Hà Nội

Cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị ho?

29-05-2022 10:00 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Ho là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên trẻ sơ sinh bị ho khiến cho cha mẹ rất lo lắng vì không biết đó là biểu hiện của bệnh gì và làm thế nào để khắc phục?

Ho ở trẻ em: Nguyên nhân và những sai lầm thường gặp Ho ở trẻ em: Nguyên nhân và những sai lầm thường gặp

SKĐS - Ho là một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Ho kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ và điều này có thể do xử trí sai lầm.

1. Tổng quan về ho ở trẻ sơ sinh

Ho là một phản xạ của cơ thể, nhằm bảo vệ cơ thể, loại bỏ các tác nhân gây bệnh hoặc tống các dị vật rơi vào đường thở.

Có nhiều nguyên nhân gây ho ở trẻ sơ sinh và thường là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh hô hấp. Khi trẻ sơ sinh có vấn đề ở đường hô hấp, ho giúp đường hô hấp của trẻ thông thoáng hơn, tống đờm, dịch mũi họng ra ngoài.

Có hai loại ho ở trẻ sơ sinh thường gặp đó là ho khan và ho có đờm.

- Đối với trẻ ho khan thường gặp khi trẻ bị cảm lạnh hoặc dị ứng. Đường thở bị kích thích bởi những tác nhân dị ứng, gây ho khan.

- Đối với ho có đờm thì có thể là biểu hiện của nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nhất là khi trẻ ho có đờm có màu vàng đục hoặc màu xanh. Để nhận biết được ho đờm màu gì, một lưu ý ở trẻ sơ sinh là phản xạ ho rất yếu, nên trẻ thường khó tống đờm ra ngoài. Tư thế nằm cũng hạn chế việc ho của trẻ. Vì vậy, trẻ thường nuốt đờm vào đường tiêu hóa và khi trẻ nôn thì có thể nôn ra đờm. Bố mẹ có thể thấy màu sắc của đờm trong dịch nôn của trẻ để biết được đờm màu gì.

Tại sao trẻ sơ sinh bị ho? - Ảnh 2.

Ho là một phản xạ của cơ thể, nhằm bảo vệ cơ thể, loại bỏ các tác nhân gây bệnh hoặc tống xuất các dị vật rơi vào đường thở.

1. Nguyên nhân gây ho ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh là trẻ dưới 1 tháng tuổi. Ở lứa tuổi này thường ít xuất hiện triệu chứng ho. Do đó, việc trẻ bị ho là vấn đề cần lưu tâm cho các bố mẹ.

Những nguyên nhân làm cho trẻ ho thường gặp là

Ho do nguyên nhân từ môi trường

Nguyên nhân khiến trẻ ho thường gặp nhất là do môi trường, có thể là tình trạng ô nhiễm. Môi trường trong nhà ví dụ như có người hút thuốc lá, thuốc lào, dùng than củi để xông. Môi trường sống nhiều khói bụi ô nhiễm, trong nhà có bụi, mạt nhà. Thời tiết thay đổi, trẻ bị cảm lạnh cũng có thể dẫn đến tình trạng ho ở trẻ sơ sinh.

Ho do nguyên nhân nhiễm khuẩn

Tình trạng ho hay gặp ở trẻ sơ sinh cũng khiến nhiều cha mẹ lo lắng đó là nhiễm khuẩn đường hô hấp. Đây có thể là dấu hiệu gợi ý cho các bệnh hô hấp như: Viêm tiểu phế quản. Viêm phổi. Viêm thanh khí quản. Virus hợp bào hô hấp - RSV là nguyên nhân nhiễm trùng thường gặp nhất.

Theo các nghiên cứu virus hợp bào hiện diện trong 60 - 70% trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp. Virus hợp bào lây qua giọt bắn, có chu kỳ sống trong đường thở từ 1 đến 2 tuần. Vì vậy, sau thời gian này, nếu không có biến chứng, bệnh sẽ tự khỏi.

Tại sao trẻ sơ sinh bị ho? - Ảnh 3.

Tình trạng ho hay gặp ở trẻ sơ sinh cũng khiến nhiều cha mẹ lo lắng.

Ho do dị vật hoặc dị dạng đường thở

Đây là nguyên nhân cơ học hiếm gặp nhưng không phải là không có. Một số dị tật bẩm sinh có thể gây ra trẻ sơ sinh bị ho như hẹp thanh quản, các dị dạng mũi họng kèm theo. Khi trẻ có dị dạng đường thở, có thể kèm theo các triệu chứng nổi bật khác như trẻ khó thở, thở nhanh, khò khè, thở rít. Những triệu chứng này xuất hiện sớm sau sinh.

