Khi huyết áp tăng cao đột ngột, việc xử trí đúng cách là vô cùng quan trọng để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Huyết áp tăng cao đột ngột đo đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng huyết áp đột ngột trong đó nguyên nhân phổ biết nhất là người bệnh quên uống thuốc, nhất là người cao tuổi hay quên.
Trạng thái tâm lý khi bị kích động giận giữ, sốc do gặp những sự cố hoặc niềm vui bất chợt cũng khiến tăng huyết áp đột ngột.
Một số thói quen ăn uống của người bệnh tăng huyết áp thay đổi cũng là lý do khiến tăng huyết áp đột ngột. Trong đó thường gặp vào các kỳ nghỉ, sự kiện quan trọng khiến người bệnh thay đổi thói quen ăn uống: ăn mặn hơn, uống rượu bia, chất kích thích cà phê, thuốc lá,… dẫn đến tăng huyết áp đột ngột
Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc như: cocaine, amphetamine, thuốc tránh thai, NSAIDs,… có thể làm tăng huyết áp hoặc tương tác với thuốc điều trị tăng huyết áp làm giảm hiệu quả của thuốc.
Dấu hiệu tăng huyết áp đột ngột
Tăng huyết áp đột ngột là tình trạng huyết áp đột nhiên tăng cao kịch phát bất thường một cách nhanh chóng, huyết áp tối đa có thể lên đến > 180mmHg hoặc huyết áp tối thiểu > 120mmHg. Lúc này cơ thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng như:
– Người bệnh đau đầu dữ dội, choáng váng và xây xẩm mặt mày.
– Người bệnh xuất hiện đột nhiên nhìn mờ, khó nói. Cảm thấy tình trạng đau tức ngực, tim đập nhanh bất thường hay khó thở. Thậm chí một số người thấy có biểu hiện chảy máu cam, buồn nôn hoặc nôn.
Ngoài ra, có thể xuất hiện tình trạng tê yếu tay chân, đột nhiên không nhấc được chân lên, đi lại không vững, bị té, cầm đồ bị rơi,… Miệng méo, cơ mặt lệch sang một bên thậm chí co giật, tinh thần không minh mẫn, hôn mê…
Cách xử trí huyết áp tăng cao đột ngột
Nếu như thấy các biểu hiện nghi ngờ trên hoặc phát hiện thấy người người thân có những dấu hiệu nghi ngờ kèm theo tiền sử mắc bệnh huyết áp đang điều trị… thì rất có thể là do cơn tăng huyết áp đột ngột. Việc phát hiện xử trí các tình huống trên rất quan trọng, cần theo các bước sau:
Bước 1: Người bệnh cần nghỉ ngơi tại chỗ
Tốt nhất, người bệnh tăng huyết áp cần nằm hoặc ngồi yên tại chỗ, hít thở sâu và thả lỏng cơ thể, cởi bỏ nón mũ, nới lỏng quần áo, tránh tình trạng đám đông xúm lại hỏi han.
Khi nằm, kê đầu cao khoảng 30 độ so với mặt phẳng, không để chân cao hơn đầu vì sẽ làm tăng áp lực lên mạch máu não.
Nếu thấy khó thở, hãy ngồi dậy và kê gối ở sau lưng, tuyệt đối không đứng dậy đi lại để tránh bị choáng ngất. Trường hợp bạn là người xung quanh và người bệnh có dấu hiệu nôn mửa, nên cho người bệnh nằm nghiêng để tránh tắc nghẽn đường thở.
Ngoài ra, không cho người bệnh ăn, uống nếu có dấu hiệu miệng méo, cơ mặt lệch sang một bên….
Bước 2: Cần kiểm tra huyết áp
Đo huyết áp để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tùy theo chỉ số huyết áp và triệu chứng mà người bệnh gặp phải, cách xử trí sẽ khác nhau. Nếu trong lần đo đầu tiên, chỉ số huyết áp từ 180/120 mmHg trở lên và không có bất kỳ triệu chứng tổn thương cơ quan đích nào (ví dụ như đau ngực, khó thở, đau lưng, yếu, liệt nửa người, thay đổi thị lực, khó nói, co giật, tiểu máu, nôn ói nhiều), điều cần làm là giữ bình tĩnh, nghỉ ngơi và đo lại huyết áp sau 15 phút.
Và ở lần đo huyết áp thứ 2 các chỉ số huyết áp vẫn cao nhưng không có bất cứ biểu hiện nào thì đây là cơn tăng huyết áp khẩn trương.
Khi đó cần uống các thuốc hạ huyết áp để hạ huyết áp từ từ trong 28 – 48 giờ. Không nên sử dụng các thuốc hạ huyết áp nhanh (ví dụ: Nifedipin nhỏ giọt dưới lưỡi), bởi việc hạ huyết áp quá nhanh, đột ngột sẽ làm giảm tưới máu từ đó gây tổn thương các cơ quan đích (gây thiếu máu não, thiếu máu cơ tim). Sau đó đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để được điều chỉnh lại các thuốc điều trị tăng huyết áp khác nhằm giúp huyết áp giảm từ từ về mức an toàn.
Đối với trường hợp lần đầu tiên đo huyết áp có các chỉ số từ 180/120 mmHg trở lên và kèm theo bất kỳ triệu chứng bất thường nào kể trên, đây là cơn tăng huyết áp cấp cứu cực kỳ nguy hiểm đe dọa tính mạng. Trường hợp này ngay lập tức phải gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng tới bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ khám và điều trị kịp thời.