Cần làm gì với bệnh sốt virus?

25-06-2019 13:36 | Đời sống
google news

SKĐS - Sốt virus là bệnh thường gặp nhất mùa nắng nóng. Hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng và chăm sóc để tránh biến chứng. Do đó người bệnh cần biết về bệnh, có biện pháp nâng cao sức đề kháng và không dùng thuốc bừa bãi, tránh làm bệnh trở nên nặng nề hơn.

Cách nhận biết

Sốt virus có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hầu hết không gây nguy hiểm và bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng 7-10 ngày. Nhưng ở một số trường hợp, có thể bị bội nhiễm nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm.

Do có tới 200 loại virus gây  sốt, vậy nên các triệu chứng của bệnh có thể rất đa dạng và thay đổi tùy thuộc vào loại  virus gây bệnh. Nhưng biểu hiện ban đầu thường là ho, viêm họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ớn lạnh, tiêu chảy và sốt cao thường từ 39ºC tới ngoài 40ºC. Sau đó bệnh nhân sẽ bị hắt hơi, sổ mũi, triệu chứng ngày càng nặng lên. Khi hạ sốt thì lại nhanh chóng sốt trở lại chỉ trong vài giờ. Trong một số trường hợp, khi hạ sốt bằng các thuốc hạ sốt thông thường cũng không có tác dụng. Kèm theo các dấu hiệu đau đầu dữ dội, đau nhức toàn thân, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, nặng nề... Biểu hiện này rõ nhất là ở người lớn. Ở trẻ em, có thể bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo (trẻ nhỏ hơn chưa biết kêu đau có thể sẽ quấy khóc). Ở đường hô hấp, bệnh nhân có thể bị viêm họng, họng đỏ, có thể sưng tấy, ho, chảy nước mũi, hắt hơi liên tục. Bệnh nhân có thể thấy buồn nôn, nôn sau ăn hoặc nôn khan; luôn cảm thấy khát nước, muốn uống nước liên tục kèm theo miệng đắng, chán ăn và rối loạn tiêu hóa.

Một trong những biểu hiện khác của sốt virus nữa là viêm hạch (xuất hiện khi bị bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp, xuất hiện các hạch vùng đầu, cổ, có thể nhìn hoặc sờ thấy được). Ngoài ra, triệu chứng phát ban có thể xuất hiện từ 2 hoặc 3 ngày sau khi sốt. Lúc này, trên bề mặt da, đặc biệt là những chỗ da mỏng nổi những nốt ban đỏ nhỏ li ti. Một số bệnh nhân còn bị viêm kết mạc mắt, làm mắt đỏ, chảy nước, người mệt mỏi, uể oải…

Cần làm gì với bệnh sốt virus?Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm sốt siêu vi.

Khác với sốt xuất huyết, chỉ do muỗi vằn lây truyền, sốt virus lại rất dễ lây lan qua đường hô hấp do người bệnh ho, hắt hơi khiến virus văng ra ngoài và người lành nhiễm phải. Do tiếp xúc trực tiếp dịch tiết của bệnh nhân, ngay cả việc bắt tay hoặc ôm hôn người bệnh cũng có thể lây nhiễm… Đặc biệt tại nơi công sở, môi trường làm việc trong phòng điều hòa thì càng khiến bệnh lây lan nhanh.

Những biến chứng thường gặp khi bị sốt virus

Khi bị sốt virus, nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

Viêm phổi: Đây là biến chứng nặng thường gặp, có thể bùng phát thành dịch với diễn biến phức tạp và nguy hiểm.

Viêm tiểu phế quản: Biến chứng này hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, đây cũng là biến chứng rất nặng, nguy hiểm đối với trẻ nếu không được xử trí kịp thời.

Viêm thanh quản: Khi thanh quản bị sưng phù có thể dẫn tới bị khó thở, thở rít, cơ thể thiếu ô-xy.

Viêm cơ tim, gây loạn nhịp tim, ngừng tim: Sau khi hết sốt mà bệnh nhân vẫn mệt mỏi, lịm đi. Ở trẻ nhỏ không chơi nghịch, không ăn được thì cha mẹ cần đưa con đi khám bệnh ngay.

Một biến chứng đáng ngại nhất của sốt virus là bệnh có thể gây ra những biến chứng ở não, trẻ bị co giật, hôn mê và có thể mang di chứng nặng nề.

