mua, bán, trao đổi, đánh cắp Methadone: Việc cho người bệnh mang thuốc Methadone về uống thiếu sự giám sát của cán bộ y tế có thể dẫn đến rủi ro trong chia sẻ, mua bán, trao đổi Methadone. Để giảm thiểu rủi ro ngay từ khi sàng lọc người bệnh được mang thuốc về đã có những tiêu chuẩn và điều kiện liên quan đến tuân thủ điều trị, tuân thủ nội quy cơ sở điều trị; điều kiện bảo quản thuốc, các biện pháp hủy vĩnh viễn việc mang thuốc Methadone về sẽ được tư vấn trước, trong quá trình điều trị nếu người bệnh vi phạm nguyên tắc này, đồng thời các biện pháp giám sát kiểm tra, thu hồi vỏ lọ thuốc đã qua sử dụng… sẽ giúp giảm thiểu rủi ro này.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long trao túi thuốc Methadone cho bệnh nhân đủ tiêu chuẩn. Ảnh Thu Hương.
Tích trữ và cố tình dùng quá liều hoặc không đúng liều cho bản thân người bệnh: Một số người bệnh tích trữ Methadone để sử dụng sai mục đích như dùng liều cao hơn hoặc chia liều ra nhiều lần trong ngày. Việc này cũng có thể gây ngộ độc cho người bệnh hoặc không đạt được mục đích điều trị. Để giảm thiểu rủi ro này biện pháp tăng cường tư vấn cho người bệnh tuân thủ điều trị, các rủi ro do không tuân thủ điều trị, giảm số liều mang về, hủy việc mang thuốc về cho những người bệnh không tuân thủ tốt và tổ chức các biện pháp giám sát chặt chẽ thông qua giám sát trực tiếp, yêu cầu người bệnh mang vỏ lọ thuốc đã sử dụng về và mang các lọ thuốc chưa sử dụng về cơ sở điều trị đối chiếu, kiểm tra.
Sử dụng Methadone kết hợp với các thuốc khác: Methadone sử dụng chung với các thuốc khác đặc biệt là nhóm thuốc an dịu như Benzodiazepines hoặc rượu và ma túy khác cũng có thể nguy hiểm cho người bệnh. Để giảm thiểu rủi ro này biện pháp tăng cường tư vấn cho người bệnh về sự nguy hiểm khi việc sử dụng kết hợp thuốc, rượu, các loại ma túy khác thì việc sàng lọc người bệnh có tiền sử tuân thủ tốt, giám sát nước tiểu ngẫu nhiên… sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.
Phóng viên: Vậy hiệu quả mong đợi của Đề án thí điểm là gì, thưa TS?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Những mong đợi của đề án thí điểm này, cụ thể:
Giúp giảm thời gian đi lại và thời gian chờ đợi uống thuốc cho người bệnh
Điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone là điều trị thường xuyên, uống thuốc hàng ngày, lâu dài, thậm chí suốt đời. Do đó, người bệnh hàng ngày phải đến cơ sở y tế để uống thuốc sẽ trở thành khó khăn lớn, đặc biệt với những người bệnh có công việc làm ổn định hoặc ở quá xa cơ sở điều trị. Tốn thời gian đi lại cũng là một trong những lý do chủ yếu khiến người bệnh bỏ trị. Triển khai cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh sẽ giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí đi lại của người bệnh, tạo điều kiện cho người bệnh có thời gian làm việc, sinh kế. Số người bệnh được mang thuốc về càng nhiều cũng đồng nghĩa với việc số người bệnh đến cơ sở y tế mỗi ngày để uống thuốc sẽ giảm đi, từ đó sẽ giảm thời gian chờ đợi của người bệnh để được phục vụ trong mỗi lần đến cơ sở điều trị.
Giúp cải thiện sự hài lòng của người bệnh, gia đình và cộng đồng
Các lợi ích của việc cho người bệnh mang thuốc về sẽ không chỉ làm hài lòng người bệnh mà còn làm hài lòng gia đình người bệnh do người bệnh không mất nhiều thời gian đi uống thuốc, từ đó có thể tham gia giúp các công việc gia đình, hạn chế các tác động tiêu cực khác có thể xảy ra trong thời gian đi uống thuốc. Người bệnh hạn chế số lần đi uống thuốc cũng sẽ hạn chế việc tụ tập trước và sau khi uống thuốc, từ đó hạn chế các tệ nạn khác có thể phát sinh, làm hài lòng các cộng đồng dân cư xung quanh khu vực cơ sở điều trị, cấp phát thuốc Methadone.
Bệnh nhân tuân thủ tốt sẽ không còn phải đến uống Methadone hàng ngày tại cơ sở điều trị. Ảnh: Thu Hương.
Giúp nâng cao chất lượng và tuân thủ điều trị
Trong các trị liệu về tâm lý và hành vi cho những người nghiện chất nói chung, một trị liệu “thưởng cho hành vi tích cực” đã được các nước trên thế giới áp dụng đó là khi một người bệnh tuân thủ tốt các quy định hoặc khuyến cáo của thầy thuốc sẽ nhận được một “phần thưởng” nào đó nhằm khuyến khích họ tiếp tục tuân thủ các hành vi tích cực (như không sử dụng ma túy, tuân thủ các cuộc hẹn…). Với việc cho người bệnh mang thuốc về khi người bệnh tuân thủ tốt điều trị người bệnh sẽ được tin tưởng và được mang số liều thuốc về nhiều hơn. Đó như một “phần thưởng” để người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn. Ngược lại nếu người bệnh “vi phạm” các quy định sẽ bị “phạt” bằng giảm số liều thuốc hoặc hủy việc được mang thuốc Methadone về. Cùng với việc thưởng cho “hành vi tích cực” và các lợi ích khác mà khi triển khai cho người bệnh mang thuốc về sẽ nâng cao chất lượng và tăng sự duy trì người bệnh ở lại lâu dài với chương trình và tăng sự tuân thủ điều trị của người bệnh.
Giảm gánh nặng cho cán bộ y tế và cơ sở y tế
Việc người bệnh giảm số lần đến cơ sở y tế uống thuốc cũng đồng nghĩa với việc giảm gánh nặng công việc cho cán bộ y tế và cơ sở y tế nhất là với các cơ sở y tế có nhiều người bệnh đến uống cùng lúc (thường vào giờ cao điểm buổi sáng). Các nhân viên y tế có thời gian để thực hiện các công việc khác để nâng cao chất lượng điều trị Methadone, như hoàn thiện sổ sách, báo cáo chuyên môn, phân tích thông tin, số liệu, tập trung thời gian cho các bệnh nhân cần được quan tâm, trau dồi kiến thức chuyên môn...Nếu Đề án này thành công có thể tiến tới việc cấp thuốc Methadone về cho người bệnh vào ngày cuối tuần hoặc các ngày lễ như một số quốc gia đang áp dụng. Từ đó các cơ sở y tế có điều kiện bố trí cán bộ y tế được nghỉ ngơi theo quy định, giảm căng thẳng do phải làm việc liên tục tất cả các ngày trong năm như hiện nay.
Làm cơ sở để triển khai mở rộng trên toàn quốc việc cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về sử dụng
Đề án thí điểm cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về sử dụng nếu thành công sẽ mở ra cơ hội triển khai trên toàn quốc, đó cũng là mục đích chính của Đề án thí điểm này.
Phóng viên: Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trao đổi này!
>> Xem thêm: Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone: Chi phí ít, ích lợi nhiều
Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine
Methadone sẽ được sản xuất tại Việt Nam