Dị vật đường thở không thường gặp ở trẻ dưới 1 tháng tuổi. Bởi thời gian này trẻ thường chỉ bú sữa mẹ hoặc ăn sữa công thức. Trẻ có thể bị sặc sữa khi lượng sữa quá nhiều. Khi sặc sữa, trẻ sẽ đột ngột ho, trớ sữa ra ngoài. Hầu hết trường hợp trẻ sẽ tự hết.

Một số hiếm trường hợp bất cẩn để lọt những vật nhỏ xung quanh vào đường thở của trẻ. Với dị vật, trẻ thường ho dữ dội và đột ngột. Kèm theo trẻ tím tái, thở nhanh. Trong trường hợp này, cấp cứu khẩn trương là cần thiết.

2. Cách điều trị cho trẻ sơ sinh bị ho

Lời khuyên đầu tiên đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, bố mẹ không được tự ý cho trẻ dùng thuốc. Bố mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, nhất là thuốc kháng sinh. Một số kháng sinh chống chỉ định ở trẻ em. Kháng sinh nhóm Quinolon có ảnh hưởng đến sự phát triển sụn xương trẻ em, kháng sinh nhóm Tetracyclin ảnh hưởng đến răng và xương. Một vấn đề nóng hổi hiện nay là tình trạng kháng kháng sinh. Việc dùng kháng sinh bừa bãi làm cho cho tình trạng này ngày một nghiêm trọng. Nên hạn chế cho trẻ dùng thuốc kháng sinh sớm mà không cần thiết.

Tại sao trẻ sơ sinh bị ho? - Ảnh 4.

Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi có thể giúp giảm chất nhầy trong mũi và giảm sưng đường hô hấp, giúp trẻ ho dễ hơn.

3. Trẻ sơ sinh bị ho khi nào cần lo lắng?

Nếu trẻ sơ sinh bị ho nhẹ, không kèm biểu hiện toàn thân khác, bố mẹ có thể không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu trẻ bị ho kèm những dấu hiệu sau, bố mẹ không nên tự ý điều trị cho trẻ mà cần phải đưa trẻ đến bác sĩ càng sớm càng tốt:

– Trẻ thở nhanh, trên 60 lần/phút đối với trẻ sơ sinh

– Trẻ có cơn ngừng thở kéo dài và thường xuyên

– Trẻ tím quanh môi, đầu chi

Sốt cao hoặc hạ nhiệt độ

– Bú kém hoặc bỏ bú

Khò khè

– Li bì, khó đánh thức, co giật.

4. Chăm sóc và xử trí tại nhà khi trẻ sơ sinh bị ho

- Nếu trẻ sơ sinh bị ho nhẹ, chỉ cần chăm sóc đúng bằng cách giữ ấm, tránh gió, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Trẻ có thể tự khỏi sau vài ngày và không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Nhiều trường hợp trẻ bị ho kèm tăng tiết nước mũi gây khó thở, ảnh hưởng đến giấc ngủ và khiến trẻ khó chịu khi ăn.

- Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi có thể giúp giảm chất nhầy trong mũi, giảm sưng đường hô hấp và giúp trẻ ho dễ hơn và dễ tống đờm ra hơn. Với trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể sử dụng dụng cụ hút mũi.

- Theo dõi nhiệt độ của trẻ là cần thiết. Khi trẻ sơ sinh bị ho, bố mẹ hãy theo dõi thân nhiệt trẻ 2 - 3 tiếng một lần. Với trẻ em, nhiệt độ hậu môn là nơi phản ánh đúng nhất nhiệt độ của trẻ.

Nếu trẻ sốt trên 38°C, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện, không nên tự điều trị bằng các phương pháp hạ sốt thông thường. Thuốc hạ sốt dùng không đúng cách ở trẻ sơ sinh có thể gây nhiều tác hại nghiêm trọng.

- Bố mẹ cũng cần theo dõi diễn biến bệnh, nếu trẻ có dấu hiệu bệnh nặng như ho kèm sốt, đờm xanh hay vàng, khó thở, mệt nhiều, lờ đờ, bỏ bú, bỏ ăn… cần đưa trẻ tới bệnh viện để được khám và kê đơn thuốc điều trị phù hợp

- Trẻ em với hệ miễn dịch chưa đầy đủ, dễ nhiễm bệnh hơn người lớn. Trẻ sơ sinh bị ho là một dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh hô hấp. Vì vậy, bố mẹ cần phải cảnh giác và nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị tránh những biến chứng đáng tiếc.

Mời độc giả xem thêm video:

Bệnh viêm gan bí ẩn: Các chuyên gia nhận định có thể liên quan đến SARS-CoV-2


BS. Phương Thùy
Ý kiến của bạn