Hà Nội

Cần làm những xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh nào?

13-05-2018 07:25 | Y học 360
google news

SKĐS - Nhiều người đi làm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh nhưng không hiểu ý nghĩa của từng loại xét nghiệm bác sĩ chỉ định cho mình. Bện cạnh đó, chúng ta cũng cần biết mình nên làm những xét nghiệm gì để bảo vệ sức khỏe.

1. Công thức máu:

Đây là 1 xét nghiệm thường quy, cung cấp cho chúng ta nhiều giá trị trong các bệnh lý thường gặp như bệnh nhiễm trùng, ung thư máu…và đặc biệt là xem có tình trạng thiếu máu hay không. Căn bệnh thiếu máu thường gặp ở Việt Nam, nguyên nhân thường gặp là do ký sinh trùng. Thiếu máu làm cho chúng ta có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, mau mệt, giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp cho bệnh nhân mau hồi phục sức khỏe.

2. Đường huyết:

Bệnh đái tháo đường được xếp vào loại bệnh rối loạn chuyển hóa, khi nền kinh tế phát triển thì tĩ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng cũng tăng theo. Trong giai đoạn sớm của bệnh, thường không có triệu chứng. Việc phát hiện sớm giúp ích rất nhiều trong việc điều trị nhằm ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh như: tổn thương mắt, thận, tim mạch và hệ thần kinh.

3. Cholesterol:

Hiệp hội Tim mạch quốc tế cho rằng tất cả những người trên 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol trong máu, vì nồng độ choloesterol tăng cao là tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, vì vậy việc kiểm tra và điều trị kịp thời sẽ hạn chế tối đa nguy cơ bệnh tim mạch.

4. Chức năng gan:

Gan đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể, như là chức năng lọc máu, bài tiết mật, chuyển hóa các chất lipid, protein, carbonhydrat, dự trữ vitamin và muối khoáng…, và khi nền kinh tế phát triển, con người phải giao tiếp và làm việc nhiều dễ phát sinh những bệnh lý gan thường gặp như: viêm gan do siêu vi, viêm gan do rượu bia, viêm gan do ký sinh trùng, gan nhiễm mỡ... Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ hạn chế những nguy hiểm của những biến chứng như: xơ gan, ung thu gan….

5. Chức năng thận:

Những bệnh lý về thận ở giai đoạn sớm không có triệu chứng, và đặc biệt trong bệnh cao huyết áp lâu ngày không được điều trị triệt để sẽ có ảnh hưởng lên thận. Việc khám và phát hiện sớm chức năng thận giúp cho chúng ta kiểm soát, ngăn ngừa bệnh một cách hiệu quả hơn.

6. Viêm gan siêu vi:

Việt Nam là 1 nước trong vùng có tỉ lệ nhiễm bệnh viêm gan cao, theo như Hội Gan mật Việt Nam, tỉ lệ lưu hành siêu vi B trong cộng đồng khoảng 10 - 15%. Viêm gan siêu vi B có thể đưa đến biến chứng như là ung thư gan và xơ gan rất cao. Tuy nhiên rất may mắn cho chúng ta đã có thuốc chủng ngừa bệnh viêm gan siêu vi B, và thuốc điều trị bệnh rất hiệu quả.

Với viêm gan siêu vi C tuy chưa có thuốc chích ngừa, nhưng việc điều trị với thuốc tăng cường hệ miễn dịch cho hiệu quả khá tốt.

Vì vậy, việc xét nghiệm này giúp chúng ta ngăn ngừa bệnh bằng cách chích ngừa cho những ai không mắc bệnh và theo dõi điều trị cho những ai bị mắc bệnh.

7. Chụp X-quang phổi:

Lao phổi và những bệnh lý tắc nghẽn phổi mãn tính do hút thuốc lá và bụi công nghiệp là những bệnh lý thường gặp ở nước ta. Việc thăm khám bệnh và chụp hình phổi là những biện pháp đơn giản dễ thực hiện nhằm giúp cho chúng ta phát hiện sớm ngăn ngừa hậu quả của nó.

Cần làm những xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh nào?Chụp X-quang phổi

8. Paps mear:

Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý rất nguy hiểm, đứng hàng thứ nhất trong ung thư đường sinh dục nữ. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ hạn chế tỉ lệ tử vong và thương tật. Theo hiệp hội ung thư Mỹ khuyến cáo nên làm paps mear thường quy nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời căn bệnh nguy hiểm này.

Cần làm những xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh nào?Paps mear

9. Siêu âm bụng:

Là một phương pháp đơn giản, rất kinh tế nhằm phát hiện những thay đổi bất thường trong ổ bụng, như là bệnh lý gan mật, thận, lách, tụy… là 1 phương pháp mang tính chất tầm soát rất hữu hiệu.

10. Đo điện tim:

Nhằm phát hiện những thay đổi bất thường ở tim do các bệnh lý tim mạch gây nên, có những trường hợp cao huyết áp mà bệnh nhân không phát hiện (như là không đo huyết áp kiểm tra, không khám sức khỏe định kỳ…) lâu ngày ảnh hưởng tới tim mạch. Vì vậy, việc đo điện tim nhằm giúp cho chúng ta phát hiện bệnh cao huyết áp cũng như biến chứng của các bệnh tim mạch.

11. Siêu âm tuyến vú:

Ngoài việc khám phụ khoa và paps mear để phát hiện sớm bệnh ung thu cổ tử cung, ở phụ nữ cũng nên làm thêm siêu âm ngực kiểm tra nhằm phát hiện sớm những thay đổi cấu trúc, những bất thường ở ngực để phòng bệnh và điều trị kịp thời bệnh ung thư vú.

Cần làm những xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh nào?Siêu âm bụng

12. Siêu âm màu tim:

Hiện nay siêu âm màu tim là xét nghiệm thường quy đối với tất cả bệnh nhân khi đia khám kiểm tra sức khỏe định kỳ hay nhập bệnh viện để phẫu thuật… Siêu âm Doppler màu giúp đánh giá chính xác hoạt động của cơ tim, các buồng tim và các van tim như van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ. Phân suất tống máu của tim nhằm ước lượng tình trạng suy tim, xem khả năng bệnh nhân có chịu đựng được cuộc phẫu thuật hay không về phương diện tim mạch.

Các xét nghiệm, chẩn đoán sẽ được bác sĩ chỉ định tùy theo đối tượng cụ thể. Ngoài ra còn có các xét nghiệm, chẩn đoán  chuyên sâu hơn cũng do bác sĩ cân nhắc chỉ định.


PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM
Ý kiến của bạn