Hà Nội

Cần lắm những thước phim sâu sắc về người lính

27-07-2012 07:34 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sự bát nháo của dòng phim thị trường, giải trí hẳn sẽ không bao giờ có thể làm lu mờ những thước phim xuất sắc về đề tài chiến tranh cách mạng. Những bộ phim về những người lính, những cựu chiến binh, những liệt sĩ quên thân vì Tổ quốc luôn gây nỗi xúc động bồi hồi. Chỉ tiếc, món ăn tinh thần quý giá này ngày càng có dấu hiệu khan hiếm.

(SKDS) -  Sự bát nháo của dòng phim thị trường, giải trí hẳn sẽ không bao giờ có thể làm lu mờ những thước phim xuất sắc về đề tài chiến tranh cách mạng. Những bộ phim về những người lính, những cựu chiến binh, những liệt sĩ quên thân vì Tổ quốc luôn gây nỗi xúc động bồi hồi. Chỉ tiếc, món ăn tinh thần quý giá này ngày càng có dấu hiệu khan hiếm.

Những trang ký ức khó quên

Trong 2 thập kỷ qua, Ngã ba Đồng Lộc (đạo diễn (ĐD) Lưu Trọng Ninh), Ký ức Điện Biên (ĐD Đỗ Minh Tuấn) có lẽ là những bộ phim về đề tài chiến

tranh cách mạng gặt hái được nhiều thành công nhất. Ngã ba Đồng Lộc nằm trong những phim ăn khách nhất năm 1997. Với những thước phim xúc động khắc họa rõ nét thế giới nội tâm của những nữ thanh niên xung phong lạc quan và đầy tin tưởng về tương lai trong hoàn cảnh bom đạn ngặt nghèo, bộ phim đã góp phần đưa hình ảnh những liệt sĩ hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc trở thành những người con bất tử, thành niềm tự hào của dân tộc, đưa địa danh này trở nên nổi tiếng và ghi dấu ấn trong lòng mọi người Việt Nam. 10 năm sau, Đời cát (ĐD Nguyễn Thanh Vân), Ký ức Điện Biên nói về những hy sinh nhiều mặt của các chiến sĩ, liệt sĩ trong trận Điện Biên lại đạt thành tích chiếu cho hơn 2 triệu khán giả trong nước và là phim chiến tranh cách mạng đầu tiên được xuất khẩu sang nhiều nước. Gần đây nhất, Mùi cỏ cháy (ĐD Hữu Mười) đã gây xúc động lớn trong khán giả và giành giải Cánh diều Vàng năm 2011 vì đã tái hiện một cách chân thực, sinh động và ấn tượng những hy sinh vô bờ bến của những chiến sĩ trẻ tham gia giữ thành Quảng Trị năm 1972.

 Phim Ký ức Điện Biên.

Những bộ phim khác về đề tài chiến tranh cách mạng như Đường thư (ĐD Bùi Tuấn Dũng), Cuộc vượt ngục thần kỳ (ĐD Lê Đức Tiến)... cũng đã khắc họa khá ấn tượng và xúc động các khía cạnh khác nhau của các chiến sĩ, liệt sĩ trong 2 cuộc chiến tranh. Tư duy rộng mở của thời đại mới cho phép các ĐD khai thác những tiểu đề tài mới mẻ, thu hút. Đó là hình ảnh người lính quân bưu vượt qua mưa bom bão đạn để làm tròn nhiệm vụ, những thông điệp xúc động và diệu kỳ từ những bức thư lính quân bưu của những người thương binh (Đường thư); là cuộc đấu tranh kiên cường, anh dũng của người lính Cộng sản trong nhà tù thực dân, đế quốc (Cuộc vượt ngục thần kỳ).

Những trang ký ức khó quên trên màn ảnh ấy là một phần lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Là niềm tự hào của những cựu chiến binh, thương bệnh binh một thời quên mình vì Tổ quốc, là nén tâm nhang thành kính dâng lên những anh hùng liệt sĩ đã vì nước quên thân - một nghĩa cử ý nghĩa của những người ở lại, của một thế hệ trẻ trên đất nước hòa bình.

Sáng ngời hình ảnh người thương binh thời hậu chiến

Hình ảnh của người thương binh thời hậu chiến được khắc họa khá rõ nét qua nhiều kịch bản phim có chiều sâu. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, hòa nhập với cuộc sống đời thường, phẩm chất, đạo đức của người lính càng được phát huy. Điều đặc biệt là với một đề tài, câu chuyện khá quen thuộc, các ĐD đã chọn một cách làm phim kỷ niệm linh hoạt, mang đến những món ăn tinh thần thực sự mới mẻ cho khán giả. Điều này được ghi nhận ở các thước phim: Chớp mắt cùng số phận (ĐD Lê Ngọc Linh), Đường thư, Đời cát.

Một cảnh trong phim Mùi cỏ cháy.

Ở Chớp mắt cùng số phận, số phận người thương binh từ lúc còn là cậu sinh viên đến thời kỳ đất nước hòa bình được khắc họa một cách khá éo le. Hoàn cảnh trắc trở đã không thể đốn ngã ý chí của người lính trong thời bình, dù còn những khó khăn và chông gai phía trước. Hay nhân vật Huy “cụt” của Đời cát âm thầm yêu đơn phương người vợ cả của bạn mình mà không được đáp trả và không hy vọng một sự đền đáp nào cả. 

Những hy sinh thầm lặng, những mảnh ghép muôn màu về hình ảnh người lính thời hậu chiến vẫn còn đó, nhưng việc làm phim về đề tài này vẫn còn nhiều e ngại. Có được những cái nhìn sắc sảo, nhân ái, toàn diện về người lính, người thương binh, liệt sĩ cũng sự đồng cảm với cuộc chiến thần thánh của dân tộc sẽ là nền tảng của sự ra đời những bộ phim giá trị. Thiết nghĩ, để xây dựng nền tảng này, trước hết cần sự thấu hiểu, dấn thân và tri ân của những người làm phim trẻ có tâm huyết.    

Hạnh Văn


Ý kiến của bạn