Ngày 25/3 tại Hải Phòng, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Báo Lao động tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện mô hình hoạt động công đoàn ngành xuyên suốt".
Hội thảo đã thu hút nhiều tham luận từ đại diện công đoàn các ngành nghề, lĩnh vực như Y tế, Ngân hàng, Giao thông vận tải, Giáo dục, Xây dựng v,v.. xoay quanh từ thực tiễn tìm giải pháp hoàn thiện cho mô hình công đoàn ngành xuyên suốt.
Tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đánh giá, Nghị quyết 02 -NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới là cơ hội vàng để củng cố Công đoàn ngành.
Đầu tiên là tiếp tục phát triển công đoàn 4 cấp, kết hợp chặt chẽ giữa công đoàn địa phương và công đoàn ngành; cần củng cố, phát triển hoạt động công đoàn ngành và nâng cao hiệu quả của công đoàn địa phương. Sau đó là thí điểm thành lập công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty theo hướng tập trung tinh gọn hiệu quả. Xây dựng mô hình tổ chức công đoàn mở linh hoạt.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, xu hướng chung của thế giới là công đoàn ngành.
“Tôi quan điểm rằng, ngành đặc trưng rõ ràng thì phải về ngành, từ đó đưa ra những tiêu chí phù hợp”, ông Hiểu đánh giá.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, đại diện Công đoàn ngành Y tế cho hay: Công đoàn Y tế Việt Nam là một trong 20 công đoàn ngành Trung ương có bề dày hoạt động 65 năm. Trong quá trình hoạt động, Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Liên đoàn lao động chỉ đạo hoạt động đối với Công đoàn Y tế các tỉnh, thành phố và hướng dẫn chỉ đạo các phong trào thi đua mang tính ngành nghề như: Cán bộ, nhân viên Y tế làm theo lời Bác “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền”; “Lương y như từ mẫu”; Phong trào đăng ký xây dựng ngân hàng máu phục vụ người bệnh; Phong trào thi đua xây dựng xã chuẩn Quốc gia về y tế; Phong trào “Nâng cao y đức”; Phong trào thi đua triển khai thực hiện Đề án 1816 và quy tắc ứng xử; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, tiến tới sự hài lòng của người bệnh...., phối hợp triển khai công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong ngành.
Tuy nhiên, hoạt động công đoàn ngành Y tế còn đang gặp một số khó khăn như: Số lượng các trung tâm y tế huyện đến trạm y tế xã của 20 tỉnh thành phố là cán bộ, người lao động ngành y tế đang tham gia tại liên đoàn Lao động tuyến; đặc biệt hiện nay còn 15 đơn vị trực thuộc Bộ đang sinh hoạt tại TP Hồ Chí Minh với tên gọi Công đoàn Khối Bộ Y tế (gần 11.000 đoàn viên), trực thuộc Liên đoàn Lao động Hồ chí Minh, không thuộc Công đoàn ngành y tế. Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân tham gia công đoàn tại các tỉnh, thành phố còn chưa thống nhất về mô hình quản lý. Có nơi y tế tư nhân tham gia tổ chức công đoàn do Liên đoàn Lao động quản lý, có nơi do liên đoàn lao động quận huyện quản lý, có nơi do Công đoàn ngành quản lý. Đó là lý do chưa thể thống kê được số lượng cán bộ y tế công và tư trong hệ thống y tế hiện nay. Do đó chưa thể tập hợp được đoàn viên ngành y tế theo ngành nghề.
Theo đó, để đảm bảo cho hoạt động của công đoàn ngành được xuyên suốt, hiệu quả cần có đội ngũ cán bộ công đoàn đủ về số lượng, có năng lực triển khai, tổ chức các hoạt động công đoàn.
