Hà Nội

Cần lắp camera ở cổng trường để phát hiện, xử lý vi phạm giao thông

21-02-2024 12:19 | Xã hội
google news

SKĐS - Đông đảo thầy cô và phụ huynh bày tỏ niềm vui khi UBND TP. Hà Nội đưa ra kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh trong tình hình mới năm 2024.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội có kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh trong tình hình mới năm 2024.

Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật, an toàn giao thông cho mỗi trường học thì UBND TP. Hà Nội cũng chỉ đạo Công an cấp quận, huyện, thị xã chủ trì phối hợp các lực lượng kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh. Rà soát các trường hợp thanh thiếu niên, học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối trật tự công cộng nhằm đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa bàn cơ sở.

Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT phối hợp đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường học để ghi nhận các hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh làm căn cứ xử lý và bình xét thi đua đối với từng lớp học, giáo viên và học sinh.

Đông đảo thầy cô và phụ huynh bày tỏ sự vui mừng khi UBND TP. Hà Nội đưa ra kế hoạch nêu trên.

C:\Users\Administrator\Desktop\z5178659569761_27ecde2082b516a74d08167bac95e435.jpg

Hình ảnh học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy xuất hiện thường xuyên nhất là trước cổng các trường học. Ảnh: Hồng Ngọc.

Chị Hương Giang (Hà Đông) có con lớn học lớp 9 cho biết, con chị đòi mua xe đạp điện để đi học cho chủ động nhưng chị không đồng ý, vì thấy ngoài đường rất nhiều học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lại phóng nhanh và vượt ẩu.

"Tôi đăng ký cho con đi xe đưa đón của nhà trường từ nhiều năm nay. Tuy thời gian đi và về phải phụ thuộc nhưng được cái rất yên tâm, chứ cho các bạn ấy tự đi xe đạp điện hay xe máy điện đi học thì không yên tâm tí nào.

Khi biết thông tin Hà Nội có kế hoạch sẽ lắp camera ở cổng trường học để giám sát, tôi thấy rất mừng vì nhiều học sinh đi xe điện không đội mũ bảo hiểm, thậm chí còn kẹp 3, phóng nhanh vượt ẩu rất nguy hiểm. Chưa nói đến việc nhiều học sinh còn đi xe máy phân khối lớn đi học", chị Giang nói.

Giống với chị Giang, anh Nguyễn Công Thực (Cầu Giấy) cho rằng, thời gian qua rất nhiều vụ việc học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối trật tự công cộng nên việc siết chặt quản lý là rất cần thiết. Đặc biệt việc lắp camera ở cổng trường để giám sát là vô cùng cần thiết.

"Tôi cũng có con trai chuẩn bị lên cấp 2, cũng có ý định sẽ mua xe đạp điện cho con tự đi học, nhưng chưa thể yên tâm. Nay Hà Nội tăng cường quản lý, giám sát việc học sinh tham gia giao thông thì quá tuyệt vời. Tất nhiên cũng phải phụ thuộc nhiều vào yếu tố giáo dục, nhưng song song với nó thì cũng cần quản lý chặt chẽ", anh Thực chia sẻ.

Nhà giáo Phan Huy Chính, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Tất Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho rằng, kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh của Hà Nội là rất cần thiết. Nếu sớm triển khai được kế hoạch này chắc chắn sẽ làm giảm thiểu được tình trạng học sinh vi phạm luật an toàn giao thông.

"Kế hoạch này khi đã được thực hiện sẽ mang tính răn đe rất lớn, yêu cầu các em học sinh cần thực hiện đúng các hành vi về an toàn giao thông, đảm bảo an toàn cho các em.

Thực tế nhiều trường tư đã thực hiện việc lắp camera ở khu vực cổng trường học từ nhiều năm trước, giúp kịp thời phát hiện vi phạm, từ đó có phương pháp giáo dục cho các em. Tuy nhiên, việc này chỉ dừng lại ở việc giáo dục và răn đe từ phía nhà trường và cha mẹ, còn khi được các cơ quan chức năng vào cuộc thì chắc chắn việc răn đe sẽ hiệu quả hơn rất nhiều", nhà giáo Phan Huy Chính cho hay.

Lắp đặt công cụ hỗ trợ trong việc phát hiện, xử lý vi phạm giao thông là điều cần thiết

Cũng nói về vấn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông cho học sinh, Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Thị Hương Giang, Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội nêu quan điểm, thời gian vừa qua, các tỉnh thành trên cả nước nói chung và TP. Hà Nội nói riêng đã triển khai việc lắp đặt camera giám sát, an ninh, điều khiển giao thông và camera phát hiện lỗi vi phạm trên toàn quốc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc UBND TP. Hà Nội tiếp tục kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh là cần thiết và phù hợp.

Cần lắp camera ở cổng trường để phát hiện, xử lý vi phạm giao thông- Ảnh 2.

Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Thị Hương Giang, Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội. Ảnh: NVCC.

"Việc lắp đặt camera giám sát tại khu vực gần trường học vừa là công cụ, phương tiện hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Việc này cũng góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, phụ huynh nói riêng cũng như của người dân nói chung.

Thời gian qua tình trạng học sinh lạng lách, đánh võng, không chấp hành quy định về an toàn giao thông rất phổ biến, bên cạnh đó cũng có một bộ phận phụ huynh học sinh có hành vi vi phạm giao thông quanh khu vực trường học gây mất an toàn, an ninh trật tự, gây ùn tắc giao thông. Do đó, việc lắp đặt công cụ hỗ trợ trong việc phát hiện, xử lý vi phạm giao thông cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội là thực sự cần thiết", luật sư Giang nói.

Luật sư Giang cũng cho rằng, bên cạnh việc lắp đặt thiết bị camera giám sát thì việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đến học sinh, phụ huynh cũng rất quan trọng. Ngoài ra, cần tăng cường giám sát, xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, làm giảm thiểu ùn tắc, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, góp phần đảm bảo an toàn xã hội.

Học sinh vi phạm giao thông sẽ bị xử lý như thế nào?

Nói về việc học sinh vi phạm giao thông thì có bị xử lý hay không, luật sư Giang cho biết, đối với học sinh vi phạm luật giao thông đường bộ thì tùy từng tính chất, mức độ hành vi, độ tuổi của người vi phạm thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Theo quy định tại Điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi năm 2020 thì trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.

Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền, mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên. Bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này thì số tiền nộp vào ngân sách nhà nước bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay. Trong trường hợp người vi phạm luật giao thông đường bộ dưới 14 tuổi thì không bị xử lý vi phạm hành chính", luật sư Giang thông tin.

Chuyên gia luật cũng cho biết thêm, đối trường hợp học sinh vi phạm quy định về tham giao giao thông đường bộ đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 16 tuổi trở lên. Đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ không bị truy cứu hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Sáng 18/2: Phút sinh tử người đàn ông ôm cháu bé thoát khỏi đám cháy 3 căn nhà ở TPHCM. 


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn