Hà Nội

Cần làm gì khi trẻ bị ngã chấn thương răng?

19-03-2023 11:12 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Chấn thương răng sữa ở trẻ là một vấn đề rất hay gặp, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu được xử trí đúng sẽ góp phần quan trọng vào quá trình lành chấn thương.

Các chấn thương răng thường gặp ở trẻCác chấn thương răng thường gặp ở trẻ

SKĐS - Chấn thương răng xảy ra khá phổ biến, một số nghiên cứu cho thấy có đến 25% trẻ đến trường từng bị chấn thương răng và ở trẻ mầm non thì chấn thương răng chiếm 1/5 so với các loại chấn thương khác.

Chấn thương răng sữa gây ra nhiều biến chứng

Chấn thương răng sữa ở trẻ là một tình trạng cấp cứu rất hay gặp, tuy nhiên nhiều cha mẹ nghĩ rằng răng sữa sau này sẽ được thay, nên vấn đề chấn thương răng sữa là không quan trọng. Điều này là một sai lầm, vì chấn thương răng sữa nếu không được quan tâm và điều trị sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc cho trẻ.

Chấn thương răng sữa ở trẻ có thể gây ra nhiều biến chứng và di chứng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe toàn thân, cũng như tại chỗ cho hàm răng vĩnh viễn.

Điều đáng lưu ý, trẻ em trong hoạt động vui chơi hàng ngày có thể gặp những tai nạn khiến răng bị sứt mẻ, gãy vỡ, thậm chí rụng hẳn răng ra khỏi huyệt ổ răng.

Trẻ thường bị chấn thương răng ở giai đoạn dưới 3 tuổi, đặc biệt là ở các trẻ hơn 1 tuổi, lúc bắt đầu tập đi. Khi trẻ tập đi sẽ tiếp xúc với môi trường bên ngoài và dễ bị té ngã, va đập khiến cho răng bị chấn thương.

Cần làm gì khi trẻ bị ngã chấn thương răng? - Ảnh 2.

Chấn thương răng sữa ở trẻ là một tình trạng cấp cứu rất hay gặp.

Làm thế nào để nhận biết chấn thương răng ở trẻ?

Nhiều cha mẹ rất quan tâm đến vấn đề trẻ bị chấn thương răng, vậy làm thế nào để nhận biết trẻ bị chấn thương răng.

Thực tế cho thấy, khác với người lớn, ở trẻ em xương ổ răng còn mềm, hệ thống dây chằng quanh răng lỏng lẻo hơn. Do vậy, khi trẻ ngã nếu bị chấn thương răng thì răng sẽ ít bị gãy hơn so với người lớn, nhưng sẽ bị lung lay, di lệch sang bên, lún vào bên trong xương hàm hoặc rơi ra ngoài huyệt ổ răng.

Các biểu hiện chấn thương răng ở trẻ thường thấy là:

  • Răng trẻ sẽ lung lay.
  • Răng có thể lệch sang 1 bên.
  • Răng lún vào bên trong ổ răng hoặc trồi ra.
  • Răng rơi ra ngoài xương ổ răng.
  • Răng gãy thân răng.
  • Có thể gãy chân răng hoặc cả hai.

Đối với trường hợp răng bị gãy thì cũng có rất nhiều kiểu khác nhau.

  • Gãy thân răng.
  • Gãy chân răng.
  • Hoặc gãy cả thân và chân răng, tùy theo mức độ.

Tuy nhiên, khi trẻ bị va đập, té ngã, nếu có chấn thương răng thì hiếm khi chỉ có chấn thương răng đơn thuần, mà sẽ có các biểu hiện kèm theo như:

  • Tổn thương niêm mạc hoặc xương ổ răng kèm theo.
  • Tổn thương niêm mạc môi, miệng.
  • Xương ổ răng có thể bị va đập sưng nề hoặc rách.
  • Có thể chảy máu với nhiều mức độ khác nhau, tùy tình huống tai nạn.

Ngoài ra, cũng có thể có gãy xương hàm hoặc các chấn thương khác, đặc biệt như mắt, tai mũi họng, sọ não kèm theo.

Cần làm gì khi trẻ bị ngã chấn thương răng? - Ảnh 3.

Chấn thương răng sữa ở trẻ có thể gây ảnh hưởng mầm răng vĩnh viễn bên dưới.

Xử trí chấn thương răng ở trẻ đúng cách

Trên thực tế cho thấy khi trẻ bị té ngã gây ra chấn thương răng đều ít hoặc nhiều gây chảy máu tại chỗ. Vì vậy, cha mẹ cần thực hiện những bước sau:

Bước 1: Phải cầm máu cho trẻ bằng 1 miếng gạc sạch tẩm oxy già, ép sát vào vùng răng bị chấn thương hoặc cho trẻ tự tay cầm miếng gạc.

Bước 2: Vệ sinh vùng xung quanh chấn thương bằng nước sạch.

Bước 3: Kiểm tra trong miệng trẻ xem có các dị vật hay mảnh răng gãy hay không, nếu có thì cần loại bỏ ra khỏi miệng, để tránh dị vật rơi vào đường thở và đường tiêu hoá.

Bước 4: Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng cấp cứu chấn thương răng. Các tổn thương răng và mô mềm sẽ được xử lý tùy theo mức độ. Tuy nhiên, trong chấn thương răng sữa bên cạnh tổn thương răng sữa và mô mềm tại chỗ, cần phải quan tâm đến mầm răng vĩnh viễn.

Các chấn thương xảy ra trong thời thơ ấu có thể là nguyên nhân dẫn đến tổn thương mầm răng vĩnh viễn, gây ra tình trạng răng vĩnh viễn mọc ngầm, dị dạng…

Tóm lại: Chấn thương răng sữa ở trẻ có thể gây ảnh hưởng mầm răng vĩnh viễn bên dưới. Do vậy, việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ là vô cùng quan trọng. Tại nhà, cha mẹ chăm sóc trẻ đúng cách sẽ góp phần không nhỏ vào quá trình lành chấn thương.

Cần cho trẻ ăn hoặc hướng dẫn trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, không sử dụng răng cửa cắn trực tiếp thức ăn dai cứng trong trường hợp sau khi chấn thương răng cửa. Đồng thời khuyến khích trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng và giám sát trẻ trong quá trình vui chơi, vận động. Cha mẹ cần theo dõi và báo ngay cho bác sĩ điều trị khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như sưng, đau… và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Mời độc giả xem thêm video:

Cẩn trọng với 5 bệnh mùa Đông - Xuân ai cũng có thể mắc phải.


BS Nguyễn Thị Châu
Ý kiến của bạn