"Hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng thiếu máu nên mỗi tuần Trung tâm Máu quốc gia vẫn cung cấp khoảng 1.000 đơn vị máu cho các cơ sở y tế tại Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Việc hỗ trợ máu cho khu vực này đã kéo dài gần 1 năm nay".
Những thông tin trên được TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm máu Quốc gia (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) nói khi trao đổi bên lề với báo chí tham dự sự kiện kỷ niệm 30 năm phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta.
TS Quế cho hay, tính từ tháng 3 đến tháng 12/2023, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Trung tâm Máu Quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Hồ Chí Minh đã cung cấp cho Cần Thơ hơn 103.000 đơn vị máu và các chế phẩm máu. Riêng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cung cấp 50.000 đơn vị.
Sang năm 2024, Cần Thơ mới khắc phục được thiếu sinh phẩm, hóa chất, nhưng chưa đấu thầu được quà tặng cho người hiến máu và tiếp tục có công văn gửi Trung tâm Máu Quốc gia đề nghị hỗ trợ cung cấp máu đến tháng 3.
Để bảo đảm cho cấp cứu và điều trị trong dịp Tết, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương kêu gọi người dân hãy đến các điểm hiến máu cố định để hiến máu, đặc biệt người có nhóm máu O, A vì đây là hai nhóm máu có nguy cơ thiếu.
"Trung tâm đang tìm mọi cách làm sao tiếp nhận lượng máu nhiều nhất để điều tiết cho các khu vực, cung cấp đủ cho các vùng sâu, vùng xa vào dịp Tết. Đặc biệt, kêu gọi người dân hiến tiểu cầu vì tiểu cầu chỉ lưu trữ được 5 ngày"- TS.BS Trần Ngọc Quế nói.
Mỗi ngày, cả nước cần 5.500 người hiến máu, nhưng đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 80%. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng lực lượng hiến máu tình nguyện thường xuyên để đảm bảo nguồn máu cấp cứu, điều trị người bệnh.
Theo quy định, người hiến máu tình nguyện có giấy chứng nhận nếu phải truyền máu tại các cơ sở y tế công lập sẽ được bồi hoàn miễn phí lượng máu bằng số lượng máu đã hiến. vì vậy rất cần và duy trì người hiến máu thường xuyên, người hiến máu nhắc lại.
Theo TS Quế, năm 2023, cả nước vận động và tiếp nhận gần 1,56 triệu đơn vị máu, cơ bản đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh.
Đáng chú ý, 99% đơn vị máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương với 1,5% dân số hiến máu. Tỉ lệ hiến máu nhắc lại đạt hơn 60%, nghĩa là trung bình 3 người hiến máu lại có 2 người tiếp tục hiến máu nhiều lần nữa…
"Nguồn máu tiếp nhận từ các cuộc vận động hiến máu tình nguyện thời gian qua đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, tuy nhiên vẫn thiếu ở một số thời điểm quan trọng"- TS Quế nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá: Sau 30 năm phát động phong trào hiến máu nhân đạo, đến nay, cả nước đã có trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu, hàng vạn cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu biểu trên 30, 50 lần, thậm chí trên 100 lần.
Thậm chí, ngay trong những thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19, nhiều địa phương bị phong tỏa nhưng vẫn có hàng chục ngàn người vượt mọi khó khăn để tham gia hiến máu. Nhiều trường hợp hiến máu cấp cứu khẩn cấp ngay trong đêm, hiến máu tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… Điều này càng khẳng định ý nghĩa nhân văn cao đẹp của phong trào hiến máu tình nguyện, góp phần tô thắm truyền thống "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách"… đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.
Để tiếp tục duy trì và phát triển bền vững phong trào hiến máu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị- xã hội, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý đối với công tác vận động và tổ chức hiến máu.