Phẫu thuật thành công trẻ có dị tật thừa ngón chân phức tạp tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Ngày 09/06/2020, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận một bé trai sinh tháng 8/2019 tên là Đào Trọng K (trú tại Thọ Thanh, Thường Xuân, Thanh Hóa). Bé được nhập viện với lý do: Dị tật bẩm sinh thừa ngón bàn chân phải.
Đây là một ca dị tật thừa ngón phức tạp, bàn chân phải có 9 ngón. Để đảm bảo được chức năng vận động bình thường cũng như mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ cho bệnh nhân, đòi hỏi bệnh nhân phải được phẫu thuật ở cơ sở y tế chuyên sâu về phẫu thuật chấn thương, chỉnh hình, thẩm mỹ.
Theo Ths.BS. Lưu Đức Thọ - Khoa Chấn thương, chỉnh hình, thẩm mỹ, ngày 11 tháng 6 năm 2020, bệnh nhân đã được các bác sĩ khoa Chấn thương, chỉnh hình, thẩm mỹ - Bệnh viện Nhi Thanh Hóa phẫu thuật thành công loại bỏ các ngón chân thừa, phục hồi giải phẫu, chức năng vận động và thẩm mỹ cho trẻ. Sau 07 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã được xuất viện ngày 18/06/2020.
Trẻ dị tật ngón có cần phẫu thuật?
Theo Ths.BS. Lưu Đức Thọ dị tật thừa ngón (polydactyly hay polydactylism) tuy không đe dọa sức khỏe nhưng nó lại làm giảm vẻ đẹp ngoại hình và suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Dị tật thừa ngón có thể tự phát sinh, hay do hội chứng dị tật tương thích (congenital anomalies). Khi nó tự phát sinh, nghĩa là nó có liên hệ với thể đột biến của nhiễm sắc thể trội trên một gen. Nhưng đột biến trên nhiều gen khác nhau cũng có thể dẫn đến hội chứng dị tật thừa ngón. Dị tật thừa ngón thường là kết quả của nhiều đột biến, ví dụ như đột biến ở cụm gen Hoxa- hoặc Hoxd hay quá trình tương tác giữa gen Hoxd13 và GLI3 cũng làm tăng bệnh rất tiềm ẩn. Ngoài ra, khoa học còn phát hiện thấy có tới 39 đột biến gen, kể cả đột biến Hemingway trong gen Shh, nơi đảm nhận chức năng phân cực (ZPA), tức quá trình hình thành các chi trong bụng mẹ, nhưng khi đột biến lại làm sai chức năng đã gây ra hiện tượng thừa ngón.
Chia sẻ về điều trị, Ths.BS. Lưu Đức Thọ cho biết, điều trị bệnh này cũng rất đa dạng, có trường hợp điều trị bảo tồn mà không cần phẫu thuật hoặc có trường hợp chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ đơn thuần hoặc phẫu thuật tạo hình nhằm phục hồi cấu trúc giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ cho bàn tay hoặc bàn chân. Để có phương pháp điều trị thích hợp các bậc cha mẹ nên đưa con đi khám, tư vấn và đưa ra hướng điều trị thích hợp. Đối với tật dính ngón phức tạp thì cần phải dựa vào các xét nghiệm cần thiết, chẩn đoán hình ảnh mới đưa ra phương pháp điều trị và thời gian tiến hành phẫu thuật phù hợp. Tuyệt đối không tự ý đưa trẻ đi khám và chữa tại các cơ sở bệnh theo lời đồn, thầy lang không đảm bảo. Đối với nhóm trẻ bị dị tật bẩm sinh cần có kế hoạch chăm sóc tốt, cho trẻ ăn uống cân bằng, khoa học và đủ chất. Nên quan tâm, dành nhiều tình thương để trẻ không mặc cảm, dễ hòa nhập và phát triển khi trưởng thành.