Chỉ có điều, trẻ em ngày nay có quá nhiều phương tiện giải trí khác nên sách đã không còn là lựa chọn đầu tiên và duy nhất. Làm thế nào để văn hóa đọc tiếp tục phát huy giá trị riêng trong đời sống của các em? Có lẽ đã đến lúc cần phải nhìn nhận việc xây dựng văn hóa đọc cho thiếu nhi một cách nghiêm túc.
Vì sao giới trẻ rời xa văn hóa đọc?
Chính xác hơn thì trẻ em đang ít quan tâm đến văn học nước nhà. Đã có lúc văn hóa đọc trở nên thiếu hụt trầm trọng, khi ấy người ta tìm cách đổ lỗi, đầu tiên là do các nhà văn không tạo ra được những cái mới, các nhà xuất bản không cho ra đời được những ấn phẩm hấp dẫn, lôi cuốn nên phần lớn trẻ em hiện nay đều trở thành đệ tử trung thành của truyện tranh nước ngoài hoặc tìm đến những phương tiện giải trí khác. Mà tác hại của hầu hết những phương tiện này là điều không cần phải nói. Đặc biệt, phần lớn thiếu nhi đều yêu thích truyện tranh Nhật Bản, sách tâm lý, kỹ năng sống,… Một số ít thích đọc sách triết học, khảo cổ học, nghiên cứu thế giới động vật, quá trình phát triển của loài người... Đối với các em, những cuốn sách hay không phải lượng ấn bản phát hành hay tiêu thụ “khủng”, cũng không hẳn là vì tên tuổi tác giả được báo chí truyền thông tung hô, mà đơn giản, là những cuốn sách khai thác đúng nhu cầu người đọc.
Tình yêu với sách, với văn hóa đọc ở những người trẻ này không mai một như chúng ta vẫn nghĩ.
Theo các nhà nghiên cứu, với tâm lý xem nhẹ tầm quan trọng của môn văn, nhiều học sinh rất lười đọc tác phẩm văn học. Điều đáng nói, dù không đọc tác phẩm nhưng học sinh vẫn có thể soạn bài, làm bài tập… bình thường bởi đã có sẵn các chủng loại sách tham khảo, chỉ việc… chép theo. Việc phụ thuộc nhiều vào sách tham khảo đã tạo ra sức ỳ về mặt tư duy và tâm lý tiếp nhận tác phẩm. Bên cạnh đó, quan niệm “thi gì, học nấy” khiến cho nhiều học sinh có thiên hướng học các môn tự nhiên tiếp xúc với tác phẩm văn học trong một tâm thế thụ động, miễn cưỡng. Do đó, việc đọc các tác phẩm không bắt nguồn từ sự đam mê mà chủ yếu là học vẹt, học thuộc lòng nhằm đối phó với các kỳ thi. Cũng phải nhấn mạnh, sự xâm lấn, “bành trướng” của nhiều loại hình giải trí, kênh thông tin như: truyền hình, mạng internet đã “ngốn” một khoảng thời gian không nhỏ khiến cho học sinh không có điều kiện tiếp cận, lĩnh hội, nghiền ngẫm đầy đủ cái hay, cái đẹp trong các tác phẩm văn học.
Những biến đổi tích cực
Gần đây, trái với lo ngại của không ít người về sự thờ ơ của các bạn trẻ với sách và văn hóa đọc, “Ngày sách Việt Nam” đã thu hút đông đảo độc giả từ nhiều lứa tuổi ngay trong ngày khai mạc mà không hẳn vì hôm đó trùng vào ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ. Nhìn người người nô nức thăm quan các gian hàng, xếp hàng mua sách... đã minh chứng, sách vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống hiện đại. Đặc biệt, trong số độc giả đến ngày hội sách, có không ít các bạn ở lứa tuổi thiếu niên - lứa tuổi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của những thiết bị công nghệ hiện đại. Như vậy cũng có nghĩa, tình yêu với sách, với văn hóa đọc ở những người trẻ này không mai một như chúng ta vẫn nghĩ.
