Trong 2 ngày, 13 và 14/4, phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã diễn ra tại TP.HCM. Tại phiên họp này, các đại biểu đã được nghe báo cáo, giải trình của Bộ Y tế về vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế trong việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám chữa bệnh. Và các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến về đề xuất danh mục Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Y tế.
Tiếp thu và giải quyết trên tinh thần vì sức khỏe người dân
Trong phiên họp, báo cáo về công tác quản lý Nhà nước đối với việc cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với cán bộ y tế, giấy phép hoạt động với cơ sở khám, chữa bệnh, công tác kiểm tra, thanh tra việc cấp phép, sử dụng chứng chỉ hành nghề, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, cho biết, cả nước hiện có 257.133 người hành nghề cần phải cấp chứng chỉ; số cơ sở khám, chữa bệnh phải cấp giấy phép hoạt động là 1.200 bệnh viện nhà nước, 169 bệnh viện tư nhân, hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế, 232 nhà hộ sinh, hơn 11.800 trạm y tế…Đến nay, khu vực bệnh viện tư nhân đã cấp 100% giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề, trong khi khu vực bệnh viện nhà nước và bệnh viện thuộc các ngành đạt khoảng 73-95%. Từ năm 2012, Bộ Y tế đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về việc cấp giấy chứng chỉ hành nghề để cập nhật và quản lý thông tin cấp giấy chứng chỉ hành nghề. Đến nay, hệ thống đã cập nhật được 200.000 hồ sơ của người hành nghề khám, chữa bệnh.
Sau khi nghe báo cáo, nhiều đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế trong cấp giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề sau khi Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực. Các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận nhằm thực hiện tốt hơn vấn đề này như: Các giải pháp để đáp ứng nguồn nhân lực thực hiện cấp phép; thực trạng hành nghề không có giấy phép, thuê mướn bằng để mở cơ sở khám chữa bệnh; thu hút nguồn nhân lực y tế cho vùng sâu, vùng xa và các trung tâm cai nghiện ma túy, trại giam; việc cấp giấy phép cho các trạm quân dân y kết hợp, các trạm y tế ngành và các cơ sở phòng khám đông y…Hay việc thanh, kiểm tra và xử phạt các sai phạm…
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình trước Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, Bộ Y tế tiếp thu và giải quyết các vấn đề trên tinh thần sức khỏe của người dân là trên hết. Bộ trưởng cho biết, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc cấp phép đã tương đối hoàn thiện, tuy nhiên việc thực hiện còn những khó khăn; trong đó rào cản lớn nhất đối với công tác quản lý nhà nước về cấp giấy là nguồn nhân lực hạn chế, nhất là ở Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Nguyên nhân xuất phát từ việc biên chế không tăng, trong khi yêu cầu thực tiễn phải thành lập một phòng chức năng riêng về cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động. Bộ Y tế đang tìm các giải pháp để nhanh chóng khắc phục vấn đề này. Hiện Bộ Y tế đang hướng tới xây dựng mô hình thực hiện cấp giấy chứng chỉ hành nghề trực tiếp trên mạng trong tương lai nhằm tạo thuận lợi hơn cho người hành nghề khám, chữa bệnh.
Với công tác thanh tra, xử phạt, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế đã đi vào từng ngóc ngách để kiểm tra. Đồng thời yêu cầu các Sở Y tế cũng phải xử lý quyết liệt các sai phạm để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Năm 2014 thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức 9 đợt kiểm tra, chú trọng lãnh vực quản lý nhà nước về hành nghề y tế tư nhân (quy trình cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, giấy phép hoạt động…). Theo báo cáo được gửi về từ các Sở y tế trên cả nước, năm 2014 đã có gần 8.000 cơ sở khám chữa bệnh được kiểm tra, phát hiện 1.218 cơ sở vi phạm. Qua đó, 44 cơ sở đã bị cảnh cáo, 114 cơ sở bị đình chỉ, tước chứng chỉ hành nghề của một cá nhân và giấy phép hoạt động của một cơ sở. Tổng số tiền xử phạt hành chính về vi phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh là hơn 14 tỷ đồng.
