Hà Nội

Cần làm gì khi bị phù mạch do thuốc hạ huyết áp?

18-08-2019 07:15 | Dược
google news

SKĐS - Tôi 60 tuổi, bị tăng huyết áp và đang dùng thuốc hạ áp benazepril. Tôi uống thuốc 1 tháng đi khám lại thì huyết áp ổn định và không thấy có tác dụng phụ gì, nhưng uống được 2 tháng thì tôi bị phù mặt, phù chân tay nhẹ. Xin cho hỏi hiện tượng trên có nguy hiểm không và tôi có nên ngừng thuốc?

Phí Quang Tâm (Thái Bình)

Loại thuốc bác đang uống là thuốc chống tăng huyết áp, thuộc nhóm thuốc ức chế men chuyển (hay còn được biết đến là thuốc ACE). Nhóm thuốc ức chế men chuyển hỗ trợ quá trình hạ huyết áp bằng cách làm các mạch máu giãn nở, dẫn đến dòng máu có thể lưu thông dễ dàng hơn. Một ưu điểm nổi bật của nhóm này là dễ được người sử dụng hấp thụ và phát huy công dụng nhanh chóng. Bệnh nhân chỉ cần uống thuốc ức chế men chuyển một lần mỗi ngày, thường là vào buổi sáng để giữ huyết áp ổn định. Nhóm thuốc này còn có thể được kê đơn cho người bệnh dùng chung với thuốc lợi tiểu hoặc thuốc chẹn kênh canxi - cũng là được sử dụng trong quá trình điều trị tăng huyết áp. Chính vì thế, ACE là nhóm thuốc được chỉ định rộng rãi cho những bệnh nhân tim mạch.

Cần làm gì khi bị phù mạch do thuốc hạ huyết áp?Thuốc chống tăng huyết áp có thể gây tác dụng phụ phù mạch.

Tuy nhiên, có một tỷ lệ bệnh nhân bị phù mạch do nhóm thuốc này, từ 0,1%-6% người sử dụng, giống như hiện tượng mà bác miêu tả. Đối với những người hút thuốc, phụ nữ, có tiền sử dị ứng và người lớn hơn 65 tuổi có nguy cơ phù mạch cao hơn. Phù mạch do thuốc ức chế men chuyển không xuất hiện mề đay, triệu chứng phù mạch này có thể gây nhầm lẫn với chẩn đoán khác. Phản ứng này xuất hiện trong vòng 1 tuần cho tới vài tháng kể từ khi dùng thuốc, thậm chí có thể xuất hiện vài năm sau khi bắt đầu điều trị. Phù mạch do thuốc ức chế men chuyển thường được coi là một tác dụng phụ liên quan theo nhóm thuốc. Các khuyến cáo hiện nay đối với bệnh nhân gặp tác dụng phụ này, bao gồm dừng thuốc ức chế men chuyển và kết hợp điều trị hỗ trợ khác. Tuy nhiên, bác cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa tim mạch đang điều trị cho bác ngay, để xác định chính xác hiện tượng phù mạch và có biện pháp chuyển sang dùng nhóm thuốc điều trị khác. Bác không nên tự ý bỏ thuốc vì có thể gây nguy hiểm.

Ngoài ra, nhóm thuốc ACE không chỉ có loại thuốc benazepril mà còn nhiều thuốc khác. Do vậy khi đi khám bệnh, bác cần thông báo với bác sĩ  (trong trường hợp không gặp được bác sĩ đang theo dõi bệnh) là đã bị phù mạch do benazepril để tránh dùng lại thuốc hoặc thay đổi sang loại ức chế men chuyển khác.


ThS. Nguyễn Thị Thúy
Ý kiến của bạn