Trong khi ở nhiều tỉnh, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì quỹ BHYT lại kết dư và số kết dư đó lại được chuyển về Trung ương để bù đắp cho các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khá hơn bị thâm hụt quỹ BHYT. Đây dường như là tình trạng “bao cấp ngược” và làm thế nào để bảo đảm được quyền lợi BHYT đến với người dân một cách thiết thực? Đó là những vấn đề được bàn luận tại Hội thảo chuyên đề về Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT vừa diễn ra tại Hà Nội.
Nhờ có BHYT, người dân ngày càng được thụ hưởng nhiều hơn các dịch vụ y tế kỹ thuật cao.Ảnh: TM |
Theo Điều 35, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT về quy định trích phần kết dư cho các địa phương sử dụng, trong đó, dự thảo đưa ra đề nghị trích một phần kết dư cho các địa phương để phát triển BHYT phục vụ khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại địa phương. Bởi, thực tế việc quản lý quỹ BHYT như thời gian qua đã cho thấy những bất cập, đó là, các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì quỹ BHYT lại kết dư và số kết dư đó lại được chuyển về Trung ương để bù đắp cho các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khá hơn bị thâm hụt quỹ BHYT. Như vậy, sẽ cho phép những địa phương quản lý tốt và có kết dư được sử dụng một tỷ lệ nhất định phần kết dư quỹ BHYT theo quy định của Chính phủ để phục vụ KCB BHYT và phát triển
BHYT. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động tại địa phương sau 3 năm Luật BHYT đi vào cuộc sống, bà Đàm Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai nhận định, việc đưa ra hai phương án theo như dự thảo cần phải cụ thể hơn, nếu không sẽ “không thiết thực” và dẫn đến tình trạng “bao cấp ngược”. Bà Liên dẫn dắt, năm 2012, quỹ KCB của
Lào Cai khoảng 335 tỷ đồng, mà quỹ dự phòng bằng 10% quỹ KCB, có nghĩa là quỹ dự phòng khoảng 33,5 tỷ. Quỹ dự phòng được giữ lại phải bằng hoặc lớn hơn tổng chi phí KCB trung bình một quý. Trong khi đó, tổng chi phí KCB trung bình trong một quý thông thường của Lào Cai là khoảng 63 tỷ, trong khi quỹ dự phòng là 33,5 tỷ, nhỏ hơn 63 tỷ và không được giữ lại. Như vậy, hàng trăm tỷ đồng quỹ kết dư hàng năm lẽ ra đồng bào được hưởng, cuối cùng lại trở về miền xuôi bù đắp cho các tỉnh có điều kiện kinh tế khá hơn bị thâm hụt quỹ. Trong khi đó, thực tế cho thấy, việc đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng KCB đã mang lợi cho người dân rất nhiều. Bà Liên dẫn chứng, trước đây Lào Cai chưa có dịch vụ chạy thận nhân tạo, người bệnh phải về Hà Nội, không tính tiền điều trị cho một đợt chạy thận, chỉ tính chi phí ăn ở, đi lại, người nhà đi theo từ Lào Cai xuống Hà Nội đã tốn kém rất nhiều. Nhưng từ khi Lào Cai có dịch vụ chạy thận nhân tạo, một người một năm đã tiết kiệm chi phí cho gia đình khoảng 60 triệu đồng. Theo đó, đại diện Sở Y tế Lào Cai kiến nghị, nhằm nâng cao chất lượng KCB phục vụ nhân dân, đồng thời,
khuyến khích các tỉnh quản lý quỹ tốt bằng cách cho phép những tỉnh này giữ lại một phần kết dư và có sự phân mức. Ví dụ, với tỉnh có kết dư dưới 20 tỷ hoặc từ
20 - 100 triệu đồng thì được trích lại bao nhiêu phần trăm để đầu tư cho địa phương và những tỉnh có kết dư trên 100 tỷ đồng thì phần trích lại cho địa phương để phát triển các dịch vụ KCB BHYT, nâng cao chất lượng KCB phục vụ nhân dân. Có như vậy, người dân ở những vùng khó khăn mới thực sự được đảm bảo quyền lợi công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế. Số quỹ dự phòng này sẽ do HĐND tỉnh quyết định vì HĐND là ý kiến của cử tri. Cũng ở trong tình trạng trên, trước đó, đại diện Sở Y tế Hà Giang cũng cho biết, kinh phí kết dư quỹ BHYT hàng năm tại tỉnh rất lớn. Năm 2009 kết dư khoảng 39,5 tỷ đồng, năm 2010 là 70,3 tỷ đồng, năm 2011 là 65,7 tỷ đồng và năm 2012 được 92 tỷ đồng. Theo quy định, số tiền kết dư sẽ cho phép các địa phương mua sắm trang thiết bị, đầu tư bệnh viện nhưng vì không có hướng dẫn cụ thể nên hiện nay, số tiền kết dư ấy vẫn chưa được sử dụng... Nhận định về những bất cập trên, TS. Trần Văn Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho rằng, những vướng mắc của Lào Cai cũng là những vướng mắc chung của các tỉnh miền núi Tây Bắc.
Liên quan đến việc cấp trùng nhiều thẻ BHYT tại một số địa phương thời gian qua, theo BHXH Việt Nam, nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do trong các quy định của luật, thông tư chưa quy đầu mối, trách nhiệm cho đơn vị, tổ chức lập danh sách người có thẻ BHYT. Danh sách lập ra không thống nhất từ một đầu mối nên không thể rà soát được các đối tượng. Ví dụ, người nghèo, trẻ em do UBND xã lập danh sách; cựu chiến binh do hội cựu chiến binh lập; thân nhân sĩ quan quân đội lại theo hệ thống của tỉnh đội, huyện đội...
Nguyễn Tuệ