Ngoài ra, cơ cấu tổ chức thực hiện cần phân định rõ chức năng nhiệm vụ của công đoàn ngành trung ương và liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố. Trong đó công đoàn ngành trung ương thực hiện việc tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật; giám sát chính sách theo ngành nghề, nâng cao hiệu quả công tác đối thoại và thương lượng tập thể theo ngành; tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên và người lao động trong các ngành. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức các phong trào thi đua, phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành nghề theo chỉ đạo của Ban cán sự Đảng các bộ, ngành để phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Phối hợp thực hiện nhiệm vụ của LĐLĐ tỉnh, thành phố và công đoàn ngành Trung ương, bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo hoạt động công đoàn ngành từ Trung ương đến cơ sở, có sự phối hợp của LĐLĐ địa phương.
Trước thực tiễn trên, đại diện Công đoàn ngành Y tế cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chuyển công đoàn các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế về Công đoàn Y tế Việt Nam quản lý theo quy định của Điều lệ CĐVN.
Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm ban hành các Đề án thực hiện chương trình hành động, nhất là Đề án thí điểm sắp xếp Công đoàn ngành theo hướng tập trung, xuyên suốt, tinh gọn, hiệu quả, trước mắt thí điểm từ 3 đến 5 công đoàn ngành địa phương trực thuộc theo ngành dọc.
Nên có cơ chế để LĐLĐ các tỉnh và các Công đoàn ngành Trung ương có sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo hoạt động của các Công đoàn ngành địa phương để các Công đoàn ngành hoạt động ngành nghề rõ nét hơn.
Xem xét phê duyệt đề án, có lộ trình phù hợp để Công đoàn Y tế Việt Nam được thực hiện mô hình công đoàn ngành xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở.
Bàn về việc giải quyết mối quan hệ công đoàn ngành với liên đoàn lao động các địa phương, bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam thẳng thắn, nêu: Hiện nay, Công đoàn Giáo dục Việt Nam trực tiếp chỉ đạo hoạt động công đoàn các cơ sở giáo dục, đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).
Trong những năm qua, việc phối hợp giữa Công đoàn Giáo dục Việt Nam với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố cơ bản được thực hiện, tạo cơ chế thuận lợi để Công đoàn Giáo dục tỉnh, thành phố hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công đoàn ngành giáo dục vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.
Ví dụ, 1 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và 14 công đoàn cơ sở trong các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo, thuộc đối tượng tập hợp của Công đoàn Giáo dục Việt Nam) nhưng hiện nay, Liên đoàn Lao động một số địa phương vẫn đang quản lý trực tiếp đơn vị này, chưa chuyển trả về Công đoàn Giáo dục Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong công tác phối hợp giữa Công đoàn Giáo dục Việt Nam với Bộ GDĐT để chỉ đạo hoạt động công đoàn.
Ngoài ra, đối tượng tập hợp của Công đoàn Giáo dục tỉnh, thành phố (Công đoàn ngành địa phương) lại chỉ giới hạn đến các đơn vị, cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GDĐT (các trường THPT, một số địa phương có thêm các trung tâm, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp).
Để giải quyết các khó khăn bất cập, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Liên đoàn Lao động các địa phương thực hiện chuyển công đoàn các đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT về Công đoàn Giáo dục Việt Nam quản lý. Đồng thời, cần có cơ chế, lộ trình phù hợp để Công đoàn Giáo dục Việt Nam được thực hiện mô hình công đoàn ngành xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở theo tinh thần đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Đề cập vấn đề sắp xếp Công đoàn ngành theo hướng tập trung, xuyên suốt, hiệu quả, ông Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam nhấn mạnh: Ngành Công Thương là một ngành lớn quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, chiếm trên 60% tổng số GDP của cả nước, lực lượng công nhân, viên chức, người lao động hoạt động phân tán, lưu động trên toàn quốc và nước ngoài.
Trong những năm gần đây, hoạt động của Công đoàn Công Thương Việt Nam có những thay đổi, điều chỉnh. Trọng tâm hoạt động công đoàn hướng vào thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động, thông qua việc thực thi pháp luật về lao động, đẩy mạnh thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể, đối thoại tại nơi làm việc, giải quyết hài hòa lợi ích của người lao động với lợi ích doanh nghiệp. Tuy nhiên, do là công đoàn ngành đa lĩnh vực nên không thể tập trung vào một ngành cụ thể, chất lượng tham gia ngành nghề hạn chế, khó có thể xây dựng thoả ước lao động tập thể cấp ngành.
