Cần lắm sự quan tâm

26-01-2013 14:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trẻ em thiệt thòi là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước ta và các ban ngành, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm đã dành cho các em nhiều sự quan tâm đặc biệt, góp phần làm dịu bớt nỗi đau về thể xác và tinh thần để các em có thể nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

Trẻ em thiệt thòi là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước ta và các ban ngành, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm đã dành cho các em nhiều sự quan tâm đặc biệt, góp phần làm dịu bớt nỗi đau về thể xác và tinh thần để các em có thể nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng vẫn có những ngành và người đứng ngoài cuộc.

Rất ít phim để xem

Đối với trẻ thiệt thòi, những mảnh đời côi cút, những số phận éo le, có được cái ăn, cái mặc hay phương tiện đi lại với chiếc xe lăn, công cụ giúp các em không thấy mình bị bỏ rơi giữa thế giới hiện đại như chiếc máy tính là điều vô cùng cần thiết và là ước mơ cháy bỏng, thường trực. Nhưng cuộc sống con người đâu chỉ có vậy, sau các nhu cầu thiết yếu về vật chất ấy, các em còn cần được thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần. Bởi ở đấy các em dễ tìm thấy sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng, tiếp thêm cho các em nghị lực vươn lên trong cuộc sống cũng như bồi đắp tâm hồn hướng thiện, nhân bản cho các em, để rồi đến lượt mình, các em lại chia sẻ, cảm thông với những người cùng cảnh ngộ. Âu đấy cũng là cách làm bớt đi gánh nặng đối với xã hội và gia đình các em, nhất là trong những dịp Tết đến, Xuân về hay những ngày Tết dành riêng cho các em như 1/6 và rằm Trung thu hằng năm.   

Cần lắm sự quan tâm 1
Cảnh trong phim hoạt hình Khủng long Jumbagi.         Ảnh:  M time

Một sự kiện có thể được coi là sự bất ngờ thú vị tại Liên hoan phim Hàn Quốc diễn ra ở Hà Nội vào tháng 12/2012, các nhà tổ chức đã dành trọn ngày cuối cùng để chiếu phim dành riêng cho các trẻ em thiệt thòi hiện đang sống ở các mái ấm tình thương trên địa bàn TP. Hà Nội. Gần 100 em nhỏ, phần lớn chưa bao giờ đến rạp để xem phim lần này đã được dành hẳn một phòng chiếu ở MegaStar để thưởng thức bộ phim hoạt hình Khủng long Jumbagi của Hàn Quốc..

Khủng long Jumbagi là một bộ phim hoạt hình mới của Hàn Quốc nói về tình cảm trong gia đình chú khủng long có tên Vết đốm cũng như nghị lực vươn lên của chú khủng long này trong cuộc đấu tranh sinh tồn khi mái ấm gia đình không còn làm chỗ dựa cho chú được nữa. Dù là thể loại hoạt hình nhưng Khủng long Jumbagi chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, để mỗi em sau khi xem xong tự rút ra cho mình bài học về nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Vị tân Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Park Nark Jong, đã đưa ra ý tưởng tổ chức các suất chiếu miễn phí cho các em nhỏ thiệt thòi của Việt Nam. Ông đã trực tiếp đứng ra huy động, quyên góp tiền cũng như đặt mua toàn bộ số khăn và mũ len từ Hàn Quốc chuyển sang cho các em nhỏ thiệt thòi của Việt Nam. Mang đến cho các em một món quà đầy ý nghĩa này là một điểm nhấn thật sự ấn tượng, khiến cho chính những người Việt chúng ta cần phải suy nghĩ lại.

Chưa được quan tâm đúng mức

“Lá lành đùm lá rách” hay “Chị ngã em nâng, máu chảy ruột mềm” là truyền thống nhân ái, nét đẹp văn hóa của dân tộc ta đã có từ hàng nghìn đời nay. Trong thiên tai, bão lũ, bao người đã hy sinh thân mình cứu đồng bào thoát khỏi cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Trong cuộc chiến chống ngoại xâm, biết bao tấm gương của những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập tự do dân tộc. Ở cuộc sống đời thường, bao người đã hiến máu cứu người, nhiều tổ chức, cá nhân chung tay giúp sức cùng cộng đồng để ủng hộ người nghèo, phẫu thuật tim bẩm sinh, phẫu thuật nụ cười... cho các em nhằm chia sẻ với những số phận không may mắn. Đấy là nghĩa cả, tình thân, tình đồng bào và cao hơn là tấm lòng nhân ái mà bất cứ ai là người Việt Nam dù ít nhiều cũng đều có trong mình.

Tiếc thay, trong cuộc sống mưu sinh thường nhật cũng như quá trình phát triển kinh tế thời hội nhập vẫn còn nhiều người chưa quan tâm, thậm chí là vô cảm với những số phận thiệt thòi. Có những ca sĩ tiền cát-sê lên tới hàng trăm triệu đồng một liveshow; Cô ca sĩ 18 tuổi đã tự mình mua ôtô sang trọng và tậu nhà giữa Sài thành; Ông hoàng nọ bỏ ra vài tỉ để làm một liveshow đánh bóng tên tuổi và thương hiệu cho riêng mình; Nhà sản xuất phim kia lãi mỗi bộ phim hàng chục tỉ... hiện vẫn còn im hơi lặng tiếng. Mặc dù lúc này lúc khác, nhiều người trong số họ bỏ ra dăm ba triệu để tham gia các chương trình từ thiện, quyên góp tiền và vật phẩm nhân ngày nọ, ngày kia, dịp này, dịp khác. Nhưng như thế là chưa đủ vì chỉ mang tính thời vụ.

Hiện ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng như nhiều nơi khác trong cả nước, chưa có bất kỳ một nhà hát, rạp chiếu phim nào dành riêng cho trẻ em thiệt thòi. Và cũng chưa có bất kỳ một đạo diễn, diễn viên nào đề xuất ý tưởng hay bắt tay vào trực tiếp quyên góp tiền của để làm những bộ phim hoặc chương trình dành riêng cho các em.

Công bằng mà nói, có những nhà sản xuất, các đạo diễn, diễn viên sẵn sàng bỏ nhiều tiền của và công sức ra làm những bộ phim về chất độc da cam, người đồng tính, gái mại dâm, ma túy, trộm cướp... Việc làm này là rất cần thiết để xã hội ta bớt đi những tệ nạn, chia sẻ với các em bị nhiễm chất độc da cam, cảm thông với những người đồng tính như là một khía cạnh thể hiện tinh thần nhân ái, tấm lòng cao cả và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam.

Thế còn đối với trẻ em thiệt thòi thì sao? Chẳng lẽ các em không có quyền được cộng đồng quan tâm, được các nghệ sĩ, nhà sản xuất kinh doanh chia sẻ?

Đấy quả thực còn là một quãng trống cần được lấp đầy, trước hết trong tâm hồn, suy nghĩ và việc làm của các nhà sản xuất kinh doanh, các nghệ sĩ tham gia chương trình giải trí cũng như toàn thể cộng đồng.

Lê Quang



Ý kiến của bạn