Công nghệ phát triển mở ra nhiều cơ hội mới trong chẩn đoán, điều trị
Ngày 5/10, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Hội Nội khoa Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học Nội khoa toàn quốc năm 2024 với chủ đề "Tối ưu hóa điều trị bệnh lý Nội khoa trong thời đại công nghệ số".
Phát biểu tại hội nghị, TS.BS Mai Đình Điểu, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, chúng ta đang sống trong một thời đại có những bước tiến vượt bậc về khoa học và công nghệ. Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, sự phát triển của công nghệ số đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh tật.
Trí tuệ nhân tạo, học máy, dữ liệu lớn và Internet vạn vật không còn chỉ là những khái niệm xa lạ, mà trở thành những công cụ quan trọng hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ trong công việc hàng ngày.
Chuyên ngành Nội khoa là một trong những trụ cột chính của ngành y tế, có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo xu hướng của thế giới cũng như tại Việt Nam, điều trị Nội khoa không chỉ giới hạn với điều trị bằng thuốc mà còn kết hợp với các kỹ thuật xâm lấn như can thiệp tim mạch, đột quỵ… và ứng dụng công nghệ số trong công tác chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân.
"Với sự tiến bộ của công nghệ số, các giải pháp y tế không chỉ giúp cải thiện khả năng chẩn đoán chính xác hơn, mà còn giúp tối ưu hóa các phác đồ điều trị, từ đó rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân", TS.BS Mai Đình Điểu chia sẻ.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, hội nghị là diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm nghề nghiệp, chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học, cập nhật các tiến bộ mới trong nước và quốc tế trong lĩnh vực Nội khoa, từ đó giúp nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện và trong khu vực.
Tham gia Hội nghị này có gần 220 bài báo cáo của các GS, TS, chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực đến từ các bệnh viện, trường đại học lớn trong và các hội nghề nghiệp của Việt Nam. Hội nghị cũng tổ chức phiên báo cáo cho điều dưỡng cũng như phiên báo cáo bằng tiếng Anh cho các bác sĩ trẻ...
Gánh nặng bệnh tật của các bệnh lý nhiễm trùng vẫn là một thách thức
Chia sẻ tại hội nghị, ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, hiện nay với tiến bộ y học, nhiều đại dịch được đẩy lùi, nhiều trường hợp bệnh nặng được cứu sống. Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật của các bệnh lý nhiễm trùng vẫn là một thách thức đối với các bác sĩ nội khoa nói riêng và bác sĩ các chuyên ngành nói chung.
Theo ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh và được chia làm 2 loại xâm nhập và không xâm nhập. Các bệnh phế cầu không xâm nhập bao gồm viêm tai giữa cấp và viêm xoang.
Các bệnh do phế cầu khuẩn xâm nhập gồm viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Trong đó, viêm phổi có thể viêm phổi nhiễm khuẩn huyết chiếm 25% và viêm phổi không nhiễm khuẩn huyết chiếm 75%.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO)m ước tính mỗi năm trên thế giới có 1,6 triệu người chết do bệnh phế cầu khuẩn, trong đó có đến 600.000-800.000 người lớn chủ yếu do viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Hơn 90% số ca tử vong này xảy ra ở các nước đang phát triển.
Nhưng ngay cả ở các quốc gia phát triển, bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn cũng gây tỉ lệ tử vong cao – trung bình 10-20% ở người lớn bị viêm phổi do phế cầu khuẩn, và tỉ lệ này còn cao hơn nhiều ở những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh.
ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương cho biết, phòng ngừa nhiễm phế cầu đặc biệt quan trọng đối với nhóm bệnh nhân có bệnh lý mạn tính. Hiện có 2 loại vaccine chính là PCV13 được khuyến cáo cho trẻ nhỏ, người lớn trên 65 tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu và vaccine PPSV23 dành cho người lớn và bệnh nhân mạn tính trên 2 tuổi, đặc biệt nhóm có nguy cơ cao.
Ngoài ra, bệnh nhân nên được tư vấn về lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn và tránh các yếu tố nguy cơ như thuốc lá và rượu bia. Sử dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân, như rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang trong mùa cúm, có thể giúp ngăn ngừa lây nhiễm.
Bệnh nhân cần điều trị tốt các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, COPD, suy tim giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng do phế cầu. Việc phối hợp giữa tiêm chủng, kiểm soát tốt bệnh lý nền và tăng cường hệ miễn dịch sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác động của nhiễm phế cầu lên bệnh nhân mạn tính, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong.
"Bệnh phế cầu trong đó có viêm phổi là gánh nặng sức khỏe cộng đồng cho người trưởng thành có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch. Tiêm vaccine phế cầu được chứng minh làm giảm tỷ lệ mắc ở người trưởng thành có nguy cơ và giảm tỷ lệ người lành mang trùng. Các hướng dẫn điều trị hiện nay khuyến cáo tiêm ngừa phế cầu cho người >65 tuổi, trẻ <3 tuổi, người mắc bệnh nền...", ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương chia sẻ.