Hà Nội

Cần hiểu đúng về Glucosamin

06-12-2015 09:29 | Dược
google news

SKĐS - Bệnh lý thoái hóa khớp được chứng minh có sự lão hóa của tế bào sụn cùng với sự gia tăng phá hủy sụn của các men thoái giáng và nhiều yếu tố khác nữa.

Bệnh lý thoái hóa khớp được chứng minh có sự lão hóa của tế bào sụn cùng với sự gia tăng phá hủy sụn của các men thoái giáng và nhiều yếu tố khác nữa. Vì vậy, glucosamin sulfate và một số sản phẩm bổ sung có được coi là thuốc điều trị bệnh thoái hóa khớp?

Bệnh thoái hóa khớp

Bệnh thoái hoá khớp hay còn gọi là hư khớp, là bệnh thường gặp của chuyên ngành cơ xương khớp có liên quan nhiều đến tuổi tác, đến sự sử dụng thường xuyên và quá mức của khớp và khá nhiều yếu tố khác góp phần làm hư hại sụn khớp dẫn đến đau khớp, biến dạng và mất chức năng hoạt động của khớp.

Phần lớn các sản phẩm glucosamin được sản suất từ sò biển nên những người có tiền sử dị ứng với hải sản cần thận trọng khi dùng.

Những khớp thường bị thoái hóa là những khớp chịu lực, vận động nhiều như khớp gối, háng, cột sống thắt lưng, cột sống cổ, vai và các đốt ngón tay.

Theo thời gian, các nghiên cứu ngày càng cho thấy rõ các tổn thương chính của từng loại bệnh, nguyên nhân và các yếu tố cấu thành bệnh, ví dụ như các yếu tố về tuổi, về áp lực và sang chấn do sử dụng khớp quá nhiều trong bệnh thoái hoá khớp mà chúng ta đang đề cập, nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều bí ẩn khiến cho y học còn phải dày công nghiên cứu trong việc điều trị triệt để căn bệnh này.

Các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp là đau vùng khớp bệnh theo hoạt động của cơ thể, khi ta cử động khớp càng nhiều thì khớp càng đau, ngược lại, khi ta nghỉ ngơi thì khớp sẽ bớt đau. Để chẩn đoán, thông thường bác sĩ sẽ dựa trên thăm khám, hỏi bệnh và chụp Xquang. Đối với các trường hợp khó đòi hỏi phải làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng, phi lâm sàng để chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác có thể gây đau tương tự.

Việc điều trị cũng giống như đa số bệnh thuộc hệ vận động sẽ phải kết hợp cả thuốc lẫn những biện pháp ngoài thuốc và cuối cùng là phẫu thuật. Một trong những điều cần nhớ trong thoái hóa khớp là sự hoạt động của khớp là yếu tố chính dẫn đến triệu chứng đau, do vậy, trong đợt cấp của bệnh, ta cần cho khớp nghỉ ngơi, giảm bớt hoạt động thường nhật cho đến khi khớp ổn định. Những vật dụng hỗ trợ như nẹp thun, nạng chống cũng giúp khớp giảm chịu tải và giảm đau khi cử động. Những môn thể thao ít tải như bơi lội, đạp xe, các bài tập... có thể duy trì khi bạn bước vào giai đoạn điều trị bảo tồn.

Glucosamin dùng trong bệnh thoái hóa khớp

Thuốc dùng cho thoái hóa khớp gồm các thuốc kháng viêm, giảm đau, corticoid tiêm khớp trong giai đoạn cấp. Ngoài ra, người ta còn dùng các thuốc có tính hỗ trợ (không giúp giảm viêm giảm đau), trong đó có glucosamin sulfate, diacerein, chondroitin, sụn cá mập, UC2, MSM...

Glucosamin sulfate là thành phần tự nhiên cấu thành chất nền (matrix) của sụn, bên cạnh các chất tự nhiên khác. Khi sụn khớp bị thoái hóa, các thành phần như glucosamine sulfat, collagen typ 2, acid hyaluronic, chondroitin,... cũng trở nên thiếu hụt. Việc bổ sung các thành phần này giúp cho tế bào sụn có đủ nguyên vật liệu để sản xuất sụn mới bù đắp vào phần sụn đã bị thoái hóa và hư hỏng. Trên thực tế, bệnh lý thoái hóa khớp được chứng minh có sự lão hóa của tế bào sụn cùng với sự gia tăng phá hủy sụn của các men thoái giáng và nhiều yếu tố khác nữa. Bổ sung các chất chỉ giúp ích được phần nhỏ. Vì vậy, glucosamin sulfate và một số sản phẩm bổ sung không được coi như thuốc điều trị bệnh thoái hóa khớp.

Các sản phẩm glucosamin thường được chiết xuất từ các loại sò biển hoặc tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Gốc sulfat là gốc hóa học quan trọng và cần thiết cho việc tổng hợp sụn trong cơ thể, do đó glucosamin sulfat được các nhà nghiên cứu cho là có hiệu quả hơn là các gốc khác như hydrochloride hay N-acetyl.

Các phản ứng phụ thường gặp của nhóm glucosamin nói chung là các rối loạn tiêu hóa nhẹ như đầy hơi, khó tiêu, cảm giác cồn cào, hay nôn ói. Các phản ứng phụ rất hiếm gặp như rối loạn chức năng gan, thận và hệ miễn dịch. Có một số ý kiến cho rằng sử dụng glucosamin có thể làm ảnh hưởng đường huyết, tuy nhiên đã nhiều nghiên cứu được tiến hành nhưng chưa có bằng chứng có ý nghĩa thống kê. Đối với trường hợp có sẵn bệnh tim mạch, cần điều chỉnh lượng muối tiêu thụ hàng ngày vì cũng có một lượng nhỏ natri trong viên glucosamin. Do phần lớn được sản xuất từ nguồn gốc sò biển, vì vậy, người có tiền căn dị ứng với hải sản cũng cần chú ý. Nói chung, các biến chứng phụ là ít và không nặng nề, do đó glucosamin được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) xếp vào nhóm thực phẩm chức năng và được bán tự do trong các siêu thị.

BSCKII. Thái Thị Hồng Ánh (BV Nguyễn Tri Phương, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học TP.HCM)


Ý kiến của bạn