Ai dễ bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?
Theo nhiều nghiên cứu: tại các nước phát triển, nguyên nhân lớn nhất gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là hút thuốc lá với khoảng 90% người mắc COPD hút thuốc hoặc đã từng hút. Trong số những người hút thuốc, có 20-30% mắc COPD, còn lại những người khác gặp vấn đề về phổi hoặc suy giảm chức năng phổi. Càng hút thuốc lâu năm, càng dễ mắc COPD. Cùng với hút thuốc lá, hút xì gà, hút thuốc lào... hoặc hút thuốc thụ động cũng có thể gây COPD.
Còn ở các nước đang phát triển, cùng với hút thuốc, nhà ở thường không thoáng khí khiến các thành viên trong nhà phải hít khói và không khí ô nhiễm từ việc nấu nướng và sưởi ấm là thêm một nguyên nhân gây bệnh.
Mặt khác, COPD có thể gây ra bởi sự lạc chỗ gene với khoảng 5% số người mắc COPD bị thiếu một loại protein tên là alpha-1-antitrypsin khiến phổi bị tổn thương và có thể ảnh hưởng đến gan. Có thể có những yếu tố gene khác cũng đóng vai trò. Tình trạng phơi nhiễm kéo dài với những chất hóa học gây kích ứng cũng có thể gây COPD. Tuy nhiên, COPD là một bệnh không lây.
Tổn thương phổi do bệnh COPD.
Dấu hiệu phát hiện bệnh
Một người mắc bệnh COPD lúc đầu, triệu chứng khá nhẹ, có thể nhầm với cảm lạnh, các triệu chứng sớm là: khó thở, nhất là sau khi tập luyện; ho nhẹ nhưng tái phát liên tục; bệnh nhân cần khạc đờm liên tục, nhất là vào buổi sáng. Người bệnh có thể có những thay đổi kín đáo như là tránh leo cầu thang hay hoạt động thể chất.
Đến khi phổi bị tổn thương, bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng điển hình: khó thở, kể cả sau khi vận động nhẹ như leo cầu thang; thở khò khè; đau thắt ngực; ho liên tục, có đờm hoặc không; thường xuyên khạc đờm hàng ngày; dễ bị cảm lạnh, cúm hoặc những nhiễm khuẩn đường hô hấp khác. Người bệnh cảm thấy thiếu năng lượng, mệt mỏi, thở dốc.
Đến giai đoạn muộn, các triệu chứng nói trên sẽ trở nên nặng hơn và thêm các triệu chứng: mệt mỏi, phù chân, sút cân.
Các triệu chứng cần cấp cứu ngay là: Móng tay và môi tím hoặc xám do trong máu có quá ít oxy; Thở một cách khó nhọc hoặc không thể nói chuyện; Lú lẫn hoặc lả đi; Tim đập nhanh.
Điểm đặc biệt là bệnh COPD gây khó thở, lúc đầu có thể nhẹ với ho và khó thở. Sau bệnh tiến triển nặng hơn sẽ gây khó thở nặng hơn, thở khò khè và có cảm giác thắt ở ngực khi hít thở. Trong đợt cấp tính, COPD có các biểu hiện khó thở kịch phát, viêm phế quản hay viêm phổi nghiêm trọng. Các triệu chứng COPD sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian. Bệnh sẽ càng nặng nếu người bệnh thường xuyên tiếp xúc với khói, đặc biệt là khói thuốc lá. Do đó, người mắc COPD cần bỏ thuốc lá và tránh không sống chung hoặc ở gần người hút thuốc lá.
Không có xét nghiệm đặc hiệu cho COPD mà chẩn đoán dựa trên triệu chứng, thăm khám thực thể và kết quả xét nghiệm. Đo khí dung phổi là một xét nghiệm giúp chẩn đoán chức năng phổi. Chụp Xquang hoặc chụp CT, MRI để xác định chính xác tình trạng của phổi, mạch máu và tim.
Bỏ thuốc lá ngay để phòng và điều trị bệnh COPD hiệu quả.
Cách điều trị
Điều trị COPD để giảm nhẹ triệu chứng, ngừa biến chứng và làm chậm tiến triển bệnh. Các loại thuốc có thể dùng gồm: thuốc giãn phế quản giúp bệnh nhân dễ thở; Glucocorticosteroid có thể được dùng để giảm viêm ở đường dẫn khí. Bệnh nhân cũng cần tiêm phòng cúm, vắc-xin phế cầu khuẩn, tiêm phòng uốn ván, ho gà. Liệu pháp oxy: giúp bệnh nhân vượt qua tình trạng thiếu dưỡng khí và suy kiệt. Chất ức chế Phosphodiesterase-4 là loại thuốc mới giúp giảm viêm và giảm tiết đờm; Theophylline làm giảm cơn đau thắt ngực và khó thở, có thể chặn các cơn kịch phát; kháng sinh và kháng virut chống nhiễm khuẩn hô hấp; tiêm vắc-xin phòng cúm, phế cầu khuẩn hoặc ho gà hàng năm. Phẫu thuật đề phòng COPD nặng hoặc khi những điều trị nội khoa thất bại, thường dùng khi bệnh nhân bị khí phế thũng nhằm cắt bỏ những túi khí lớn khỏi phổi hoặc giảm thể tích phổi, tức là cắt bỏ phần phổi bị hư hại. Ghép phổi cho bệnh nhân đã bị tổn thương phổi nặng. Để giảm nhẹ triệu chứng, bệnh nhân cần: bỏ thuốc lá, tránh hút thuốc thụ động và tiếp xúc với hóa chất; có chế độ luyện tập phù hợp.