Ứng phó thế nào?

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị sốt virus. Tuy nhiên cần nhanh chóng có biện pháp điều trị kịp thời khi phát hiện triệu chứng của sốt virus, tránh để bệnh chuyển biến phức tạp và gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Điều đầu tiên cần làm khi bị sốt đó là uống nhiều nước. Ở trẻ còn bú mẹ thì phải cho trẻ bú đầy đủ. Dung dịch bù nước thường dùng là oresol. Có thể thay thế oresol bằng viên hydrit.

Sử dụng thuốc hạ sốt khi khi sốt trên 38,5oC. Thuốc thường dùng là paracetamol, với liều 10 - 20mg/kg thể trọng, cách mỗi 4 - 6 tiếng dùng một lần.

Cần làm gì với bệnh sốt virus?Khi bị sốt chưa rõ nguyên nhân, tuyệt đối không tự dùng kháng sinh.

Nên ở trong phòng ấm, mặc đồ thoáng mát, không để gió lùa, không để nhiệt độ phòng quá thấp hơn so với nhiệt độ cơ thể. Khi sốt cao và đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không đạt được mức hạ sốt cần thiết (hoặc cơn sốt nhanh chóng trở lại), có thể lau người bằng nước ấm (nhiệt độ của nước thấp hơn nhiệt độ của cơ thể khoảng 3 - 4oC). Chú ý không được dùng đá lạnh để chườm tại nhà.

Khi bị sốt virus, sức đề kháng của cơ thể suy giảm nên rất dễ bị bội nhiễm các bệnh khác. Vì vậy việc vệ sinh là vô cùng cần thiết, giúp người bệnh tránh được hiện tượng bội nhiễm do nhiễm các loại virus hoặc vi khuẩn khác. Bệnh nhân không nhất thiết phải kiêng nước mà có thể tắm bằng nước ấm, lau khô người sau khi tắm và thay quần áo thật sạch sẽ. Nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

Khi bị sốt chưa rõ nguyên nhân, tuyệt đối không tự dùng kháng sinh hay tự đi truyền dịch, cũng như lạm dụng dụng cụ xông họng. Đặc biệt không nên uống liên tục thuốc hạ sốt. Nếu sốt trên 5 ngày không đỡ hoặc sốt cao trên 39oC mà dùng thuốc hạ sốt không thấy hạ sốt hoặc xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, buồn nôn thì cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các phòng khám, bệnh viện gần nhất để có biện pháp điều trị đúng đắn, giúp bệnh nhanh chóng thuyên giảm, tránh những biến chứng có thể xảy ra.

Sau khi hạ sốt cần ăn uống đầy đủ để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Nên cho người bệnh ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng để nhanh hồi phục sức khỏe. Uống thêm sữa, nước cam, hoa quả, vitamin để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Nếu có triệu chứng sốt do virus, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây cho người thân trong gia đình và mọi người xung quanh. Đặc biệt, không dùng chung chén, thìa, đĩa với một người khỏe mạnh. Cần cách ly và không nên đến nơi công cộng hoặc nơi làm việc.

Người lớn bị sốt virus thường kéo dài và nặng nề hơn ở trẻ em. Vì khi ốm, người lớn thường chủ quan hơn trong điều trị và chăm sóc, nghĩ rằng đó chỉ là cảm sốt bình thường nên nhiều người vẫn đi làm. Chế độ ăn uống lại thất thường sẽ làm cơ thể dễ bị suy sụp nhanh.

Để phòng tránh sốt virus, cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý. Chú ý vệ sinh cá nhân, môi trường nơi ở và xung quanh sạch sẽ.

Trẻ em cũng là đối tượng dễ nhiễm sốt siêu vi, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng. Nếu trẻ có bất cứ dấu hiệu nào sau đây, hãy đưa bé cấp cứu ngay lập tức: Ho và tiêu chảy kéo dài hơn nửa tháng; có máu trong phân; sốt kéo dài một tuần hoặc lâu hơn; những cơn đau cấp tính; không ăn uống, nôn liên tục; khó thở; buồn ngủ bất thường; hai chân sưng phù.

Sốt virus rất dễ lây lan qua đường hô hấp do người bệnh ho, hắt hơi khiến virus văng ra ngoài và người lành nhiễm phải.


ThS.Nguyễn Quốc Khánh
Ý kiến của bạn