Theo ông Ngọc, hiện có một số đơn vị, doanh nghiệp không có tổ chức Đảng, công đoàn không có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng cùng cấp mà chỉ có sự chỉ đạo của tổ chức công đoàn cấp trên.
Mô hình công đoàn ngành theo hệ thống quản lý hành chính trên dưới (theo chiều dọc) chặt chẽ, bài bản, nhưng quan hệ với các công đoàn khác cùng ngành nghề (quan hệ ngang) còn thiếu quy định, thiếu kinh nghiệm; chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố có cùng ngành nghề với các cấp công đoàn trong ngành
Còn lực lượng lớn người lao động cùng ngành nghề khu công nghiệp, khu chế xuất địa phương không có sự liên hệ ngành nghề với công đoàn ngành địa phương, công đoàn ngành Trung ương.
Ông Ngọc cho rằng, cần chỉ đạo đánh giá về các mô hình tập hợp người lao động, triển khai thí điểm các mô hình mới để đoàn kết, tập hợp người lao động theo ngành nghề; sửa Luật Công đoàn để làm rõ chức năng công đoàn theo ngành nghề, về các cơ chế đối thoại, thương lượng giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động, trong đó có quy định về thỏa ước lao động tập thể cấp ngành. Ngoài ra, cần quan tâm, chỉ đạo việc đổi mới mô hình tổ chức của công đoàn ngành từ Trung ương đến địa phương theo hướng công đoàn ngành nghề theo chiều dọc. Trước mắt, có thể thực hiện thí điểm tại một số công đoàn ngành có điều kiện phù hợp để đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm; Xem xét sửa đổi các quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam để phù hợp với các mô hình tổ chức mới của các công đoàn ngành trung ương và địa phương.
Tại hội thảo, hơn 10 tham luận được các đại biểu đại diện công đoàn các khối, ngành trình bày. Hầu hết các đại biểu cho rằng để hoàn thiện mô hình công đoàn ngành xuyên suốt vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn địa phương và công đoàn ngành trong đó cần có sự thống nhất trong chỉ đạo, phối hợp hoạt động.
Qua ý kiến tham luận từ các đại diện Công đoàn ngành, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đánh giá các ý kiến tập trung thể hiện nguyện vọng, mong muốn làm rõ nét mô hình hoạt động chuyên ngành để phát huy vai trò gắn kết chuyên môn với hoạt động Công đoàn.
Mục tiêu chính vẫn là chăm lo đoàn viên và đảm bảo mục đích chính đáng của người lao động, đoàn viên trong tổ chức công đoàn.
Đồng thời, tổ chức công đoàn nào cũng mong muốn thực hiện vai trò, sứ mệnh động viên, tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, người lao động chấp hành chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, cũng như làm tốt chuyên môn ở mỗi vị trí của mình.
Mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn ngành tại Việt Nam hiện nay đa dạng, phong phú, có ngành theo hình thức đơn ngành, có ngành hỗn hợp đa ngành. Hoạt động công đoàn ngành thường gắn với nhiệm vụ chuyên môn, tạo sự hỗ trợ, gắn kết chặt chẽ, sự liên kết liên thông, chia sẻ thông tin nhanh và kịp thời, góp phần cùng chuyên môn định hướng rõ các tiêu chuẩn, tiêu chí, chính sách ngành chính xác hơn, thúc đẩy phát triển ngành mạnh mẽ và bền vững.
Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã chỉ rõ: Tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình tổ chức công đoàn 4 cấp, kết hợp chặt chẽ giữa công đoàn địa phương và công đoàn ngành;... Củng cố, phát triển công đoàn ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn địa phương.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Dự Báo Thời Tiết Cuối Tuần: Bắc Bộ Giảm Nhẹ 1-2 Độ C, Có Không Khí Lạnh Kèm Mưa Dông | SKĐS