Kết luận phiên giải trình, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết, ngành y tế đã có nỗ lực rất lớn để thực hiện lộ trình, đã có những bước đi khá xa với báo cáo rất đáng ghi nhận. Những vấn đề trên cho thấy, Luật khám bệnh, chữa bệnh đã đi vào đời sống. Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị, Bộ Y tế cần phải có các giải pháp cụ thể, mềm dẻo, linh hoạt để bảo đảm trước ngày 1/1/2016 hoàn thành việc cấp giấy phép và chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.
Cần giữ lại chương trình mục tiêu quốc gia y tế
Cũng trong phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Y tế đã có báo cáo về kết quả thực hiện 4 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) thuộc phạm vi của Bộ Y tế giai đoạn 2011 – 2014 và đề xuất giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Quốc hội duy trì một chương trình mục tiêu quốc gia và 2 chương trình mục tiêu trong giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể, là duy trì Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế - dân số với 8 dự án thành phần về phòng chống bệnh lây nhiễm và không lây, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, an toàn thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS, đảm bảo máu an toàn, quân dân y kết hợp…Có 2 chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020 là chương trình mục tiêu Phòng chống một số bệnh mới nổi, bảo đảm vệ sinh môi trường nâng cao sức khỏe nhân dân. Và chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư phát triển y tế địa phương.
Trước vấn đề, trong thời gian tới, các CTMTQG có thể được lồng ghép vào 2 CTMTQG Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói rõ, sau khi rà soát các nội dung của 4 CTMTQG ngành Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thống nhất với Bộ Y tế về việc không thể lồng ghép với bất kỳ nội dung nào của 2 CTMTQG Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững. Bởi đối tượng của các CTMTQG thuộc lĩnh vực y tế - dân số bao gồm toàn bộ người dân, cả nông thôn và thành thị, cả người nghèo và người giàu, phạm vi thực hiện rộng khắp các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc nên cần phải được thực hiện theo cơ chế của CTMTQG theo quy định của Luật đầu tư công. Trong khi CTMTQG xây dựng nông thôn mới chủ yếu thực hiện ở vùng nông thôn, Chương trình giảm nghèo bền vững chủ yếu thực hiện ở các xã, huyện nghèo và vùng khó khăn, đối tượng là người nghèo.
Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu không có CTMTQG về y tế - dân số thì không thể đảm bảo nguồn lực để thực hiện một số mục tiêu chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn đến 2020 hoặc đến 2030 cho một số lĩnh vực như: phòng chống lao, sốt rét, HIV/AIDS, chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản, tiêm chủng mổ rộng…Các mục tiêu này phải tiếp tục được thực hiện theo cơ chế của CTMTQG thì mời có thể duy trì các kết quả đã đạt được vào năm 2015 và tiếp tục thực hiện các mục tiêu cao hơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2020.
Bên cạnh đó, nhiều Tổ chức Quốc tế đã cam kết hỗ trợ các dự án ODA, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, nếu Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ các dự án và có đầu tư thỏa đáng cho công tác Tiêm chủng mở rộng, phòng, chống lao, sốt rét; HIV/AIDS; giảm tỷ lệ tử vong mẹ, giảm tỷ suất tử vong trẻ em…Do vậy, nếu không có CTMTQG thuộc ngành y tế sẽ dẫn đến việc cho rằng Chính phủ Việt Nam chưa thực sự quan tâm và không thực hiện các cam kết quốc tế, điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và có thể bị cắt giảm các dự án ODA. Thực tế, thời gian vừa qua cho thấy, có một số bệnh dịch nếu không được đầu tư theo cơ chế của CTMTQG thì không huy động được nguồn lực và chỉ đạo thực hiện nên khó tránh khỏi nguy cơ bùng phát của dịch, bệnh dịch, như sốt xuất huyết…
Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai và các đại biểu cũng rất đồng tình với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khi cho rằng, CTMTQG góp phần rất lớn vào công tác phòng bệnh nói riêng và công tác khám chữa bệnh nói chung. Bà Mai và các đại biểu cũng góp ý, Bộ Y tế cần nêu thêm các lí do thuyết phục hơn nữa để thuyết phục Quốc hội giữ lại CTMTQG y tế.
NGUYỄN HUYỀN