Như nhiều làng quê Việt khác ở đồng bằng Bắc Bộ, làng Nôm ở Hưng Yên đang đối mặt trước những nguy cơ mai một di sản nhà cổ. Nếu không kịp hỗ trợ người dân bảo tồn những cơ ngơi này, trong tương lai gần, một "địa chỉ đỏ" của làng cổ Bắc Bộ sẽ không còn giữ được tầm quan trọng lẽ ra phải có đối với không chỉ địa phương và người dân cơ sở.
Làng Nôm. |
Làng Nôm 300 năm
Trưởng thôn Nguyễn Văn Chính vừa giới thiệu lịch sử làng quê vừa lẩm nhẩm mấy câu ca dao đã ở trong tâm trí nhiều người dân xứ nhãn. Hóa ra chợ cầu Nôm lại chính từ cái làng Nôm này mà có. Và lời đay nghiến cay nghiệt của Sùng bà khi hắt hủi con dâu Thị Kính dường như cũng chính là nhắc đến địa danh này: "Đồng nát thì về cầu Nôm/ Con gái nỏ mồm về ở với cha". Lời ca dao trên thì hờn dỗi, lời thoại chèo dưới thì hằn học, nhưng đến làng Nôm, nay gọi là thôn Đại Đồng thì chỉ thấy sự thanh bình. Các gia đình còn truyền nhau về việc làng ra đời từ 300 năm trước, xưa thuộc phủ Thuận Yên, trấn Kinh Bắc, nay thôn thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Khu vực trung tâm làng Nôm có bối cảnh đẹp đẽ, cân đối với ao lớn rộng hàng chục mét, dài đến khoảng 200m trước cổng đình. Dọc hai bên ao là một số ngôi nhà thờ họ và nhà ở kiểu cổ, xen lẫn một số nhà đã có cải tiến và xây mới nhưng vẫn nằm trong không gian xanh và không xây cao nên không phá vỡ cảnh quan. Cả làng còn hơn chục nhà cổ và 7 nhà thờ của các họ. Làng từng có đình cũ xây vào thời hậu Lê, về sau đình mới được xây thời Nguyễn, bề thế. Trưởng thôn Chính cho biết, xưa đình có 18 đạo sắc phong, nay trong hậu cung còn giữ nguyên 14 đạo. Cầu Nôm đẹp và thanh thoát bắc qua sông Nguyệt Đức, xưa các cụ dựng bằng gỗ lim để giao thương,về sau làng có nhiều tiền của nên làm lại bằng đá. Có những đoàn làm phim, nhà nghiên cứu, đoàn chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc và trong nước... đã về đây nghiên cứu.
Cầu Nôm. |
Thách thức từng ngày
"Xưa thì làng có đủ hết!" - Trưởng thôn Chính kể: "Văn chỉ, miếu, đình chợ, điếm tuần cạnh đình chợ, rồi chùa, đình, miếu, giếng, cầu, đường, bia hạ mã...". Thôi thì tất thảy những "hạng mục" của một làng quê thuần Việt nơi đồng bằng Bắc Bộ. Do chiến tranh, qua thời gian, đình chợ, điếm, ngôi miếu cũ và văn chỉ đã không còn. "Chúng tôi hy vọng mãi dựng lại văn chỉ và điếm mà chưa được!". Thêm vào đó còn là nỗi lo cho sự biến mất của những ngôi nhà cổ. Theo Chủ tịch xã Đại Đồng Nguyễn Văn Đức thì những năm qua đã có nhiều trường hợp đáng tiếc như vậy trong ngôi làng cổ nổi tiếng mà địa phương thì "lực bất tòng tâm" dù đã cố gắng thuyết phục. Nhưng nguyện vọng là của chính quyền, còn quyết định phải là nhu cầu đời sống của các chủ nhà. Như gia đình bác Phùng Văn Long - Nguyễn Thị Dương từng phải phá chiếc cổng cũ rất đẹp để ngày mùa lấy lối thồ lúa vào sân. Nay còn ngôi nhà cổ gần 200 năm ông bà vẫn giữ gìn mặc dù như lời anh con trai Phùng Văn Kiên thì: Lứa các con tôi thì đã muốn ở nhà kiểu mới, ngay đến tôi đây lắm lúc cũng muốn thay đổi rồi. Hiện nay nhiều chi tiết gỗ của nhà đang tiếp tục mối mọt sau nhiều lần sửa chữa và một lần dỡ ra sửa lớn năm 1973. Tất nhiên cũng như với nhiều ngôi nhà cổ khác, chủ nhà tự lo còn địa phương cũng không hề hỗ trợ. Ngoài đình và chùa được xếp hạng di tích quốc gia năm 1994, làng Nôm nói chung chưa được công nhận danh hiệu di sản, di tích gì nên không nhận được đầu tư của tỉnh hay Nhà nước. Trong khi nhà cổ đã xuống cấp thì không thể chờ đợi.
Việc công nhận không phải dễ dàng và nhanh chóng, nhưng để động viên người dân giữ gìn di sản nhà cổ, nhà thờ họ trong không gian cây xanh và yên bình của làng quê thì cần phải có những hỗ trợ thiết thực của chính quyền huyện, tỉnh, Bộ VH-TT&DL. Với tốc độ xây dựng nhanh chóng và sự pha tạp kiến trúc ở rất nhiều vùng nông thôn như hiện nay, cảnh quan và những cơ ngơi, di tích cổ xưa còn lại ở làng Nôm càng trở nên hiếm hoi, cần phải bảo tồn các giá trị truyền thông và phát triển du lịch.
Lưu Nguyễn