Nguyên nhân trẻ hay bị trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày hay gặp ở trẻ do hệ tiêu hóa còn non, cơ thắt trên của dạ dày còn yếu, nên khi co bóp dễ làm thức ăn bị trào ngược lên thực quản, khiến trẻ thường bị nôn ra miệng, mũi. Điều này giải thích tại sao tình trạng này hay gặp ở trẻ sơ sinh và ở trẻ dưới 2 tuổi. Ở một số trường hợp, trẻ bị trào ngược dạ dày là do đoạn thực quản phía dưới cơ hoành dài hơn bình thường.
Phân biệt triệu chứng trào ngược dạ dày do bệnh lý hay sinh lý
Khi mắc căn bệnh này trẻ thường xảy ra hiện tượng ọc sữa, nôn trớ khoảng 15 phút sau bữa ăn hay bú. Việc nôn trớ làm trẻ bị đau cuống họng, nuốt khó khăn khiến trẻ không muốn ăn, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe và sự hấp thu chất dinh dưỡng.
Vậy câu hỏi đặt ra trào ngược dạ dày là bệnh lý hay sinh lý bình thường của trẻ.
Trên thực tế không phải trẻ nào cứ ọc sữa, nôn trớ sau ăn là bệnh lý. Trào ngược dạ dày do sinh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Lý do là trẻ ăn quá no hoặc cơ thể phản ứng với một loại thực phẩm nào đó. Nhiều trường hợp mẹ cho trẻ bú khi nằm và ở tư thế này dạ dày sẽ nằm ngang, khi sữa xuống đến dạ dày sẽ bị trào ngược lên miệng.
Điều quan trọng, khi trẻ nhỏ hệ tiêu hóa chưa ổn định, cơ thắt thực quản dưới của trẻ đóng mở chưa đều nên dễ bị ngào ngược thức ăn.
Như vậy, nếu trào ngược dạ dày xảy ra với trẻ trong thời gian ngắn, tần suất ít, sau ăn và không gây ra triệu chứng gì thì đó là trào ngược dạ dày sinh lý. Trẻ vẫn tăng cân và ăn uống tốt.
Trào ngược dạ dày bệnh lý thường kéo dài hơn và gây ra các triệu chứng lâm sàng khác nghiêm trọng bao gồm: Trẻ quấy khóc liên tục, la hét lớn, thậm chí trẻ còn cong lưng, uốn người để làm giảm cảm giác khó chịu do trào ngược dạ dày gây ra. Trẻ giọng khàn, hơi thở khò khè nhất là trong lúc ngủ. Trẻ thường xuyên cáu kỉnh, có hiện tượng nôn trớ sau mỗi lần cho bú hoặc ăn. Trẻ có thể nôn trớ sữa lên mũi, đau ở vùng ngực, bụng.
Ngoài ra, có thể nhận thấy những vấn đề bất thường ở trẻ khi cho trẻ bú như: Trẻ không muốn bú sữa, thường dùng tay đẩy người mẹ ra; Thường hay quấy khóc trong và sau khi bú; Hay giật mình thức giấc vào ban đêm.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị trào ngược dạ dày?
Khi trẻ bị trào ngược dạ dày nếu không được điều trị dứt khoát có thể gây ra nhiều hệ lụy, trong đó thường gặp là kém hấp thu dinh dưỡng và giảm cân không rõ lý do.
Theo thời gian, trào ngược dạ dày có thể dẫn đến viêm thực quản, hình thành các vết loét bên trong thực quản, thu hẹp thực quản hoặc xuất hiện các khối polyp bên trong thực quản… chính vì vậy, cần có cách chăm sóc phù hợp.
Một số lưu ý:
Đối với trẻ bú mẹ: Do trẻ hay nôn trớ nên tránh nằm bú, để trẻ bú đúng tư thế, đảm bảo đúng chiều thức ăn đi xuống dạ dày của trẻ, tránh gây sặc cho trẻ. Nên chia nhỏ cữ bú, tránh để trẻ bú quá no. Cho trẻ bú bên trái trước, để giữ trẻ nằm nghiêng sang phải, rồi chuyển trẻ sang bú bầu bên phải. Vì như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược.
Đối với trẻ bú bình: Trường hợp trẻ bú bình, cha mẹ cần để đầu núm vú bình sữa luôn đầy, không để bình sữa nằm nghiêng. Khi cho trẻ bú nên để đầu của trẻ cao hơn trong 15 - 20 phút, vỗ lưng cho trẻ ợ hơi sau đó mới đặt trẻ nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao.
Đối với trẻ lớn hơn khoảng 1 - 2 tuổi bị trào ngược dạ dày, mẹ nên chú ý cung cấp vừa đủ lượng thức ăn cho trẻ, chia thành nhiều bữa nhỏ để giúp trẻ tiêu hóa nhanh hơn, giảm thiểu sự co bóp mạnh của dạ dày. Tuyệt đối không rung lắc trong khi ăn, giữ tư thế trẻ ngồi thẳng trong và sau khi ăn.
Nếu trẻ bị nôn trớ, cần dùng nước ấm cho trẻ súc miệng, làm sạch lưỡi và khoang miệng. Không được cho trẻ ăn ngay mà nên để dạ dày ổn định một lúc mới ăn.
Lúc trẻ ngủ cần cho nằm nghiêng để tránh trường hợp trẻ bị nôn trớ khi nằm ngửa, dễ sặc lên mũi gây tắc đường thở. Ngoài ra, nên dùng gối ngủ dành riêng cho trẻ bị trào ngược dạ dày theo tư vấn của bác sĩ.
Ngoài ra, nếu trẻ ăn dặm cần tránh cho trẻ ăn một số thực phẩm làm tăng trào ngược dịch dạ dày bao gồm: Loại quả có tính axit như cam, quýt, bưởi; Các đồ ăn nhiều chất béo; Tỏi, hành, thức ăn cay; sốt cà chua.
Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chữa trào ngược dạ dày cho trẻ khi chưa được sự tư vấn của bác sĩ. Vì việc tự ý sử dụng các loại thuốc không đúng có thể gây ra một số tác dụng phụ không tốt cho trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của trẻ.
Khi nào cho trẻ đi khám?
Nhiều cha mẹ lo lắng hỏi vậy khi nào trẻ bị trào ngược dạ dày phải đi khám? Trên thực tế, trong quá trình chăm sóc trẻ nếu trẻ chuyển từ trớ sữa sang nôn ói thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám. Hoặc trẻ có biểu hiện ọc sữa, nôn trớ mà sau khi đã áp dụng các biện pháp kể trên nhưng tình trạng không cải thiện. Trẻ chậm tăng cân hoặc bố mẹ lo lắng hoặc có thêm các vấn đề khác… nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Mời độc giả giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-