Không phải ngẫu nhiên mà trong dịp chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hàng năm, các NXB, công ty sách, đơn vị phát hành sách đều đồng loạt tổ chức rầm rộ các ngày hội sách dành cho thiếu nhi. Năm nay, nhân dịp hè và Ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngay từ đầu mùa hè, tại hệ thống Nhà sách Kim Đồng trên toàn quốc đã khởi chạy chương trình “Đọc sách xuyên mùa hè”, giảm giá cho tất cả các tựa sách và tạp chí từ 15% đến 50%, tặng kèm quà xinh xắn cho các đơn hàng…
Mùa hè được coi là mùa sách mới, bởi thế các nhà xuất bản đồng loạt giới thiệu, ra mắt đến đông đảo bạn đọc trên cả nước hàng trăm tựa sách phong phú về thể loại, hấp dẫn về nội dung và hình thức, mở rộng theo biên độ lứa tuổi, giống như một “menu” hè mát lạnh, mới mẻ và thú vị dành cho các độc giả nhí. Sách kỹ năng cho bé mẫu giáo đồng hành cùng bố mẹ trong việc hướng dẫn, phát triển các kỹ năng cho trẻ theo đúng độ tuổi, đó là: Chuột Típ, Giúp bé đọc và nói tốt hơn, Cẩm nang sinh hoạt bằng tranh cho bé, Ngủ ngon bé yêu, Cùng bé lớn lên, Vẽ vui - Vui vẽ, Tô màu cùng họa sĩ nhí, Lắng nghe Trái Đất… Truyện cổ tích Việt Nam và thế giới vô cùng đa dạng sẽ là lựa chọn hàng đầu để cha mẹ đọc cho con dịp hè này. Sách về đề tài tình cảm gia đình được làm sâu sắc và phù hợp với nhận thức của các em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học với: Trái tim của mẹ, Bàn tay của bố, Vì sao tớ yêu? Tháng ngày của mẹ con mình, Tiếng vĩ cầm của ông nội, Khúc nhạc lòng tặng ba, Bà ngoại yêu dấu, Bà ngoại tôi biến thành búp bê nhỏ…
Bên cạnh đó, độc giả nhí cũng chú ý đến Những nhân vật khác thường trong khoa học – đây là cuốn sách kể về chân dung 40 nhà khoa học: Dũng cảm, Táo bạo và Thông thái. Thế giới đã thay đổi mãi mãi nhờ vào lòng dũng cảm của Galileo, Marie Curie và Jane Goodall, nhờ sự táo bạo của Nicolaus Copernicus, William Harvey và Benjamin Franklin và nhờ trí tuệ thông thái của Aristotle, Sigmund Freud và Stephen Hawking… Ngoài ra, bộ truyện dành cho thiếu nhi Vị thần trị thương gồm năm cuốn: Chú hươu cao cổ trắng, Khúc hát cá heo, Chú báo hoa cuối cùng, Câu chuyện bầy voi, Chiến dịch tê giác của nhà văn Lauren St John sẽ đưa các bạn nhỏ phiêu lưu trong những chuyến thám hiểm châu Phi, giải cứu những loài động vật quý hiếm nhất hành tinh. Bộ sách thú vị với thông điệp, hãy chung tay bảo vệ môi trường sống chung trên trái đất này đã đoạt giải Sách thiếu nhi xuất sắc nhất của East Sussex năm 2008, giải thưởng danh giá Rebecca Caudill năm 2010…
Nhìn chung, để xây dựng một nền văn hóa đọc lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi cần sự tham gia có nhiệt huyết từ nhiều phía: các bậc phụ huynh, các nhà quản lý văn hóa, thầy cô giáo và quan trọng nhất là đội ngũ những người sáng tác. Nên chăng chúng ta vẫn cần phát động một phong trào sáng tác cho thiếu nhi, để từ đó tìm ra những tác phẩm thật sự có giá trị và làm các em yêu thích? Và nên chăng đã đến lúc khuấy động một phong trào đọc các tác phẩm văn học nước nhà bằng cách đưa những tác phẩm này vào từng nhà trường, từng lớp học?