Chỉ sau một thoáng bối rối, tôi chìa tay ra bắt và mời anh ngồi. Cách đó vài hôm, anh đã gọi điện thoại và rất mong gặp tôi để nhờ tư vấn. Một ít kinh nghiệm thu được ở Nam khoa - giới tính thuộc Bệnh viện Free University Hospital ở Amsterdam (Hà Lan) đã giúp tôi cư xử xưng hô với người ngồi trước mặt như là một người cùng giới tính với tôi, mặc dù những người khác sẽ gọi anh bằng “cô” hay “chị”.
Bệnh nhân giới tính thứ ba rất cần sự chia sẻ và cảm thông của bác sĩ và xã hội để vượt qua mặc cảm.
Với vẻ hài lòng vì được cư xử như đàn ông, anh nói về nỗi khổ tâm mà anh mang trong mình 30 năm nay. Từ thuở mà anh biết rằng con trai thì tiểu đứng còn con gái thì tiểu ngồi, anh đã cảm thấy cơ thể mình là lạ, như là mượn của ai khác. Nó cứ phát triển nảy nở theo kiểu nữ, còn tâm hồn anh thì càng lúc càng định hình theo kiểu nam. Anh đã từng đau khổ, điên dại khi những chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên xuất hiện. Anh đã từng căm ghét bộ ngực rất phụ nữ của mình. Nhưng rồi anh đã kìm lại được quyết tâm học hành, làm việc và chờ đợi tới ngày anh được xã hội công nhận là đàn ông. Anh hỏi tôi về việc điều trị chuyển giới tính ở Hà Lan, về chi phí điều trị. Biết chi phí quá cao, anh mạnh dạn hỏi tôi xem có “dám” điều trị chuyển giới cho anh không. Tôi lắc đầu, không thể vì luật không cho phép, cho dù các bác sĩ chúng tôi có thể làm chuyện “phù phép” đó được.
Buồn bã, anh đứng lên rồi nói như tự nhủ: “Có lẽ tôi sẽ dành dụm tiền đi Thái Lan một chuyến”. Đến giờ tôi vẫn chưa biết anh đã đi Thái Lan chưa hay vẫn âm thầm chờ đợi ngày được chuyển giới tại Việt Nam.
Anh là một trong số những người bị tạo hóa đùa giỡn, bắt mang vẻ ngoài của giới tính này nhưng tâm hồn lại thuộc về giới tính kia. Theo các nhà y học, chỉ có 93% loài người có may mắn thuộc về một trong hai giới tính nam và nữ một cách rạch ròi. Anh bạn tôi vừa kể thuộc về nhóm người chuyển giới tính. Về mặt sinh học, họ hoàn toàn thuộc về một giới tính, nhưng về nhận dạng giới tính thì họ lại thuộc về giới kia.
Không ít người cho họ là “mát”, “loạn dâm”... và phải dùng giáo dục, thậm chí là răn đe để ép họ về giới tính tự nhiên. Các bác sĩ phương Tây thì nhìn họ một cách thông cảm hơn và cho rằng không thể dùng thuốc (nội tiết tố) hay phẫu thuật gì đó có thể điều chỉnh họ. Có chăng là chỉ giáo dục họ có lối sống lành mạnh, tự tin.
Những người đồng tính luyến ái cần một sự thông cảm của xã hội, cộng đồng, nhất là gia đình. Sự bao bọc, che chở của cha mẹ, anh chị là vô cùng quý giá, giúp họ đứng vững được trong cuộc đời. Tình yêu có lẽ chưa đủ để các bậc phụ huynh trở thành một điểm tựa vững chắc của con em mình, họ cần có thêm sự hiểu biết, những kiến thức khoa học về đồng tính luyến ái.
TS. Nguyễn Thành