Hà Nội

Cần làm gì để tránh bội nhiễm khi mắc sốt rét ác tính?

04-03-2020 15:44 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sốt rét ác tính (SRAT) là một thể bệnh sốt rét (SR) nguy kịch với nhiều nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, chẩn đoán và xử trí can thiệp điều trị kịp thời.

Ngoài tính chất trầm trọng do các biến chứng của bệnh gây ra, bệnh nhân còn có thể bị nhiễm khuẩn bội nhiễm trong quá trình chữa trị, làm hạn chế kết quả điều trị mong muốn. Cần đề phòng tình trạng này để giúp người bệnh sớm được phục hồi.

Các nhà khoa học ghi nhận bệnh nhân SRAT thường dễ bị nhiễm khuẩn bội nhiễm với các dấu hiệu viêm phế quản - phổi, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, loét điểm tỳ, nhiễm khuẩn huyết loại vi khuẩn gram âm; đồng thời tăng bạch cầu máu ngoại vi.

Để đề phòng sốt rét ác tính bội nhiễm, việc chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân là rất quan trọng.

Để đề phòng sốt rét ác tính bội nhiễm, việc chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân là rất quan trọng.

Viêm phế quản - phổi là tình trạng khá phổ biến thường xảy ra ở bệnh nhân SRAT bị hôn mê sâu, thở khò khè, ùn tắc đờm dãi do tụt cuống lưỡi, mất phản xạ nuốt; hút đờm dãi không vô trùng, nằm lâu ở một tư thế ngửa, lên cơn co giật đe dọa ngừng thở, được đặt nội khí quản hoặc mở khí quản... Nhiễm khuẩn đường tiết niệu do người bệnh được dẫn lưu nước tiểu không bảo đảm vô trùng. Loét các điểm tỳ thường xảy ra tại vùng xương cùng, gót chân... ở những bệnh nhân bị hôn mê sâu và nằm thời gian lâu, không dùng đệm chống loét, không làm vệ sinh sạch sẽ các điểm tỳ hằng ngày. Nhiễm khuẩn huyết loại vi khuẩn gram âm thường gặp là Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa... Tình trạng nhiễm khuẩn huyết này có thể bắt đầu từ nhiều nguồn nhiễm khác nhau như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, phế quản phế viêm, loét các điểm tỳ; đặc biệt là từ các dây luồn tĩnh mạch để nhiều ngày khi truyền dịch hoặc để đo áp lực tĩnh mạch trung tâm. Phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn bội nhiễm ở những bệnh nhân SRAT thể não là nhiễm khuẩn bệnh viện bắt nguồn từ các kỹ thuật, dụng cụ thăm dò và điều trị; mầm bệnh phổ biến là các loại vi khuẩn gram âm kháng nhiều loại kháng sinh đang sử dụng nên tiên lượng bệnh SRAT càng nặng hơn do người bệnh thường bị sốc nội độc tố vi khuẩn với tỷ lệ tử vong có thể chiếm tới 50% các trường hợp bị nhiễm khuẩn huyết loại vi khuẩn gram âm.

Tăng bạch cầu máu ngoại vi thường xảy ra trong các trường hợp bệnh nhân SRAT có nhiễm khuẩn bội nhiễm và thường là tăng bạch cầu ngoại vi chuyển trái. Đây là một chỉ số quan trọng để giúp giám sát sự xuất hiện bội nhiễm. Một số trường hợp nhiễm khuẩn gram âm không có dấu hiệu tăng bạch cầu nên dễ bị bỏ sót. Ngược lại, có một số trường hợp sốt rét ác tính có bạch cầu tăng rất cao, chuyển trái mạnh nhưng không có bội nhiễm, trường hợp này xảy ra là do những phản ứng giả bạch cầu.

Để đề phòng nhiễm khuẩn bội nhiễm, việc chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân SRAT là vấn đề cần được quan tâm. Nên để người bệnh nằm nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, tránh gió lùa; phải xoay trở người bệnh khoảng 2 - 3 giờ/lần để tránh loét tư thế, nhất là các điểm tỳ ở vị trí xương cùng, gót chân, nên cho người bệnh nằm đệm chống loét. Phải vệ sinh sạch sẽ thân thể, đồ dùng, giường nằm của bệnh nhân hàng ngày. Cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ bằng máy theo dõi nếu có điều kiện. Bảo đảm chế độ ăn để bảo đảm đủ chất dinh dưỡng với khoảng 1.500 - 2.000 calo mỗi ngày nhằm tăng sức đề kháng. Cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng qua ống thông dạ dày bằng nhiều bữa nhỏ hoặc truyền nhỏ giọt liên tục nếu người bệnh bị hôn mê. Khi người bệnh hôn mê nhiều, không thể ăn uống qua đường tiêu hóa thì nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch bằng các dịch truyền cần thiết.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hiện nay, bệnh sốt rét còn lưu hành ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 3 tỷ người sống trong vùng sốt rét lưu hành. Ở Việt Nam, có khoảng 12 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành. Ðáng chú ý, người mắc bệnh sốt rét chủ yếu là người nghèo, người dân tộc sống ở các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Ðể kéo giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét, Chương trình Quốc gia phòng chống sốt rét của Việt Nam đã thực hiện nhiều chiến lược phù hợp. Kết quả là từ hơn 1 triệu trường hợp mắc sốt rét, 4.646 trường hợp tử vong do sốt rét năm 1991, đến năm 2018, chỉ còn 6.870 trường hợp mắc và chỉ có 1 trường hợp tử vong do sốt rét. Nhiều tỉnh, thành phố đã không còn lan truyền bệnh sốt rét... Trong năm 2019, Việt Nam tiếp tục công nhận loại trừ sốt rét tại 25 tỉnh/thành, gồm: Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Ðịnh, Ninh Bình, An Giang, Ðà Nẵng, Tiền Giang, Bến Tre, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang.


BS. Nguyễn Hà
Ý kiến của bạn