Hà Nội

Cần làm gì khi người cao tuổi bị sốt?

12-02-2020 17:20 | Bệnh người cao tuổi
google news

SKĐS - Sốt không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng.

Thời gian qua, do thời tiết bất thường khiến nhiều người cao tuổi (NCT)sốt cao, người nhà không phát hiện hoặc không biết cách xử trí nên dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng hoặc các bệnh lý mạn tính như: bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường... của người cao tuổi nặng thêm. Biết đúng cách xử trí sốt tại nhà sẽ giúp ích rất nhiều cho sức khỏe NCT.

Dấu hiệu nhận biết

Có rất nhiều nguyên nhân gây sốt ở NCT. Theo thống kê, có khoảng 10% các trường hợp không tìm được nguyên nhân. Do tuổi cao khiến cơ chế điều hòa thân nhiệt ở NCT kém, hệ thống miễn dịch suy giảm nên dễ có phản ứng với thời tiết. Mặt khác, mắc các bệnh cảm cúm thông thường cũng có thể gây sốt... Vì vậy, nếu tình trạng NCT sốt trên 38 độ C và kéo dài  từ 1-3 tuần lễ thì được coi là sốt kéo dài.

Khi đó, sốt ở NCT thường do các nguyên nhân kèm theo như: do bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm khuẩn trong đó kể đến là viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường tiểu, viêm hay áp-xe gan mật... (khoảng 40%); lao phổi, lao thận - niệu, lao xương sống..., sốt rét. Khoảng 30% do một số bệnh ác tính, trong đó có ung thư hệ tạo huyết; ung thư gan, thận, ruột, phổi, tụy, dạ dày... Khoảng 15% do bệnh hệ thống (thấp khớp, lupus ban đỏ...).

Cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ra bệnh.

Cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ra bệnh.

Nhiều biến chứng do sốt

Ở mức độ nhẹ, sốt có thể gây nhức đầu, chóng mặt, tâm trí suy kém; nếu nặng thì sẽ bị rối loạn ý thức, mê sảng, co giật, tiểu không tự chủ... do cơ thể người cao tuổi khi có sự biến động về nhiệt độ thì sự điều nhiệt cũng thay đổi dù với những nguyên nhân thông thường như cảm nhiễm thật nhẹ cũng làm nhiệt độ tăng cao đột ngột có khi ảnh hưởng lên hệ thần kinh.

Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, sốt sẽ làm cho ăn kém hơn, chán ăn, nôn, đau bụng, lưỡi đắng và đóng rêu trắng...  Người già bị sốt cũng có tình trạng nước tiểu ít, nóng, nước tiểu đậm màu, có khi dẫn đến tình trạng tiểu khó, tình trạng thở nhanh, ho, khó thở...

Nếu ở hệ tim mạch, sốt làm tim đập nhanh, mạnh hơn, có thể là huyết áp tăng cao hơn, tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim có thể nặng hơn, có thể có rối loạn nhịp tim..., biến chứng tim mạch rất hay xảy ra làm NCT bị sốt cao đột ngột.

Xử trí hạ sốt tại nhà như thế nào?

Sốt nhẹ là khi nhiệt độ từ 37,6 - 37,90C, gọi là sốt vừa khi nhiệt độ từ 38 - 38,90C, gọi là sốt cao khi nhiệt độ từ 390C trở lên. Tuy nhiên, người cao tuổi xuất hiện những triệu chứng sốt nhẹ phải hạ nhiệt ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Khi đó, cần lau mát  ngay lập tức. Đây là phương cách hạ sốt hữu hiệu, dễ thực hiện và ít tốn kém, đồng thời mang lại hiệu quả rất tốt. Cách làm như sau: dùng khăn tay nhúng vào chậu nước lạnh, vắt ráo nước đắp lên những vùng trán, hai bên hố nách... Vì khi chườm mát những vị trí đó thì việc hạ nhiệt sẽ nhanh có tác dụng hơn, vì thế sốt sẽ mau hạ hơn, thỉnh thoảng cho bệnh nhân nằm nghiêng để lau vùng lưng.

Hạn chế đắp khăn lên vùng ngực hoặc sau lưng vì khi đã hạ được sốt thì người bệnh sẽ dễ bị ho. Thường xuyên trở khăn, khi bệnh nhân có cảm giác dễ chịu hơn, trong người bớt bứt rứt thì nên kiểm tra lại nhiệt độ và mỗi lần kiểm tra nên lau khô nhẹ hố nách.

Khoảng 10 - 15 phút mới cặp lại nhiệt độ để tránh nhầm lẫn tưởng là sốt đã hạ do khăn lạnh làm giảm nhiệt độ da tại chỗ nhưng nhiệt độ cơ thể vẫn còn cao. Không nên đắp chăn, không được mặc nhiều áo hoặc mặc áo ấm vì càng làm cho nhiệt độ trong người tăng cao. Việc hạ sốt chỉ mang tính chất tạm thời. Sau khi nhiệt độ đã hạ, nên đưa bệnh nhân đến bác sĩ để được khám và được làm một số xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân của sốt và được điều trị tốt hơn.

Lưu ý khi hạ sốt bằng thuốc

Người cao tuổi bị sốt có thể sử dụng paracetamol 0,5g dạng viên uống hoặc dạng viên sủi hay viên đạn đặt hậu môn để hạ sốt. Khi dùng loại viên sủi, phải hòa tan viên thuốc trong cốc nước sôi để nguội và phải đợi cho thuốc tan hết mới uống. Do các viên sủi đều có chứa sẵn một hàm lượng muối natri bicarbonate nên người cao tuổi có một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, thận... khi dùng phải có chỉ định của bác sĩ. Liều paracetamol trung bình dùng cho người lớn là 0,5g/lần, từ 2 - 4 lần/ngày. Khi sử dụng thuốc hạ sốt, do tác dụng của thuốc, nhiệt độ sẽ hạ, người bệnh sẽ ra rất nhiều mồ hôi nên có thể dùng nước ấm để lau khô với điều kiện trong phòng phải kín gió, việc vệ sinh thân thể như vậy sẽ mang lại cho người bệnh cảm giác dễ chịu, thoải mái.

Paracetamol là thuốc phổ biến, dễ sử dụng nhưng nếu dùng quá liều và lâu dài, thuốc vẫn có nhiều tác dụng phụ và biến chứng khá nguy hiểm, nhất là ở người cao tuổi. Chính vì vậy, khi người cao tuổi bị sốt, cần hạ nhiệt bằng thuốc, phải sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Lời khuyên của bác sĩ

Sốt ở người cao tuổi cũng có thể là một biểu hiện bất thường cần được hết sức quan tâm chăm sóc. Chính vì vậy, ngoài việc theo dõi, xử trí để hạ sốt thì chế độ ăn uống đối với người cao tuổi lúc sốt là vô cùng quan trọng. Không nên ép bệnh nhân ăn nhiều, cho ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu, đồng thời nên cho uống nhiều nước, có thể là nước trái cây như: nước cam, nước chanh...

Sau khi nhiệt độ đã hạ, cần đưa người thân của mình đến cơ sở y tế gần nhà để được khám bệnh và được làm một số xét nghiệm cần thiết nhằm tìm ra nguyên nhân của sốt và được điều trị tốt hơn.


ThS.BS. Phan Hữu
Ý kiến của bạn